Loạt nhà băng có cổ đông tổ chức sở hữu trên 10% vốn
Tình trạng sở hữu chéo, chi phối tổ chức tín dụng là một trong những vấn đề nổi cộm trong thời gian vừa qua. Để giảm thiểu tình trạng này, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã đưa ra các quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông lớn và người có liên quan so với quy định cũ.
Trong quy định mới ,cổ đông cá nhân sẽ không được sở hữu quá 5%; tổ chức không được sở hữu quá 10% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng (bao gồm cả sở hữu gián tiếp). Cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng và quá 5% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng khác.
Sự thay đổi này được cho sẽ làm hạn chế tình trạng sở hữu chéo và giảm thiểu rủi ro có thể gây tác động đến hoạt động của tổ chức tín dụng.
Đáng chú ý, Luật mới sẽ quy định về việc công bố thông tin. Cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ sẽ phải công bố thông tin về bản thân, tỷ lệ sở hữu, thông tin về người có liên quan và tỷ lệ sở hữu của người có liên quan.
Theo quy định mới, khái niệm "người có liên quan" cũng được mở rộng đến cả ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô, dì, chú, bác, các cháu, tức là 5 thế hệ. Đây được coi là biện pháp quyết liệt và cần thiết để có thể kiểm soát được tình trạng sở hữu chéo; giúp tăng cường tính minh bạch trong việc sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, Luật quy định tỷ lệ tối đa cấp tín dụng/vốn tự có với một khách hàng tại ngân hàng sẽ giảm dần từ 15% về 10% trong 5 năm (đến 2029). Tỷ lệ tối đa cấp tín dụng/vốn tự có đối với một khách hàng và người liên quan sẽ giảm dần từ 25% về 15% trong 5 năm (đến 2029).
Các công ty chứng khoán như VnDirect, MBS đã phát đi bình luận đầu tiên của mình về những điều chỉnh, sửa đổi trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mà Quốc hội vừa thông qua một ngày trước đó, sẽ có hiệu lực từ 1/7 (riêng khoản 3 Điều 200 - chuyển nhượng tài sản bảo đảm, và khoản 15 Điều 210 - quy định chuyển tiếp có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025).
Theo tạp chí Tri thức, VNDirect đánh giá việc giảm tỷ lệ cho vay đối với một khách hàng và người có liên quan giúp đa dạng hóa danh mục tín dụng, giảm thiểu rủi ro đạo đức từ phía khách hàng và rủi ro quá hạn cho tổ chức tín dụng.
“Những ngân hàng đang có tỷ lệ cho vay nhóm khách hàng liên quan vượt tỷ lệ theo quy định mới sẽ gặp áp lực cơ cấu lại khoản vay cho tệp khách hàng này, đồng thời dư nợ tín dụng có thể bị sụt giảm do nhóm khách hàng này phải tìm nguồn vốn khác để tất toán bớt khoản vay hiện hữu nhằm đáp ứng tỷ lệ theo quy định mới”, VNDirect nhận định.
Theo tạp chí Tài chính, Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ hạn chế tình trạng sở hữu chéo và giúp nhận biết các rủi ro lớn từ các doanh nghiệp sân sau như trường hợp của SCB và Vạn Thịnh Phát. Theo thống kê của MBS Research, hiện tại có 7 ngân hàng niêm yết có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 10% vốn điều lệ (đã loại trừ các tổ chức tín dụng có cổ đông chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài).
Theo chuyên gia MBS Research, quy định sẽ hạn chế tình trạng sở hữu chéo và giúp nhận biết sớm các rủi ro lớn từ các doanh nghiệp sân sau như trường hợp của SCB và Vạn Thịnh Phát.
ACB và VIB bị ảnh hưởng nhất với điều luật sửa đổi về hoạt động đại lý bảo hiểm
Theo Kiến thức đầu tư, điều khoản liên quan tới hoạt động của đại lý bảo hiểm trong Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ 1/7/2024.
Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) theo hướng bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm: tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Luật có hiệu lực sẽ giúp hoạt động banca được quản lý chặt chẽ hơn. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập từ hoạt động banca tại các ngân hàng TMCP.
Số liệu của MBS Research cho thấy tốc độ tăng trưởng thu nhập từ banca của 2 ngân hàng ACB và VIB sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất. Nguyên nhân do ACB và VIB có tỷ trọng thu nhập banca trong tổng thu nhập ngoài lãi cao nhất trong nhóm các ngân hàng TMCP.
Luật mới cũng có quy định về biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm và xử lý khi tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt.
Bắt đầu từ ngày 1/7, việc can thiệp sớm sẽ được áp dụng với các tổ chức tín dụng trong trường hợp số lỗ lũy kế lớn hơn 15% vốn điều lệ; xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định; vi phạm tỷ lệ khả năng chỉ trả hoặc tỷ lệ an toàn vốn và xảy ra tình trạng bị rút tiền hàng loạt.
Theo đó, các biện pháp hỗ trợ được đưa ra sẽ gồm tăng vốn điều lệ, tăng cường nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao; cắt giảm các loại chi phí hoạt động, quản lý, lương thưởng; không chia cổ tức.
Trong trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt có thể bán giấy tờ có giá cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trên nghiệp vụ thị trường mở với lãi suất 0%, giao dịch ngoại tệ với NHNN, vay đặc biệt từ NHNN, tổ chức bảo hiểm tiền gửi và tổ chức tín dụng khác để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền. Cùng với đó, tổ chức tín dụng không được chia cổ tức tiền mặt, tạm dừng hoặc hạn chế các hoạt động cấp tín dụng.
VNDirect đánh giá, giải pháp tăng vốn điều lệ sẽ gặp khó khăn do tổ chức tín dụng lúc này đang trong tình trạng kinh doanh yếu kém, khó huy động vốn. Tuy nhiên, đây vẫn là giải pháp cần thiết trong dài hạn để đảm bảo sức khoẻ tài chính cho tổ chức tín dụng. Vì vậy, việc bổ sung những biện pháp giải quyết khác là thích hợp để có thể xử lý nhanh chóng tình trạng thực tế.
Ngoài ra, việc NHNN hỗ trợ trong trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt sẽ làm giảm rủi ro thanh khoản mang tính hệ thống. “Việc bổ sung quy định trong Luật đã là một biện pháp trấn an tâm lý người gửi tiền trước những lo ngại về rủi ro hệ thống có thể xảy ra trong tương lai”, VNDirect nhận định thêm.
Ngoài ra, Luật mới có làm rõ hơn về quyền thu giữ và chuyển nhượng tài sản đảm bảo cũng như chuyển nhượng tài sản bảo đảm là bất động sản. VNDirect cho rằng, thay đổi này sẽ giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh tiến độ trong việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu, theo tạp chí Tri thức.
Vân Anh(T/h)