(ĐSPL) - Mua một bộ quân phục với cấp hàm trung úy, Tám giới thiệu mình là cán bộ công tác tại phòng Hậu cần Quân đoàn 3, nhằm thực hiện hành vi lừa đảo.
Theo thông tin báo Công an TP.HCM cho biết, ngày 20/11, công an huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai, xác nhận vừa di lý đối tượng Đỗ Văn Tám (44 tuổi, quê Thanh Hóa) từ tỉnh Bình Thuận về trụ sở để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Đối tượng Đỗ Văn Tám - Ảnh báo Gia Lai. |
Theo hồ sơ truy xét, Tám từng có một tiền án về tội trộm cắp tài sản vào năm 1997, sau khi chấp hành xong hình phạt tù, đối tượng sống lang thang ở nhiều nơi, đến tháng 7/2008 thì vào thị trấn Đak Đoa. Quá trình sinh sống tại đây, Tám mua một bộ quân phục với cấp hàm trung úy và đi đâu cũng giới thiệu mình là cán bộ công tác tại Phòng hậu cần Quân đoàn 3.
Sau khi đã chiếm được lòng tin của nhiều người, vào tháng 9/2008, Tám mượn xe máy biển số 81F8-6025 và ĐTDĐ của một phụ nữ tên T. trú tại chợ thị trấn Đak Đoa nhưng không quay trở lại. Nhận được đơn trình báo của nạn nhân, Công an huyện Đak Đoa đã tiến hành điều tra và xác định hành vi lừa đảo của Tám. Tháng 9/2008, Công an huyện Đak Đoa nên đã phát lệnh truy nã toàn quốc đối với Đỗ Văn Tám.
Liên quan đến sự việc trên báo Gia Lai cũng cho hay, sau hơn 8 năm lẩn trốn, ngày 9/11/2016, đối tượng đã bị lực lượng kiểm soát quân sự, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Thuận bắt giữ khi đang giả danh là cán bộ đang công tác tại một đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Sau khi tiếp nhận đối tượng, qua khai thác ban đầu của cơ quan điều tra Công an huyện Đak Đoa được biêt; sau khi thực hiện trót lọt hành hành vi lừa đảo xe máy và điện thoại của chị T., đối tượng đã bán lấy tiền tiêu xài rồi bỏ trốn đến các tỉnh Đak Nông, Bình Dương, Hà Nội, Thanh Hóa và vừa mới vào sinh sống tại tỉnh Bình Thuận thì bị bắt giữ.
Qua đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đak Đoa thông báo, ai là nạn nhân trong hành vi lừa đảo của đối tượng Đỗ Văn Tám, nhanh chóng đến cơ quan điều tra trình báo hoặc liên hệ qua số điện thoại trực ban (059) 3831114 để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Điều 139 của BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Theo điểm a, khoản 2, điều 1 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định : "Sửa đổi cụm từ “năm trăm nghìn đồng” thành cụm từ “hai triệu đồng” tại khoản 1 các điều 139". Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
Chí Tín (tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]wdJbzlbo19[/mecloud]