Những ngày qua, bài viết trên nhóm “Nghiện nhà” của chị Lan Anh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhận được hàng chục nghìn lượt yêu thích và hàng nghìn lượt chia sẻ. Mọi người không khỏi rưng rưng xúc động, thấy đâu đó hình ảnh bản thân qua những câu chuyện giản dị: “Cuối cùng, mình cũng có nhà ba bố con nhỉ? Nhớ ngày đầu tiên chuyển về nơi đây, cả nhà cứ thế nhìn nhau khó (À, trừ bé Lạc là chạy tung tăng và hét váng nhà).
Sẽ chẳng bao giờ quên những năm tháng bụng bầu vượt mặt, vợ chồng trọ trong căn nhà 20m2 nóng bức, lúc nào cũng mơ, thậm chí rất rõ ràng về một căn nhà rộng rãi trong tương lai. Chẳng phải kiến trúc sư nhưng ngồi vẽ ước mơ ra giấy, tưởng tượng như thật, rất chi tiết về phong cách thiết kế và nội thất trong nhà. Ngôi nhà là thành quả chắt chiu sau 5 năm phấn đấu, có lẽ chưa có gì to tát so với nhiều gia đình nhưng mỗi sáng mở mắt ra, nhìn thấy từng tia nắng len lỏi vào trong nhà, thấy lần đầu tiên mình có phòng làm việc riêng để làm điều mình thích. Thấy mấy bố con đùa nhau vui vẻ, thấy nước chảy, cây xanh là tim mình như ngập tràn ánh nắng.
5 năm qua, đã có những lúc mệt mỏi tưởng như đã bỏ cuộc với ước mơ kia, thậm chí là bỏ cuộc với chính gia đình mình. Vậy mà may mắn quá, cuối cùng tình yêu thương và những cơ hội mới trong công việc đã giúp chúng mình tìm lại sự gắn kết với nhau và cùng nhau hiện thực hóa ước mơ năm nào...”
Dòng chia sẻ đã khiến nhiều người rơi nước mắt bởi có lẽ, ai cũng từng trải qua những năm tháng gian khó cuộc đời. Đó là những tháng ngày trẻ tuổi với nhiều ước mơ hoài bão nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, cám dỗ, cạm bẫy. Thất vọng, hụt hẫng, nản chí nhưng thật may mắn khi họ không bỏ cuộc, bao dung và cùng nhau thực hiện ước mơ có một căn nhà khang trang.
Căn nhà của chị Nguyễn Lan Anh là căn duplex hai tầng, có tổng diện tích 210m2, được thiết kế theo phong cách Japandi (kết hợp giữa phong cách Scandinavian Bắc Âu và Japanese Nhật Bản) ưu tiên sự tối giản, trang nhã. Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên thời gian hoàn thiện bị chậm khoảng 4 tháng so với dự kiến.
Ngoài ra, chị Lan Anh tự thiết kế nhà theo cách tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên để đem lại cảm giác ngập tràn sức sống mỗi sớm thức dậy, giúp các thành viên luôn vui vẻ và tràn đầy năng lượng. Các phòng đều được thiết kế tối đa công năng sử dụng hộc, tủ, ngăn kéo để mọi thứ luôn được ngăn nắp, tránh sự bừa bộn.
Chị Lan Anh chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật: “Khó khăn lớn nhất là ngôi nhà được thi công và hoàn thiện đúng đợt dịch bệnh nên mọi thứ không diễn ra theo đúng kế hoạch. Hai vợ chồng mất nhiều công sức, thời gian để cải tạo lại toàn bộ, không giữ lại một chút nào thiết kế gốc. Hơn nữa, trong thời gian làm nhà ông xã rất bận rộn, tôi lại mang bầu bé thứ hai nên cơ thể mệt mỏi nhưng vẫn phải quán xuyến mọi công việc. Để tiết kiệm tối đa chi phí, chúng tôi chọn giải pháp tự tay làm từ: Thiết kế, thi công thô đến sắm sửa nội thất, đồ trang trí, đồ điện tử”.
“Trước đây, điều kiện sống khó khăn nên khi căn nhà hoàn thiện thì thành viên háo hức nhất là bé con nhà tôi, con bé hét vang, chạy nhảy khắp nhà. Có nhà mới, tình cảm gia đình cũng gắn kết hơn, mọi người đều ý thức được tầm quan trọng của tổ ấm gia đình, luôn cố gắng khi về nhà dành nhiều thời gian trò chuyện, chơi đùa cùng nhau hơn”, chị Lan Anh tâm sự.
Nội thất trong nhà chủ yếu là từ gỗ, tạo sự ấm áp và thanh lịch. Không gian tầng 1 khá rộng rãi, thoáng đãng để tiếp đón khách và là nơi diễn ra mọi hoạt động vui chơi, sinh hoạt, tập luyện của gia đình. Không gian kết hợp với màu sơn bê thông để tôn nên nét giản dị, mộc mạc.
Ngắm nhìn mỗi góc nhỏ trong ngôi nhà, chị Lan Anh cảm thấy hạnh phúc, bình yên đến lạ. Chị đã chiêm nghiệm ra nhiều điều giản dị mà lớn lao về tình cảm thiêng liêng gia đình, về sự gắn kết của vợ chồng, về trách nhiệm đối với cha mẹ già và con cái. Ngôi nhà không chỉ mang giá trị vật chất mà còn chứa đựng giá trị tinh thần lớn lao, là nơi “bão dừng sau cánh cửa”, chỉ còn lại ấm áp, yên bình.
Ứng Hà Chi