+Aa-
    Zalo

    Mẹ giúp con “cai nghiện" game bằng cách nhốt vào... chuồng chó

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Vì nghiện game, H. nhiều lần lẻn vào nhà hàng xóm ăn cắp vặt. Sự việc bị phát hiện, người mẹ liền bắt H. về nhà nhốt vào chuồng chó nhiều ngày để răn đe, dạy dỗ.

    (ĐSPL) - Vì nghiện game, H. nhiều lần lẻn vào nhà hàng xóm ăn cắp vặt. Sự việc bị phát hiện, người mẹ liền bắt H. về nhà nhốt vào chuồng chó nhiều ngày để răn đe, dạy dỗ. Sự việc lại một lần nữa báo động về tình trạng dạy con phản khoa học của các bậc phụ huynh.

    Dạy con trong... chuồng chó

    Những ngày qua, dư luận người dân thôn 4 (xã Ea H’Leo, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lăk) bàn tán xôn xao về việc một người mẹ nhốt con mình vào chuồng chó gần một tuần để trừng phạt tội ăn cắp vặt và nghiện game. Người mẹ nói trên đó chính là chị Nguyễn Thị Thanh Th. (SN 1971, trú xã Ea H’Leo) và cậu con trai là Phạm Minh H. (SN 2000).

    (bgiay)Mẹ giúp con “cai nghiện game” bằng cách nhốt vào... chuồng

    Chuồng chó nơi chị Th. nhốt con trai mình để răn đe.

    Vào chiều 10/10, PV báo Đời Sống và Pháp luật có mặt tại xã Ea H’Leo để tìm hiểu nguyên nhân sự việc gây xôn xao này. Được biết, ngày 3/10, do không có tiền chơi game, H. cạy ván tường nhà bà Nguyễn Thị Liên (SN 1971, hàng xóm của chị Th.) rồi lẻn vào trong lục lọi đồ đạc trộm tiền. Sự việc được bà Liên phát hiện và bắt giữ H. ngay tại nhà. Sau đó, bà Liên gọi điện báo cho chị Th. để răn đe, dạy dỗ con.

    Sau khi biết được sự việc, quá tức giận, chị Th. đưa H. về nhà với ý định sẽ dạy cho H. một bài học. Tuy nhiên, cuối cùng, chị Th. quyết định mượn một chiếc chuồng chó bằng sắt từ nhà một người hàng xóm đem về rồi đưa vào căn nhà cũ lâu nay không sử dụng. Sau đó, chị nhốt đứa con hư hỏng của mình vào trong đó. Hàng ngày, tới bữa cơm, chị Th. đều mang cơm đến để cho H. ăn. Thế nhưng khi nhốt đứa con được một ngày, H. lại cạy ván phía dưới sàn của chuồng chó ra và trốn được. Chị Th. lại một lần nữa tìm kiếm đem H. về và tiếp tục nhốt vào chuồng chó. Lần này chị Th. đã dùng một sợi dây xích, xích chân H. lại, nhằm không cho H. bỏ trốn.

    Sau khi sự việc xảy ra, thấy con mình đã ăn năn, cùng với sự góp ý của nhiều người, chị Th. mở cửa chuồng chó đưa H. về nhà để chăm sóc. Ông Nguyễn Văn Bậm (SN 1954, trú thôn 4, hàng xóm chị Th.) cho biết: “H. học đến lớp 2 thì bắt đầu theo bạn bè rủ rê chơi game, bỏ bê việc học. Do đó, suốt bốn năm liền, H. không thể học hết lớp 2 nên gia đình cho nó nghỉ học. Mẹ nó thì lo làm ăn không có thời gian quan tâm đến con cái nên thời gian nó ở các tiệm game nhiều hơn ở nhà. Vì không có tiền và nghiện game, nhiều lần H. tới nhà hàng xóm, thấy nhà nào sơ hở thì lẻn vào để lục lọi, trộm cắp tài sản. Số tiền mỗi lần H. trộm được chỉ vài ba trăm ngàn đồng, nhưng khiến cho người dân trong xóm phải khó chịu, lúc nào cũng phải để ý cậu bé tinh nghịch này. Sự việc mẹ đưa nó vào chuồng chó để răn đe dạy dỗ cũng là do quá ham chơi, nghịch ngợm, hết cách trị nên mẹ nó mới làm như vậy chứ không hề có ác ý gì đối với nó”.

    (bgiay)Mẹ giúp con “cai nghiện game” bằng cách nhốt vào... chuồng

    Cháu H. cúi đầu ăn năn khi nhận ra sự việc.

    Trao đổi với PV, bà Đỗ Thị Liên (hàng xóm của chị Th.) cho biết: “Vì ham mê chơi game, H. nhiều lần vào nhà tôi để trộm cắp tiền. Ngày 3/10, tôi nằm trong nhà phục sẵn. Lúc đó, tôi thấy H. cạy tấm ván nhà lẻn vào trong, tiếp tục lục lọi đồ đạc. Ngay sau đó, tôi lao tới bắt giữ rồi gọi điện cho mẹ nó để mang con về dạy dỗ. Khi đưa H. về nhà, mẹ nó nhốt nó vào chuồng chó, nhằm mục đích để nó không thể ra ngoài chơi game và trộm vặt được nữa. Sau đó, thấy tội thằng bé, tôi cũng gặp chị Th. động viên khuyên ngăn và góp ý, cần có biện pháp giáo dục con khoa học hơn. Sau đó, chị Th. đã đưa con về nhà để chăm sóc, dạy dỗ”.

