Lạng Sơn được đánh giá là địa phương bị thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ sau hoàn lưu bão số 2. Mưa lớn kéo dài, nước sông Kỳ Cùng dâng cao bất thường. Tại TP Lạng Sơn, nước sông dâng lên mức báo động 3 đã làm ngập úng toàn khu vực TP, có nơi nước ngập sâu tới 5m. Toàn TP Lạng Sơn trở thành “ốc đảo”, bị cô lập hoàn toàn.
Ngập úng khiến TP Lạng Sơn trở thành một "ốc đảo". Ảnh: Q.C |
Lũ đổ về huyện Thuận Châu, Sơn La. Ảnh: Q.C |
Theo thông tin chúng tôi cập nhật được, tính đến cuối giờ chiều 20/7, toàn tỉnh Lạng Sơn đã có 4 người bị chết đuối và 2 trường hợp mất tích. Vào 16h ngày 19/7, trong lúc qua suối, anh Hứa Văn Đức (SN 1982), ở xã Xuất Lễ, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) đã tử vong do lũ cuốn trôi. Anh Triệu Văn Minh (SN 1990), trú xã Tràng Phái, huyện Văn Quan bị rơi xuống suối và mất tích.
Cuộc sống sinh hoạt của người dân TP Lạng Sơn bị đảo lộn. Ảnh: X.T |
Ghi nhận vào lúc 17h ngày 20/7, tại TP Lạng Sơn và một số địa bàn lân cận đã không còn mưa, nước lũ gây ngập úng trên sông Kỳ Cùng đang rút dần. Tuy nhiên, mực nước ở các sông từ thượng nguồn đổ về còn nhiều nên khu vực huyện Lộc Bình, Cao Lộc, một số tuyến đường trên thành phố Lạng Sơn vẫn bị ngập lụt. Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh đã có trên 30 ngôi nhà bị sạt lở hoàn toàn, 2.055ha lúa, 465ha hoa màu khác ngập trong nước. Tại huyện Văn Quan, do ảnh hưởng của bão khiến 1 cột điện của Đài viễn thông bị đổ.
Nước sông vẫn còn dâng cao. Ảnh: Q.C |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Lý Vinh Quang cho hay, lũ lớn đã khiến 4 người dân tại Lạng Sơn thiệt mạng, hàng trăm nhà cửa thiệt hại, sạt lở đất đá khiến giao thông tuyến quốc lộ 1B, 4A, 4B bị chia cắt. Mưa lũ tại tỉnh Lạng Sơn đã khiến trên 6.000 nhà bị ngâp sâu trong nước (trong đó bị hư hỏng nặng và hư hỏng hoàn toàn khoảng 200 nhà); trên 2.000 ha lúa bị ngập và cuốn trôi; các tuyến quốc lộ 1B, 4A, 4B, 279 và một số tuyến đường tỉnh lộ bị chia cắt giao thông ở nhiều đoạn do bị ngập úng và sạt lở đất với khối lượng sạt lở khoảng 32.500m³ đất đá; 1.200 quầy của các tiểu thương tại chợ Đông Kinh và chợ Giếng Vuông thành phố Lạng Sơn bị đóng cửa, nhiều trụ sở cơ quan, đơn vị bị ngập úng trong đó có Bệnh viện đa khoa huyện Văn Lãng, Trường PTDT nội trú huyện Cao Lộc. Ước tính thiệt hại ban đầu hàng chục tỷ đồng.
Theo ông Lý Vinh Quang, do ảnh hưởng của cơn bão số 2 (Rammasun) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong 2 ngày 19 - 20/7/2014, đã xảy ra gió lớn và mưa to, đặc biệt trên địa bàn các huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập, Văn Lãng, Tràng Định và thành phố Lạng Sơn đã có mưa to và rất to. Lượng mưa đo được từ 7h ngày 19/7 đến 13h ngày 20/7/2014, tại thành phố Lạng Sơn 209,0mm; Đình Lập 237,0mm; Mẫu Sơn 519,0mm; Hữu Lũng 132,0mm; Thất Khê 155,0mm; Bắc Sơn 231,0mm.
Do mưa to kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ đã gây ra lũ lớn trên lưu vực sông Kỳ Cùng, sông Thương, sông Bắc Gian đã làm 4 người chết, trong đó: 3 người do bị lũ cuốn trôi; 1 người bị tai nạn do sửa nhà. UBND tỉnh Lạng Sơn đã quyết định hỗ trợ gia đình các nạn nhân có người bị chết là 3 triệu đồng/người.
Theo ghi nhận của phóng viên, chiều 20/7, bầu trời TP Lạng Sơn đã bắt đầu hửng nắng. Tuy nhiên, mực nước trên các sông vẫn đang dâng rất cao. Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và các sở ban ngành của tỉnh này đa số đang đến một số điểm lũ để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão và khắc phục hậu quả.
Chợ Đông Kinh ngập nặng |
Phường Tam Thanh là địa bàn trũng nên không thoát nước kịp đã xảy ra ngập úng. Nước tràn cả vào trong nhà, người dân phải vất vả sơ tán đồ đạc. |
Phố Muối xảy ra ngập úng từ khá sớm. |
Nước sông Kỳ Cùng dâng cao |
Lực lượng PCLB địa phương đang làm nhiệm vụ |
Cuối giờ chiều 20/7 nước bắt đầu rút, người dân đã nhanh chóng dọn dẹp vệ sinh. Ảnh: N.D |
Trao đổi với PV Dân trí, ông Vi Văn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn cho biết, tính đến cuối giờ chiều 20/7, mực nước tại thượng nguồn sông Kỳ Cùng đã rút xuống khoảng 40cm, tuy nhiên nhiều điểm tại TP Lạng Sơn vẫn còn ngập úng nên việc đi lại còn khó khăn. Toàn tỉnh có gần 200 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng, thiệt hại khoảng 2.000ha hoa màu, 5.300 hộ dân phải di dời ra khỏi vùng nguy hiểm.
