Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, ông Công ông Táo là vị thần dõi theo cuộc sống của mọi người. Hàng ngày ông Công ông Táo sẽ ghi lại những việc làm tốt xấu của gia chủ, để đến cuối năm, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân sẽ cưỡi cá chép lên chầu trời và báo cáo với Ngọc Hoàng. Bởi vậy, cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình lại tất bật sửa soạn cúng ông Công ông Táo.
Lễ vật cúng ông Công ông Táo bên cạnh hương hoa, vàng mã, hoa tươi, mâm cơm đủ món, một thứ không thể thiếu được là ba chú cá chép đỏ để ông Công ông Táo cưỡi về trời.
Ngày nay, nhiều người lựa chọn cá chép giấy để cúng cho tiện dụng. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho rằng, nên mua cá chép sống bởi vì ngoài ý nghĩa thờ cúng để dâng các Táo Quân lấy phương tiện đi lại, tục lệ phóng sinh cá chép cũng có một ý nghĩa văn hóa quý báu, thể hiện tinh thần nhân đạo của người Việt.
Cách chọn cá chép cúng ông Công ông Táo
Cá chép dùng để cúng ông Táo nên có dáng bơi vững vàng, không tật nguyền hoặc tổn thương. Một con cá khỏe mạnh sẽ bơi lội nhanh nhẹn, thể hiện sự linh hoạt và may mắn.
Trong nét đẹp tâm linh của ngày lễ ông Công ông Táo, việc chuẩn bị cá chép để cúng ông Táo được xem như một nghi thức quan trọng, thể hiện sự trân trọng và lòng cảm ơn đối với vị thần bếp đã gìn giữ hạnh phúc, no ấm cho gia đình suốt một năm qua. Không chỉ là một phần của lễ vật, mà cá chép còn mang ý nghĩa sâu sắc phong phú, đượm vị truyền thuyết và sự mỹ học tinh tế.
Cá chép dùng để cúng ông Táo phải chọn những con cá khỏe mạnh với dáng vẻ nhanh nhẹn. Chúng phải không mang trong mình bất kỳ khuyết điểm nào - dáng bơi phải vững chắc, không chệch choạc, thể hiện sức sống mãnh liệt. Khi được thả vào bát nước trong suốt, cá chép phải bơi lượn linh hoạt, nhanh nhẹn.
Một con cá khỏe mạnh không chỉ là biểu tượng của sức sống và may mắn, mà còn là đại diện cho lòng kiên nhẫn, sự bền bỉ và khao khát vươn lên. Cái cách chúng bơi ngược dòng, vượt lên chảy xiết của cuộc sống, phản chiếu triết lý nhân sinh về việc không ngừng vươn lên, không sợ khó khăn thử thách, luôn hướng tới những điều tốt đẹp và cao cả.
Mỗi khi nhìn thấy những con cá chép oai phong lướt qua làn nước, người ta không khỏi ngưỡng mộ và cảm thấy yên lòng với niềm tin rằng ông Táo sẽ được chuyển giao bằng phương tiện này đến thiên đình một cách thuận lợi, và như thế, những lời cầu nguyện, ước vọng của họ cũng sẽ được linh ứng.
Cần bao nhiêu con cá chép?
Số lượng cá chép cần mua cũng là vấn đề khiến nhiều người băn khoăn. Táo quân có 2 ông 1 bà, nên mua dâng mỗi người một con cá chép hay là mua một cặp, hay một con cũng đủ?
Thật ra, việc cúng là tùy tâm, con số bao nhiêu không phải là bắt buộc mà tùy vào quan niệm, niềm tin của mỗi gia đình. Có người cho rằng việc cúng cá chép cũng chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, một con cũng được, không có cá chép sống thì đĩa xôi mang hình cá chép, hay dùng cá chép bằng vàng mã cũng được. Có gia đình thường cúng một đôi vì thích sự cân đối, cân bằng.
Cúng ông Công ông Táo, phần lớn các gia đình thường mua 3 con cá chép. Nếu bạn muốn làm "chuẩn" theo sự tích Táo quân thì mua 3 con cá chép là phù hợp nhất, vì cá chép là vật cưỡi để các thần Bếp về trời, mà Táo quân có 3 vị.
Thả cá chép đúng cách
Việc phóng sinh cá chép mang ý nghĩa nhân văn. Tuy nhiên, thả cá chép thế nào cho đúng ý nghĩa tâm linh và mục đích bảo vệ môi trường thì không phải ai cũng hiểu biết đầy đủ.
Cá chép khi mua về nhà phải để trong một chiếc bát sạch, dùng nước sạch đổ vào. Tốt nhất nên dùng nước giếng, vì nước máy ở nhiều nơi đậm clo có thể làm chết cá. Khi cúng để bát (chậu) cá chép bên cạnh mâm cỗ cúng.
Sau khi đã làm lễ xong xuôi, bạn nên mang cả bát đựng cá đi ra nơi định thả. Lưu ý không nên dùng tay vớt cá nhiều lần từ chỗ này qua chỗ khác.
Cần tránh buộc cá trong túi rồi ném cả túi xuống vì làm như vậy cá rất dễ bị chết, mất đi ý nghĩa của một phong tục đẹp, đồng thời hạn chế việc xả rác xuống môi trường.
Khi thả cá, nên dùng tay từ từ nghiêng miệng túi nylon hoặc đồ đựng cá xuống nước, để cá tự bơi ra. Hoặc bạn đặt cá vào lòng bàn tay, thả nhẹ nhàng xuống nước. Cần thao tác nhẹ nhàng nhưng nhanh gọn. Tuyệt đối không đứng ở thành cầu hay các điểm trên cao ném cá xuống làm cá có thể không sống được.
Khi đi phóng sinh cá, bạn cần chọn những ao, hồ nước sạch, không gian rộng. Cách đúng nhất để phóng sinh cá đó là chọn chỗ mép nước gần, nhẹ nhàng nghiêng bát hoặc túi để cá tự quẫy, bơi vào dòng nước. Đặc biệt, tuyệt đối không nên mua cá chép về rồi thả cá bừa bãi ra những nguồn nước ô nhiễm làm cá bị chết.
Việc cúng bái, nghi lễ phóng sinh cần nhanh gọn để sớm đưa cá đi thả, tránh để cá chen chúc ngột ngạt, sợ hãi sẽ nhanh chết. Gia chủ cũng cần chọn mua những con cá chép khỏe mạnh để cá có thể sống được lâu ở nơi nước lạ. Sau khi thả cá, nên quan sát xem cá đã bơi khuất đi chưa, tránh tình trạng cá mắc kẹt, hoặc chưa kịp định hướng nên bơi ngược, bị sóng xô dạt lại vào bờ.
Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo!
Như Quỳnh (T/h)