Tên lửa Trường Chinh 4B là phương tiện chính trong các dòng Trường Chinh của Trung Quốc, được sử dụng để phóng các vệ tinh ứng dụng khác nhau lên quỹ đạo đồng bộ mặt trời.
Tên lửa Trường Chinh 4B tại Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên ở miền Bắc Trung Quốc. Ảnh: Baidu |
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, vào lúc 13h57 ngày 7/9, tên lửa Trường Chinh 4B cất cánh từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên ở miền Bắc Trung Quốc, mang theo vệ tinh viễn thám Cao Phân 11 thành công đi vào quy đạo dự kiến.
Theo thông tin trên trang dữ liệu Baike, tên lửa Trường Chinh 4B có tổng chiều dài 45,576 m, phần lõi có đường kính tối đa 3,35 m, sức tải 1.900 kg ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời. Đây là một trong 3 dòng A-B-C của loại tên lửa Trường Chinh 4 được phát triển trên cơ sở cải tiến của tên lửa Trường Chinh 3, sử dụng dinitrogen tetroxide (N2O4) và một phần chất đẩy unsym-Dimethylhydrazine, trên nền tảng kỹ thuật tiên tiến cùng tính kế thừa tốt.
Đáng chú ý, tầng thứ nhất của tên lửa Trường Chinh 4B dài hơn 4m so với Trường Chinh 3, và có thể chứa thêm 40 tấn thuốc phóng, nâng tổng lực đẩy mặt đất của 4 động cơ ở tầng thứ nhất tăng từ 2.746 kN lên 2.942 kN.
Tầng thứ 3 của Trường Chinh 4B bao gồm hai động cơ đơn làm việc độc lập song song. Nó có thể chuyển động theo cả hai hướng. Đây là động cơ tầng trên dùng thuốc đẩy ở nhiệt độ bình thường hiệu suất cao đầu tiên được phát triển ở Trung Quốc. Nó có lực đẩy 49 kN và xung lực riêng 2.971 m/s. Mỗi động cơ đơn có thể xoay theo hai hướng thẳng đứng, góc xoay tối đa là 4,5 độ và có thể khởi động hai lần trong môi trường chân không.
Ngoài ra, động cơ tầng thứ ba của Trường Chinh 4B sử dụng đoạn dài ống phun hợp kim Niobium làm mát bức xạ, tỷ lệ xung lực và lực đẩy cụ thể trên trọng lượng của nó đứng đầu trong các động cơ đẩy ở nhiệt độ bình thường của Trung Quốc.
Tên lửa Trường Chinh 4B được ứng dụng tương đối rộng rãi. Nó thích hợp để phóng các trọng tải ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời và quỹ đạo cực địa, hay các trọng tải quỹ đạo chuyển giao không đồng bộ. Ngoài ra, nó có thể được phóng tại tất cả các trung tâm phóng ở Trung Quốc.
Tên lửa Trường Chinh 4B cũng là phương tiện chính trong các dòng Trường Chinh của Trung Quốc, được sử dụng để phóng các vệ tinh ứng dụng khác nhau lên quỹ đạo đồng bộ mặt trời và quỹ đạo trái đất tầm thấp.
Tên lửa Trường Chinh 4B là một hệ thống phóng có độ tin cậy cao, điều này chủ yếu đạt được thông qua một loạt các biện pháp đảm bảo độ tin cậy trong kế hoạch thiết kế tên lửa, bao gồm quá trình phát triển, thiết kế, thử nghiệm, sản xuất và quản lý.
Ngoài ra, dòng tên lửa này còn sở hữu thiết bị kỹ thuật để phóng nhiều vệ tinh bằng một tên lửa. Chìa khóa để có thể phóng nhiều vệ tinh với một phương tiện phóng là độ ổn định và độ tin cậy của công nghệ phân tách giữa vệ tinh và tên lửa.
Vào ngày 10/5/1999, tên lửa Trường Chinh 4B được phóng lần đầu tiên, thành công đưa các vệ tinh "Fengyun-1C" và "Shenzhen-5" vào quỹ đạo chuẩn xác. Cho đến năm 2013, tên lửa Trường Chinh 4B đã được phóng thêm hai lần, đưa 28 vệ tinh trong và ngoài nước vào quỹ đạo dự định. Các vệ tinh tài nguyên trái đất mà Trung Quốc và Brazil hợp tác đều được phóng bằng tên lửa này.
Hoa Vũ (Theo Sina)