“Hiện nay, giao thông trên tuyến QL 4A, 4B đang tạm thời bị chia cắt, tuyến đường đi lên Mẫu Sơn vẫn đang cô lập hoàn toàn, đặc biệt, có những điểm sạt lở đến 50m. Hiện, tuyến đường đã được phong tỏa và cấm các phương tiện qua lại. Đồng thời chúng tôi đang huy động lực lượng để khắc phục sự cố để đảm bảo lưu thông được trong thời gian sớm nhất. Để khắc phục hậu quả sau bão “Thần sấm”, Lạng Sơn đã huy động tới 10.000 người gồm các công an, quân đội, dân quân, bà con nhân dân…”, ông Thành cho biết.
Trước đó, thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTW), UBND tỉnh Lạng Sơn, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB và TKCN) của tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp chuẩn bị các phương án đối phó với bão số 2. UBND các huyện, thành phố đã cử các thành viên đi kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo tại các khu vực xung yếu. Tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và các phương tiện truyền thông trực tiếp để nhân dân chủ động di dời, sơ tán khỏi các khu vực nguy hiểm.
Khi mưa lũ xảy ra, tỉnh Lạng Sơn đã di dời được 5.100 hộ dân ra khỏi vùng bị ngập úng, có nguy cơn sạt lở cao. Đồng thời dời sơ tán kho tàng, tài sản của nhân dân, và một số cơ quan, đơn vị, trong đó có Bệnh viện huyện Văn Lãng, Trường PTDT nội trú huyện Cao Lộc, một phần chợ Đông Kinh, chợ Giếng Vuông.
Hiên nay, UBND tỉnh Lạng Sơn, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh tiếp tục chỉ đạo theo dõi chặt chẽ công tác dự báo diễn biến thời tiết, mưa lũ, tăng cường các biện pháp ứng phó; triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, trước hết tập trung hỗ trợ sửa chữa nhà cửa ổn định đời sống nhân dân, khắc phục các tuyến đường giao thông bị hư hỏng, sửa chữa các công trình thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, tổ chức tiêu độc khử trùng, phòng chữa bệnh cho người, gia súc gia cầm ở những vùng bị ngập lụt.
Tại Sơn La, ông Hà Quyết Nghị, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão số 2, bắt đầu từ tối 19/7, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã xảy ra mưa lớn kéo dài. Theo thống kê đến thời điểm hiện tại, huyện Thuận Châu là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất với hơn 136ha ruộng lúa bị ngập, 7 cột điện bị đổ. Tại huyện Phù Yên cũng có 1 cầu treo bị lũ làm xói hỏng mố cầu, 2 con trâu và 4 con bò của bà con cũng bị cuốn trôi.
Ngoài ra, mưa lũ còn làm hơn 300m kênh bị sạt lở; một số tuyến đường như tuyến QL 43, QL 6B đi Quỳnh Nhai và tuyến QL 279 đi Lai Châu cũng bị sạt lở và tắc đường nghiêm trọng.
Hàng chục ngôi nhà tại xã Chiềng Bằng, Cà Nàng (Quỳnh Nhai) bị đổ sập hoàn toàn. Mưa lớn cũng nhấn chìm cả khu vực thị trấn Quỳnh Nhai.
Đặc biệt, sáng 20/7, khi đang trông ao cùng chồng, bà Bạc Thị Mậu (SN 1945) dân tộc Thái, ở bản Hòn, xã Thuận Châu bị lũ cuốn mất tích. Người chồng may mắn đã bơi thoát được vào bờ. Hiện, hơn 300 người đang tích cực tìm kiếm tung tích của nạn nhân mất tích.
“Hiện, chúng tôi đang huy động các lực lượng công an, bộ đội, dân quân tự vệ hỗ trợ công tác tìm kiếm trường hợp mất tích. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị cơ sở, giúp người dân khắc phục sự cố, ổn định chỗ ở. BCH phòng chống lụt bão tỉnh Sơn La đang túc trực, theo dõi tình hình diễn biến mưa lũ, trong vòng 1 giờ đồng hồ báo cáo và tổng hợp thông tin một lần. Ước tính thiệt hại ban đầu trong đợt mưa lũ lên tới khoảng 17 tỷ đồng”.
Tại Bắc Giang, mưa lớn kéo dài liên tục trong 24 giờ qua. Lượng mưa đo được tại khu vực Cẩm Đàn lên tới 316mm; Sơn Động là 266mm. Do mưa nhiều nên mực nước trên sông Lục Nam dâng cao, dự kiến mức nước trên sông có khả năng sẽ đạt mức 5,7m (dưới mức báo động 3 là 0,6m).
Mưa lớn trên diện rộng cũng diễn ra tại một số địa phương phía bắc như Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Điện Biên với lượng mưa phổ biến từ 150 - 225mm. Dự kiến, trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2 đến 6 mét, ở hạ lưu từ 2 đến 4m.