(ĐSPL) - Sau cuộc hỗn chiến tại quán ăn, anh T. đã vác dao đến trạm y tế truy sát đối thủ, không may anh này lại bị chính đối thủ đâm chết.
Ngày 9/11, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét đơn kháng cáo của gia đình bị hại yêu cầu hủy bản án sơ thẩm và xét đơn kháng cáo xin giảm tiền trợ cấp cho gia đình bị hại của bị cáo Đào Quang Hiệu (SN 1983, trú ở thân Mai Châu, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, Hà Nội) về tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
Trước đó, ngày 14/4 TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Hiệu 18 tháng tù về tội danh trên - tin tức đăng tải trên báo Công lý.
Bị cáo Đào Quang Hiệu trước vành móng ngựa - Ảnh: báo Pháp luật Plus |
Như báo Pháp luật Plus đã đưa tin trước đó, tối 3/10/2015, Hiệu cùng nhóm bạn rủ nhau đến uống cà phê tại một quán karaoke. Ngay ở bàn bên cũng có một nhóm đối tượng ngồi uống nước, trong đó có anh Đào Bá T (SN 1989), trú cùng huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Khoảng 23h, Khi đang ngồi uống nước thì giữa Hiệu và T xảy ra mâu thuẫn và xô xát nhau. Được mọi người căn ngăn, hai đối tượng này mới dừng lại. Khi T về nhà, trong lòng vẫn ấm ức về chuyện vừa xảy ra với Hiệu nên đã lấy một con dao rựa và quay trở lại quán tìm Hiệu.
Khi đến nơi, vì quán khóa trái cửa nên T. đã trèo qua tường rào vào. Thấy Hiệu, T cầm dao bổ thẳng vào người Hiệu nhưng anh này kịp lấy chiếc ghế lên để chống đỡ. Sau đó, khi Hiệu bị vấp ngã và tuột mất ghế trên tay, T vẫn tiếp tục nhằm thẳng đầu đối phương tấn công. Vừa tránh đòn, Hiệu vừa giơ tay lên đỡ dao nên bị chém đứt gân ở lòng bàn tay.
Mọi việc chỉ dừng lại khi mọi người căn ngăn, T cũng vác dao đi về nhà. Trong khi đó, Hiệu tự mình đi đến Trạm y tế xã Liên Châu để được băng bó vết thương. Khi đi ngang qua nhà T, Hiệu liền chửi đối tượng với lời lẽ đầy thách thức.
Trên đường đi băng bó vết thương, Hiệu cũng gọi điện cho Đào Quang Tưởng (SN 1980, trú cùng xã Liên Châu) thông báo việc vừa bị T đánh bị thương. Nhận được điện của bạn, Tưởng nhanh chóng mang theo một con dao gắn với chuôi dài như thanh kiếm đến chỗ Hiệu.
Còn về phần T., sau khi nhận được lời thách thức của Hiệu, T. “hùng hổ” vác dao đến Trạm y tế Liên Châu để tìm đối phương.
Vừa đến trạm y tế, trông thấy Tưởng có mặt cùng Hiệu đang chờ băng bó vết thương, T quay sang đuổi chém người này nhưng không chém được. Giữa lúc T và Tưởng đang “nghênh chiến” với nhau thì Hiệu chạy đến giằng dao nhọn trên tay người bạn. Khi T. nhào tới chém liền bị Hiệu đâm thẳng dao vào người. Nhoài người lên chém nhát thứ hai, T bị Hiệu đâm thêm lần nữa vào vùng ngực.
Mặc dù ngay sau đó, T được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng do thương tích quá nặng nên T đã tử vong vì mất máu cấp.
Cũng theo báo Công lý, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hiệu đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm được trở về với gia đình.
Sau khi nghị án, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan, HĐXX cho rằng, bản án sơ thẩm xét xử như vậy là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật nên không có cơ sở để chấp nhận đơn kháng cáo của phía gia đình bị hại cũng như của bị cáo Hiệu.
Từ nhận định trên, HĐXX quyết định bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Điều 95. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009) 1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Giết nhiều người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích dẫn từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. |
PHƯƠNG ANH(Tổng hợp)