Theo luật sư, để giảm thiểu mức độ thiệt hại, ngoài sự chủ động của chính các hộ kinh doanh, cơ quan thuế cũng cần chủ động tính lại mức thuế khoán cho hộ kinh doanh để đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế.
Thời gian qua, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Trước tình hình đó, tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 897/TCT-QLN về việc gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, ngoài việc hoãn, giãn thời gian nộp thuế thì cần có chính sách giảm thuế riêng với những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là các hộ kinh doanh nộp thuế khoán.
Đề xuất có chính sách riêng đối hộ kinh doanh nộp thuế khoán. Ảnh minh họa |
Cụ thể, về vấn đề này, Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo - Giám đốc Công ty luật TAT Law firm cho rằng:
Đối với các cửa hàng, nhà hàng kinh doanh nộp thuế theo phương thức khoán. Số thuế khoán của năm 2020 được tính toán vào cuối năm 2019, dựa trên doanh số thời điểm kinh doanh bình thường trước đây, khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch. Vì vậy, trước tình hình doanh số bị thất thu nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch bệnh thì việc tính toán các giải pháp hỗ trợ như giảm thuế cho các đối tượng này là đặc biệt cần thiết.
Tại Khoản 11, Điều 6 Thông tư số 92/2015/TT-BTC của bộ Tài chính cũng đã hướng dẫn cụ thể các trường hợp giảm thuế khoán, cụ thể: “Cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán ngừng/nghỉ kinh doanh sẽ được giảm số tiền thuế khoán. Theo đó, nếu nghỉ liên tục từ trọn 01 tháng (từ ngày mùng 01 đến hết ngày cuối cùng của tháng đó) trở lên được giảm 1/3 số thuế khoán phải nộp của quý; nếu nghỉ liên tục trọng 02 tháng trở lên được giảm 2/3 số thuế khoán phải nộp của quý. Nếu nghỉ trọng quý được giảm toàn bộ số thuế khoán phải nộp của quý. Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán ngừng/ nghỉ kinh doanh không trọng tháng thì không được giảm thuế khoán phải nộp của tháng.
Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán bị thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì gửi văn bản đề nghị miễn (giảm) thuế theo mẫu số 01/MGTH ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC đến cơ quan thuế chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch. Cơ quan thuế căn cứ hồ sơ miễn (giảm) thuế theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn hiện hành để xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.”
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo - Giám đốc Công ty luật TAT Law firm |
Như vậy, đối với những hộ kinh doanh như cửa hàng, nhà hàng… vì dịch bệnh mà phải tạm dừng kinh doanh thì sẽ được giảm thuế khoán, số tiền giảm là bao nhiêu thì tùy từng thời gian ngừng kinh doanh cụ thể. Để được xác định là ngừng/nghỉ kinh doanh, các hộ kinh doanh phải thông báo ít nhất 15 ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh tới cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế trực tiếp quản lý. Trường hợp các nhà hàng, cửa hàng ngừng kinh doanh nhưng không thực hiện thủ tục thông báo tới cơ quan thuế hoặc trong thời gian dịch bệnh vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh thì có thể làm văn bản đề nghị miễn giảm thuế tới cơ quan thuế để được xem xét giảm thuế dựa trên mức độ thiệt hại.
Đứng trước tình hình dịch bệnh hiện nay, để giảm thiểu mức độ thiệt hại, ngoài sự chủ động của chính các hộ kinh doanh, cơ quan thuế cũng cần chủ động tính lại mức thuế khoán cho hộ kinh doanh để đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế.
Theo đó, nếu qua số liệu xác minh, kiểm tra có căn cứ xác định doanh thu khoán thay đổi từ 50% trở lên so với mức doanh thu đã khoán, cơ quan thuế cần phải kịp thời xác định lại doanh thu khoán để áp dụng cho thời gian còn lại của năm tính thuế.
Thực tế, kể từ khi dịch bệnh bùng phát tính từ tháng 1 đến nay đã có một lượng lớn các doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản.
Các doanh nghiệp khác cũng phải “oằn mình” để tồn tại trước những khó khăn “doanh thu thấp, chi phí lớn”, tình hình sản xuất kinh doanh bị trì trệ, đóng băng trong khoảng thời gian khá dài. Vì vậy, cần thiết phải có những giải pháp thiết thực, kịp thời để đảm bảo các doanh nghiệp bị thiệt hại được hỗ trợ để vượt qua khó khăn.
Mặc dù, tổng cục Thuế đã có Công văn số 897/TCT-QLN về việc gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, luật sư cho rằng, cần phải có thêm những gói chính sách hỗ trợ, miễn tiền thuê đất và giảm các khoản thuế, lệ phí cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn với người nộp thuế, ví dụ như xem xét, hỗ trợ giảm tiền thuê đất phải nộp trong 2 năm 2020-2012; giảm thuế nhập khẩu; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như giảm tiền đóng bảo hiểm xã hội...
Vũ Đậu