(ĐSPL) - Đại diện đơn vị vận chuyển xăng dầu hàng không Việt Nam (thuộc Tổng công ty TNHH Một thành viên Xăng dầu hàng không Việt Nam - Vinapco) thừa nhận, 15 tổ hợp xe téc chở xăng mới nhận đã hư hỏng. Trước đó đã có những cáo buộc về "chất lượng" cuộc đấu thầu và bản hợp đồng cung cấp số xe này...
Mới dùng đã... hỏng!
Trả lời PV báo Đời sống và Pháp luật mới đây, ông Trịnh Duy Khiêm, PGĐ Xí nghiệp Vận tải xăng dầu hàng không cho biết: E15 tổ hợp xe đầu kéo sơ mi rơ moóc (xin được gọi là xe téc - PV) được Vinapco bàn giao từ cuối năm 2012 để vận chuyển xăng dầu hàng không đều đã bị hỏng hóc. Việc hỏng hóc cũng được ông Khiêm xác định chủ yếu ở phần téc chở xăng với hiện tượng thẩm thấu xăng. "Hiện 15 chiếc xe đã phải sửa chữa và không thể đánh giá được chất lượng cụ thể của lô xe téc này", ông Khiêm nói.
15 xe téc chở xăng của Vinapco mới sử dụng đã hỏng, đang rất cần làm rõ trách nhiệm. |
Theo tìm hiểu của PV, từ giữa năm 2012, Vinapco ký hợp đồng với công ty TNHH Hà Thành (gọi là công ty Hà Thành - PV) về việc cung ứng 15 xe téc trên. Cuối năm 2012, công ty Hà Thành thực hiện bàn giao xe cho Vinapco, sau đó, lô xe này được chuyển xuống Xí nghiệp Vận tải xăng dầu hàng không để vận chuyển xăng từ Vinapco đi các đơn vị thành viên.
Tuy nhiên, theo vị đại diện xí nghiệp Vận tải xăng dầu, họ chỉ biết cấp trên là Vinapco giao xe và nhận chứ không có chức năng kiểm định chất lượng xe. "Trong quá trình sử dụng, đơn vị đã tuân thủ các quy định của nhà sản xuất nhưng đáng tiếc chỉ sau hơn một năm sử dụng, xe đã có vấn đề", vị đại diện đơn vị này cho hay.
Đáng nói, sự cố lô xe téc trên xảy ra từ cuối năm 2013, khi đó, cả Vinapco và công ty Hà Thành phải ngồi với nhau để giải quyết hậu quả. Tại biên bản họp giữa hai công ty đề ngày 16/1/2014 cho thấy, sự cố xe téc xảy ra từ ngày 22/11/2013 với những ghi nhận cụ thể phần xi téc bị móp đang xảy ra ở hàng loạt xe.
Sau đó, toàn bộ lô xe này được đưa đi sửa chữa, nhưng theo tính toán của xí nghiệp Vận tải xăng dầu, số tiền sửa chữa lên đến gần 200 triệu đồng và hơn 1,5 tỷ đồng bị thiệt hại do xe dừng vận tải (tương đương 226 chuyến).
Im lặng để trốn trách nhiệm?
Nguồn tin từ công ty CP cơ khí và môi trường An Nam (đơn vị nhận sửa chữa 15 xe téc này - PV) cho thấy, để sửa chữa và đảm bảo chất lượng cho xe hoạt động, công ty phải thực hiện khoảng 15 công đoạn kỳ công như: Gia công sửa nắn sườn xi téc; gia công hàn thêm vào phía trong xi téc; gia công sát xi; cắt ngắn chân đế xi téc hợp lý;... Thời gian thực hiện được xác định là 15 ngày/xe.
Ông Trịnh Duy Khiêm, PGĐ xí nghiệp Vận tải xăng dầu hàng không cho biết, vì lưu lượng vận chuyển là rất lớn, nên việc sửa chữa phải thực hiện lần lượt từng đợt xe, việc này cũng gây nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, ông Khiêm không bình luận về việc có phải lô hàng 15 xe téc kém chất lượng hay không.
Trước đó, xung quanh chất lượng của 15 xe téc này, PV đã nhận được cáo buộc về những tiêu cực tại Vinapco, trong đó có đề cập đến "chất lượng" của việc đấu thầu và bản hợp đồng về 15 chiếc xe téc có giá trị hàng chục tỷ đồng đã hỏng hóc trên. Thậm chí, còn có cáo buộc cho rằng, có dấu hiệu trục lợi của một nhóm người khiến xe mới bàn giao sử dụng đã hư hỏng, gây thất thoát tiền Nhà nước, gây mất an toàn cho cộng đồng tham gia giao thông.
Đáng nói, trước luồng thông tin đang muốn làm rõ, cần sự minh bạch, thì phía Vinapco lại bất hợp tác với dư luận. Mặc dù PV đã cất công liên hệ và đặt lịch làm việc với tổng công ty này, tuy nhiên, đã gần nửa tháng trôi qua, Vinapco vẫn... bặt vô âm tín. Trước thái độ im lặng đến khó hiểu của Vinapco, dư luận đang trông chờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để làm sáng tỏ vấn đề. Bản báo sẽ tiếp tục thông tin làm rõ.