    Nỗi lòng người mẹ

    Trao đổi với PV, chị Th. ngậm ngùi nói: “Thằng H., con tôi là một đứa ngỗ nghịch. Vì quá ham mê vào các trò chơi trên mạng nên nó suốt ngày chỉ ở các tiệm game. Có khi, nó bỏ đi năm, mười ngày mới về. Tôi phải bỏ biết bao công việc thời gian để tìm kiếm nó về nhà. Thế nhưng, được vài ngày nó lại bỏ đi. Khi không có tiền thì nó trộm cắp các tài sản của những người hàng xóm xung quanh. Thời gian qua, bao lần nhiều người ta đến nhà nhắc nhở, trách mắng tôi. Có những lần nó trộm cắp bên ngoài, bị người ta đánh đập khiến thân thể bầm giập, tôi nhìn thấy mà đau xót”.

    “Do nó ít học, tôi sợ nó bị kẻ xấu lợi dụng, và sợ nó lại đến nhà người khác trộm cắp, nên tôi mới nghĩ ra cách nhốt nó vào chuồng chó. Mục đích cuối cùng của tôi cũng chỉ là răn đe để nó bỏ chơi game và không đi trộm cắp. Mặc dù biết rằng, việc đưa đứa con trai mình đứt ruột đẻ ra vào chuồng chó để răn dạy là sai trái, nhưng đó cũng chỉ là cách tôi hù dọa để nó có thể thay đổi được tính nết. Khi đó tôi có thể an tâm làm việc kiếm tiền để trang trải cho cuộc sống trong gia đình”, chị Th. chia sẻ thêm.

    Mặc dù ở cái tuổi 14, nhưng vóc dáng của cậu bé ngỗ nghịch này nhỏ nhắn hơn những bạn bè cùng trang lứa. Ngồi trên chiếc ghế nhỏ, H. cúi đầu thỏ thẻ: “Vì ham mê chơi game, không có tiền nên cháu đã trộm cắp tiền của nhà hàng xóm nhiều lần, khiến mẹ cháu bị người ta mắng mỏ. Những ngày bị mẹ cháu nhốt trong chuồng chó cháu không giận mẹ, mà đã ăn năn hối hận rất nhiều. Cháu hứa sẽ không chơi game hay trộm cắp để mẹ cháu phải làm như vậy nữa. Mấy ngày qua, cháu cảm thấy ân hận và thương mẹ lắm”.

    Qua tìm hiểu được biết, chị Th. lập gia đình năm 1999. Vợ chồng chị sinh được ba người con, H. là con đầu, đứa út SN 2012. Vì không có đất mưu sinh, chị Th. hằng ngày buôn bán đậu hũ, chồng thì làm thuê, bốc vác để kiếm tiền trang trải trong gia đình. Thế nhưng, sau một thời gian, chồng chị Th. đã trở nên đổ đốn, rượu chè bê bết, ham mê cờ bạc không lo làm ăn, buộc một mình chị Th. phải gánh vác hết mọi công việc. Không thể chịu nổi người chồng đổ đốn như vậy, nên đến năm 2012, chị Th. quyết định viết đơn ly dị và đưa ba đứa con nhỏ về nhà mẹ ruột sinh sống. Vì cuộc sống của mấy mẹ con quá khó khăn, hằng ngày chị Th. mải mê với việc kiếm tiền để mưu sinh, dẫn đến những sự việc đáng tiếc không mong muốn xảy ra với cháu H..

    Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, người mẹ này thương con, lo lắng cho con, muốn con mình tránh xa những việc làm sai trái nhưng cách dạy con của chị hoàn toàn không đúng phương pháp. Thậm chí, nó còn có thể có tác dụng ngược, gây ra những hậu quả khác nghiêm trọng hơn. Với một đứa trẻ 14 tuổi, điều quan trọng, là người nhà và chính quyền địa phương gần gũi, quan tâm hơn đến H., để em biết nhận ra điều sai trái và sửa sai.

    Nhắc nhở gia đình có phương pháp giáo dục tốt hơn

    Trao đổi với PV, ông Mai Văn Thắng, Trưởng Công an xã Ea H’leo cho biết: “Sự việc chị Th. nhốt con vào chuồng chó để dạy dỗ là hoàn toàn có thật. Sau khi nhận được nhiều phản ánh của dư luận về vấn đề này, UBND xã Ea H’leo đã cử cán bộ là Chủ tịch hội phụ nữ, cán bộ thương binh xã hội, công an viên của địa bàn đến gia đình chị Th. nhắc nhở, đồng thời động viên để gia đình có phương pháp giáo dục cháu H. tốt hơn; Mặt khác xã cũng yêu cầu đội ngũ công an viên phải thường xuyên kiểm tra, giám sát các tiệm internet trên địa bàn hoạt động một cách nghiêm túc, đúng quy định để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/me-giup-con-cai-nghien-game-bang-cach-nhot-vao-chuong-cho-a55864.html
    Đắng cảnh mẹ già nuôi con tâm thần trong cũi sắt

    Đắng cảnh mẹ già nuôi con tâm thần trong cũi sắt

    (ĐS&PL) - Trước ngôi nhà rách nát không có một vật dụng gì đáng giá, người mẹ già ngồi rúm ró, khuôn mặt đờ đẫn bên khung cũi sắt nhốt con, khiến nhiều người không cầm được nước mắt cho những số phận hẩm hiu cô quạnh, đầy rẫy những đau thương vất vả ấy.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Đắng cảnh mẹ già nuôi con tâm thần trong cũi sắt

    Đắng cảnh mẹ già nuôi con tâm thần trong cũi sắt

    (ĐS&PL) - Trước ngôi nhà rách nát không có một vật dụng gì đáng giá, người mẹ già ngồi rúm ró, khuôn mặt đờ đẫn bên khung cũi sắt nhốt con, khiến nhiều người không cầm được nước mắt cho những số phận hẩm hiu cô quạnh, đầy rẫy những đau thương vất vả ấy.