Nguyên liệu
- Nước mắm: 50ml
- Đường: 50g
- Nước cốt chanh/ giấm: 50ml
- Nước lọc: 200ml
- Tỏi băm: 1 muỗng canh
- Ớt băm: 1/2 muỗng canh
Cách làm
- Cho nước lọc và đường vào khuấy tan hoàn toàn, tiếp đó cho nước cốt chanh/ giấm vào, cuối cùng là thêm nước mắm. Tỷ lệ mắm: đường: giấm/chanh: nước lọc là 1:1:1:4 (có thể thay đổi tùy theo khẩu vị).
Lưu ý, phải khuấy tan đường hoàn toàn và chú ý đến thứ tự cho các nguyên liệu. Nước mắm có thể đem pha trực tiếp hoặc đun sôi. Cần để nguội hỗn hợp nếu đun sôi.
- Ngâm tỏi, ớt vào nước cốt chanh/ giấm trong vòng 3 - 5 phút để giúp tạo độ nổi lâu cho ớt và tỏi .
- Vớt tỏi, ớt ra rồi cho vào hỗn hợp nước mắm đường đã pha, khuấy đều một vòng cho hòa lẫn vào nhau.
Với vài bước đơn giản như trên, chị em đã có ngay bát nước mắm với các vị mặn, ngọt, chua, cay hài hòa và đậm đà. Nước mắm chua ngọt có thể ăn kèm nhiều món khác nhau như nem rán, bún chả, gỏi cuốn, bánh xèo, bún thịt nướng…
Lưu ý, nước mắm chua ngọt có ngon hay không phần lớn là nhờ nước mắm. Chị em nên lựa chọn loại nước mắm có độ đạm cao để pha nước chấm, nhờ đó bát nước chấm mới tròn vị.
Nếu muốn điều chỉnh độ mặn, ngọt hay chua thì có thể thêm đường trực tiếp vào bát. Tuy nhiên, nếu muốn thêm nước mắm hoặc chanh thì nên múc ra một bát khác và cho vào bát nước chấm. Việc cho trực tiếp vào bát nước chấm sẽ làm tỏi, ớt bị chìm hết xuống đáy.
Chị em nên chọn mua tỏi và ớt còn tươi, nếu thấy có dấu hiệu hư hỏng, dập nát thì phải loại bỏ ngay để nước chấm được đảm bảo hương vị và thơm ngon.
Ngoài ra, nên sử dụng ớt sừng để pha nước mắm chua ngọt vì loại ớt này có vị cay nhẹ, trẻ con có thể ăn được. Nếu ăn cay hơn thì dùng thêm ớt chỉ thiên.