Một mảnh vỡ lớn từ tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc đã rơi xuống vùng biển gần quốc đảo Maldives tại Ấn Độ Dương.
The New York Times đưa tin các mảnh vỡ từ tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc đã hạ cánh xuống Ấn Độ Dương, gần quốc đảo Maldives vào sáng sớm ngày 9/5 (giờ địa phương), cơ quan quản lý không gian của Trung Quốc thông báo.
Cơ quan này cho biết hầu hết các mảnh vỡ đã cháy hết khi rơi xuống khu vực này. Hiện vẫn chưa rõ liệu có bất kỳ thứ gì còn sót lại đã đổ bộ vào các hòn đảo trong số 1.192 hòn đảo của Maldives hay không.
Tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc cất cánh từ bãi phóng tàu vũ trụ Văn Xương vào ngày 29/4. Ảnh: Shutterstock. |
Tuy nhiên, khả năng các mảnh vỡ từ tên lửa có thể tấn công một khu vực đông dân cư, đã khiến mọi người trên khắp thế giới phải theo dõi quỹ đạo của nó trong nhiều ngày.
Tên lửa Trường Chinh 5B được sử dụng để phóng bộ phận mới của trạm vũ trụ Trung Quốc vào quỹ đạo vào ngày 29/4. Thông thường, các giai đoạn tăng cường lớn của tên lửa sẽ ngay lập tức quay trở lại Trái đất sau khi chúng được kích hoạt nhưng giai đoạn lõi 23 tấn của Trường Chinh 5B đi cùng với đoạn trạm vũ trụ trên toàn bộ quỹ đạo.
Do ma sát gây ra bởi tên lửa cọ xát với không khí trên đỉnh bầu khí quyển, nó sớm bắt đầu mất độ cao, vì vậy hiện tượng "tái nhập không kiểm soát" xảy ra khi trở lại Trái đất là điều không thể tránh khỏi.
Cơ quan quản lý không gian của Trung Quốc, đã không lên tiếng về việc tái nhập không kiểm soát của tên lửa Trường Chinh 5B. Cho đến ngày 9/5, cơ quan này thông báo rằng các mảnh vỡ đã đi vào bầu khí quyển của trái đất trên Địa Trung Hải trước khi bay qua Trung Đông và đi xuống gần Maldives, phía Nam Ấn Độ. Người dân ở Israel và Oman đã báo cáo về việc nhìn thấy các mảnh vỡ tên lửa trên mạng xã hội.
Chính phủ Maldives hiện chưa lên tiếng trước thông báo của Trung Quốc.
Trường Chinh 5B là tên lửa lớn nhất của Trung Quốc và là một trong những tên lửa lớn nhất hiện đang được sử dụng tại các quốc gia trên thế giới. Chương trình không gian của Trung Quốc cần một phương tiện lớn, mạnh mẽ để chở Tianhe, mô-đun chính của trạm vũ trụ mới Tiangong, sẽ hoạt động vào năm 2022 sau khi nhiều mảnh khác được phóng và kết nối trên quỹ đạo.
Bích Thảo(Theo The New York Times)