"Lương y như từ mẫu" Đời Sống Pháp Luật
    +Aa-
    Zalo

    "Lương y như từ mẫu"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Năm vừa qua được coi là năm khá nặng nề với ngành y tế trong cả nước, bởi những bức xúc dư luận chung quanh những vụ “lùm xùm” nổi lên ở không ít đơn vị, địa phương...

    Năm vừa qua được coi là năm khá nặng nề với ngành y tế trong cả nước, bởi những bức xúc dư luận chung quanh những vụ “lùm xùm” nổi lên ở không ít đơn vị, địa phương như: Kết quả xét nghiệm bị nhân bản, tai biến vắc xin, trang thiết bị y tế được nhập khẩu là đồ cũ tân trang lại… Những vụ việc này khiến dư luận có phản ứng gay gắt và không mấy thiện cảm đối với một bộ phận thầy thuốc của ngành y.

    Vậy nhưng, đó vẫn chỉ là những hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” mà thôi. Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút trôi qua, hàng ngàn, hàng trăm ngàn thầy thuốc của cả nước, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau đang cùng cống hiến, tâm huyết với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

    Ngành y là một ngành đặc biệt, ở đó, những cán bộ, công chức được kỳ vọng và đặt trọng trách luôn phải như từ mẫu. Cũng chính vì vậy, cán bộ, công chức ngành y luôn được cộng đồng “giám sát” và lên án khá gay gắt khi có bất cứ sai sót nào.

    Không phải ngẫu nhiên mà trước khi chuẩn bị ra trường để hành nghề, các thầy thuốc tương lai phải đọc Lời thề Hippocrates. Lời thề này được các sinh viên y khoa đọc và nguyện suốt đời là người thầy thuốc tốt, chỉ vì lợi ích của bệnh nhân, tránh mọi điều xấu xa, cám dỗ.

    Không chỉ có vậy, trong suốt quá trình hành nghề, các thầy thuốc còn phải tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp do Bộ Y tế quy định, học tập 12 điều y đức, noi gương Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y như từ mẫu”.

    Những thầy thuốc trẻ ngày nay có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để học tập, trau dồi chuyên môn và hành nghề, nhưng lại dễ sa ngã hơn bởi cơ chế thị trường và những tác động tiêu cực khác của xã hội. Có người thầy của ngành y từng nói với các sinh viên của mình rằng, nếu ai đó muốn làm giàu thì tốt nhất đừng chọn nghề y.

    Người căn dặn cán bộ Bệnh xá Vân Đình (Hà Tây) thực hiện “Lương y như từ mẫu” trong lần đến thăm vào ngày 20/4/1963.  Ảnh tư liệu

    Thế nhưng, lời dạy này có vẻ như xa rời thực tế, khi không ít người đã chọn nghề y chỉ để “sống khỏe” bởi những lợi nhuận mà nghề nghiệp mang lại. Nhiều bác sĩ chỉ chăm chăm chọn chuyên ngành dễ kiếm tiền và cũng chỉ chăm chăm bám trụ ở thành phố lớn, ít chịu về vùng sâu, vùng xa để cống hiến. Tệ nạn “phong bì” phổ biến tại hầu hết các bệnh viện… Những tác động tiêu cực ấy dù ít hay nhiều cũng làm xói mòn đạo đức của thầy thuốc.

    Trên thực tế, ở đâu đó, người dân vẫn còn kêu ca về thái độ ứng xử, trình độ chuyên môn và cả sự thờ ơ, vô cảm của một bộ phận thầy thuốc. Những điều đó làm tổn hại đến danh dự và làm đau lòng bất cứ thầy thuốc nào tận tâm, gắn bó cả đời với nghề nghiệp đáng trân trọng này. Bởi, với hầu hết các thầy thuốc, không có đức thì không thể làm nghề y.

    Nhưng, nếu thầy thuốc yếu kém, không đủ trình độ chuyên môn để làm nghề thì cũng chẳng khác gì không có đức vậy. Ở nghề này mỗi chỉ định, phán quyết trong điều trị, phẫu thuật hay đơn giản chỉ là một mũi tiêm của thầy thuốc cũng ảnh hưởng đến sinh mệnh vô cùng quý giá của bệnh nhân.

    Đối với đa số những người làm nghề y, việc nâng cao y đức trước tiên là phải nâng cao tay nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, làm chủ trang thiết bị hiện đại để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Cùng với đó là việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ, hết lòng tận tuỵ với người bệnh.

    Vì vậy, việc thường xuyên giữ gìn, bảo vệ, trau dồi y đức là điều cần thiết. Bên cạnh đó, với một cơ chế làm việc khoa học, minh bạch về quyền lợi, nghĩa vụ, chắc chắn sẽ ngăn chặn được sự suy thoái y đức của một bộ phận nhân viên y tế. Mỗi thầy thuốc phải luôn coi nghề thầy thuốc mà họ đã chọn như một con đường cứu người và giúp đời, không tơ hào, không tư lợi cho bản thân. Trong suốt cuộc đời làm nghề, ngay từ lúc bắt đầu, mỗi thầy thuốc phải luôn phấn đấu không ngừng nghỉ để trở thành thầy thuốc chân chính, vừa có tài vừa có đức, xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y như từ mẫu”.

    H.T(theo Báo BR – VT)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/luong-y-nhu-tu-mau-a23341.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Tin cùng chuyên mục
    Nổi bật trong ngày