(ĐSPL) - Để đạt mục tiêu của lộ trình đến năm 2017, mức lương tối thiểu phải đáp ứng đủ nhu cầu cuộc sống tối thiểu của người lao động, cần phải tăng lương tối thiểu vùng 3,4 triệu đồng/người/tháng vào năm 2015.
Ngày 31/7, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp để thảo luận mức lương tối thiểu vùng năm 2015.
Ảnh minh họa. |
Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị mức lương tối thiểu theo vùng của người lao động (NLĐ) năm 2015.
Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng I của người lao động ở mức 3,4 triệu đồng, vùng II là 2,9 triệu đồng, vùng III là 2,6 triệu đồng và vùng IV 2,3 triệu đồng.
Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho biết, lộ trình tăng lương sẽ phá sản vào năm 2017 nếu sang năm, mức tăng lương không đáp ứng 80\% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Vì vậy, để đạt mục tiêu của lộ trình đến năm 2017 mức lương tối thiểu phải đáp ứng đủ nhu cầu cuộc sống tối thiểu của người lao động, cần phải tăng lương tối thiểu vùng năm 2015 ở mức 3,4 triệu đồng/người/tháng.
Lý do được đưa ra ở đây là qua kết quả khảo sát về mức sống tối thiểu của người lao động năm nay cho thấy, tiền lương tối thiểu vùng I mới đạt 67,6\% mức sống tối thiểu; tương tự vùng II đạt 70,1\%; vùng III đạt 70,6\% và vùng IV cũng mới đạt 76,6\%. Như vậy, trong khi tiền lương tối thiểu vùng còn thấp hơn từ 25,4-32,4\% nhu cầu tối thiểu thì giá cả sinh hoạt ngày càng tăng khiến đời sống của người lao động càng khó khăn hơn.
Thêm vào đó, Kết luận số 23-KL/TW của Trung ương về lộ trình "Điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp nhanh hơn để đến năm 2015 đạt mức nhu cầu tối thiểu"; Kết luận số 63-KL/TW của Trung ương về “Một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020” cũng là những căn cứ quan trọng để thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng.
Mặt khác, các yếu tố kinh tế vĩ mô năm nay thuận lợi cho việc phát triển hoạt động kinh doanh, là cơ sở để điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu vùng.