Căn nhà nhỏ của ông bà Trần Văn Bằng và Nguyễn Thị Tuyến – bố mẹ kẻ khống chế con tin tại Thanh Xuân Bắc sáng 16/9 – tại tổ 24, khu 7, phường Quang Trung, TP.Uông Bí, Quảng Ninh giờ luôn đóng cửa đóng, then cài.
Mỗi lần có khách, ông bà lại ngó nghiêng xem đó là ai, bởi như bà Tuyến nói, giờ xấu hổ vô cùng. Từ hôm Trần Thanh Bình bị bắt giữ sau vụ khống chế con tin, ông bà mở lại lối sau thông sang nhà vợ chồng cậu con trai này để tiện bề trông nom hai đứa cháu nội còn nhỏ xíu.
Trần Thanh Bình - kẻ khống chế con tin ở Thanh Xuân Bắc. |
Việc Trần Thanh Bình phạm những tội danh nguy hiểm khiến cả gia đình, cơ quan, bạn bè, khu phố đều hết sức bất ngờ, bởi từ bé tới giờ, đối tượng Bình được đánh giá là ngoan và hiền.
“Giá nó nghịch ngợm, lếu láo từ nhỏ thì tôi còn cam lòng. Đằng này, nó không chơi bời gì, hết giờ làm là về nhà. Sốc quá chú ạ! Nhục nhã lắm! Giờ tôi không dám ngẩng mặt nhìn mọi người. Nó làm xấu mặt gia đình, dòng tộc, cơ quan…” – bà Tuyến vừa nói, vừa khóc.
Từ hôm con phạm tội, đêm ông bà không thể chợp mắt được. Bà khóc, còn ông cố nín nhưng mắt vẫn đẫm lệ. “Bao năm trời nuôi dạy, giờ nó trả ơn tôi thế đấy” – ông Bằng vò đầu, bứt tai.
Sáng 16/9, nhận được tin từ Công an TP.Uông Bí, bà Tuyến cùng con dâu Hà Thu Hương vội vã lên Hà Nội. Đứa cháu nội mới 5 tháng tuổi không thể để ở nhà nên đành đưa theo mẹ đi cùng. Vốn sức khỏe yếu, lại nhận tin dữ từ chồng, Hương ngất lên, ngất xuống trên đường lên Hà Nội.
Bà Tuyến kể, Bình xin tạm nghỉ việc, từ ngày 14/8 đến 31/10/2014 tại Công ty Kho vận Đá Bạc, thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản VN để giải quyết việc gia đình. “Nó bỏ nhà đi được một tuần rồi lại về khi gia đình trả xong món nợ. Sau đó, ngày 28/8, nó lại viết đơn xin đi làm sớm hơn thời gian xin tạm nghỉ, nhưng lại đòi chuyển sang bộ phận khác. Tôi bảo muốn sang chỗ nào thì trước hết vẫn phải về chỗ cũ đã. Có ai ngờ, đúng ngày nó làm đơn là ngày nó bỏ nhà đi lần 2 và phạm tội” – bà Tuyến chua xót.
Những ngày đầu, gọi bà gọi Bình không nghe, nhưng nhắn tin thì trả lời. Lần nào nhắn, bà cũng gọi con về, và dọa rằng “Đừng làm gì vi phạm pháp luật. Nếu vào tù, mẹ không đi thăm con đâu…”
Cả gia đình bà đều gắn với ngành than. Ông Bằng trước cũng là thợ lò, đã về hưu được vài năm. Bà, hai cậu con trai và cô con dâu đều làm chung một công ty.
“Tôi mới về hưu. Trước nghĩ cũng mừng vì các con đều trở thành công nhân nhà nước, có công ăn việc làm ổn định. Anh chị em trong cơ quan mới tổ chức liên hoan chia tay tôi, thế mà bây giờ…” – bà lại khóc.
Bình vào làm việc tại Công ty Kho vận Đá Bạc từ năm 2007, lúc đầu là công nhân hợp đồng thời vụ, sau chuyển sang làm công nhân sửa chữa toa xe lửa. Khi phạm tội, Bình là nhân viên bảo vệ.
“Với thu nhập của hai vợ chồng Bình – khoảng 10 triệu đồng/tháng, lại có nhà cửa ổn định, được sự hỗ trợ của bố mẹ đẻ, không thể nói là đời sống khó khăn, sinh ra làm liều được” – một cán bộ công ty cho biết.
Cũng có những nghi vấn rằng đối tượng Bình vẫn còn nợ một khoản tiền nhất định, nên tiếp tục quay lại Hà Nội để thực hiện ý đồ đen tối.
Hỏi Bình nợ những khoản gì, ông bà nhất định không nói, chỉ biết rằng, số tiền dành dụm được bấy lâu, cùng một khoản hỗ trợ khi về hưu của bà đã được chi hết vào những khoản nợ của con trai.
Suốt buổi trò chuyện, chỉ thấy ông bà bình tâm đôi chút khi hai đứa cháu nội – con của đối tượng Bình – đứa 30 tháng tuổi hết ngả vào lòng ông rồi lại lòng bà; đứa 5 tháng tuổi, đẹp như thiên thần, thỉnh thoảng lại nhoẻn cười…
Tôi xin phép chụp kiểu ảnh, ông Bằng bảo, giờ gia đình như có chuyện tang. Lên hình, họ hàng, bạn bè xem được lại buồn thêm.
Những ngày qua, cũng có nhiều phóng viên xin gặp, hoặc xin trò chuyện qua điện thoại, nhưng ông bà đều từ chối, “vì chuyện của thằng Bình đã có cơ quan công an giải quyết. Những thông tin trên báo chí những ngày qua đã là đủ đau lòng lắm rồi”.
Vì chuyện của con, giờ ông bà ngại ngần tiếp khách, và không dám đi ra ngoài. Nồi nấu xôi sáng mà bà Tuyến bán ở đầu ngõ kể từ khi về hưu, như bà nói “vừa kiếm chút tiền tiêu vặt, vừa để cho các con thấy về hưu nhưng vẫn phải lao động”, giờ để ở xó bếp.
“Đây đúng là ác mộng đời người” – người cha đau khổ nhăn nhó.