(ĐSPL) - Lợi dụng công việc là nhân viên kỹ thuật giám định vàng, Tâm đã đưa vào cầm cố tại cửa hàng liên doanh 87 gói vàng giả, lấy hơn 1,1 tỷ đồng.
Theo báo Công an nhân dân, ngày 4/12, Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46) Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đã kết luận điều tra vụ án, đề nghị truy tố bị can Ngô Văn Tâm (48 tuổi, ngụ phường 1, quận 8, TP Hồ Chí Minh), nguyên nhân viên kỹ thuật Công ty cổ phần vàng bạc đá quý SJC Bàn Cờ (gọi tắt công ty SJC Bàn Cờ) tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Nguyễn Thanh Tùng (62 tuổi, ngụ phường 13, quận 3, TP Hồ Chí Minh) - Nguyên giám đốc Công ty SJC Bàn Cờ về tội Không tố giác tội phạm.
Nguyên giám đốc Công ty SJC Bàn Cờ bị truy tố về hành vi Không tố giác tội phạm. Ảnh: Công an cung cấp |
Như báo Tuổi trẻ đã thông tin trước đó, ông Tâm được tuyển dụng làm nhân viên mua vàng và kỹ thuật cầm đồ cho Công ty SJC Bàn Cờ từ năm 2004.
Năm 2006, ông Tâm được chuyển tới làm nhân viên kỹ thuật giám định vàng cho một cửa hàng mà Công ty SJC Bàn Cờ liên doanh cùng Công ty SJC Phú Thọ (cả hai là thành viên của Công ty SJC Sài Gòn). Tại đây, từ năm 2007-2011 ông Tâm mua vàng xi mạ từ nhiều nguồn để đưa vào cửa hàng cầm đồ liên doanh.
Do ông Tâm là người của cửa hàng, lại là nhân viên giám định nên hầu hết giao dịch viên không nghi ngờ, đồng ý để ông Tâm cầm cố với số tiền dưới 70% số tiền do chính Tâm định giá. Khi ký kết hợp đồng cầm cố, ông Tâm tự ghi khống các tên, địa chỉ của khách hàng rồi khai dối với giao dịch viên rằng những người đó là bạn bè, người quen.
Khi hợp đồng cầm cố tới hạn, ông Tâm không đủ tiền để lấy vàng ra nên tiếp tục mua vàng giả làm thế chấp mới. Tổng số tiền ông Tâm đã chiếm đoạt hơn 1,1 tỉ đồng.
Cuối tháng 11/2011, Công ty SJC Bàn Cờ và Công ty SJC Phú Thọ thống nhất giải thể cửa hàng liên doanh. Sợ hành vi gian lận của mình bị phát hiện, ông Tâm khai nhận với ông Nguyễn Thanh Tùng (khi đó là giám đốc Công ty SJC Bàn Cờ) chuyện cầm cố vàng giả và sẽ ra Công an Q.11 tự thú.
Sau khi nghe tin, ông Tùng không tố giác đến công an hay báo lại sự việc với hội đồng quản trị Công ty SJC Sài Gòn, mà lại hứa hẹn tạo điều kiện cho ông Tâm khắc phục hậu quả.
Sự việc bị phát hiện năm 2014 khi ông Nguyễn Thanh Tùng nghỉ hưu, lập hội đồng giám định tài sản cầm cố bàn giao cho người kế nhiệm.
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009): 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
Tổng hợp