+Aa-
    Zalo

    Lời nguyền dưới ánh trăng và cái chết đầy bi thảm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - "Đơn bị họ khống chế, đánh đập tàn nhẫn để rồi đưa vào căn phòng biệt lập giam cầm nhằm bóp chết tình yêu giữa anh chàng với cô gái tên Tuyết Liên!".

    (ĐSPL) -  "Đơn bị họ khống chế, đánh đập tàn nhẫn để rồi đưa vào căn phòng biệt lập giam cầm nhằm bóp chết tình yêu giữa anh chàng với cô gái tên Tuyết Liên!".

    Tư Phước hình như đã rõ đầu đuôi câu chuyện, cho nên anh ta ở miết trong phòng không hề trở ra suốt thời gian cô Sáu Ngọc Sương nghe lão quản gia kể lại cái bi kịch mà bất cứ ai nghe cũng phải rợn mình, kinh sợ!

    Theo lời kể của lão quản gia thì người bị xiềng xích và mang hình hài quái dị kia được đưa tới đây hơn một năm trước trong tình trạng toàn thân bê bết máu, tay chân vị trói gô. Và anh ta tới đây cũng không chỉ có một mình, khi ấy anh ta và một cô gái đẹp tuyệt trần cùng tới, nhưng chỉ có anh ta thương tích đầy người, còn cô gái thì nguyên vẹn.

    Lời nguyền dưới ánh trăng
    Ảnh minh họa.

    Bức tử tình yêu

    Tuy nhiên cô gái khóc lóc thảm thiết đôi lần đã chạy xuống đường dốc và suýt gieo mình xuống vực để tự tử! Nghe tới đó thì cô Sáu Ngọc Sương đã hiểu phần nào câu chuyện nên chặn lời lão quản gia để hỏi: "Cô gái đó có phải tên là Tuyết Liên hay không?". Nghe cô Sáu hỏi như vậy thì lão quản gia hiểu là không thể giấu được nữa cho nên ông đã gật đầu xác nhận rằng, chính cô gái đó tên là Tuyết Liên và cô ta là em gái của má Chín Lương!

    Nghe tới đó bỗng dưng cô Sáu Ngọc Sương ù chạy vào trong nhà tìm Tư Phước, và cô đã gào lên hạch hỏi Tư Phước những điều mà cô nghĩ rằng Tư Phước biết rõ. Quả nhiên sau đó chính Tư Phước đã xác nhận với cô rằng, con người đang bị giam giữ trong phòng tối đó chính là Đơn. Nhưng lý do anh ta bị giam giữ thì khá ly kỳ mà cô Sáu phải khóc lóc và hỏi mãi cuối cùng Tư Phước mới chịu nói rõ chi tiết.

    "Người gây ra vụ này không phải là má Chín Lương mà là một người có thế lực khác. Họ là người đáng lý ra đã cưới em gái của má Chín Lương là Tuyết Liên. Nhưng bởi do Tuyết Liên vì quá yêu anh chàng Đơn, rồi hai người nắm tay nhau bỏ trốn định đi xây tổ uyên ương thì người có thế lực kia đã vượt mặt má Chín Lương, ra tay hành động tàn ác bằng cách cho thuộc hạ đuổi theo và bắt được đôi tình nhân bỏ trốn kia, để rồi áp giải họ về ngôi biệt thự trên đỉnh Bạch Mã này: "Đơn bị họ khống chế, đánh đập tàn nhẫn để rồi đưa vào căn phòng biệt lập giam cầm nhằm bóp chết tình yêu giữa anh chàng với cô gái tên Tuyết Liên! Cô gái tất nhiên là không bị đụng chạm tới mà trái lại còn được nuông chiều, vỗ về để chuẩn bị đưa trở về Sài Gòn. Và theo dự tính của họ thì khi cô ta về tới nơi, một đám cưới sẽ được cử hành ngay, coi như chấm dứt cuộc tình mà họ cho là tội lỗi giữa cô ta với chàng Đơn! Nhưng…

    Bạch công tử vừa kể tới đó thì ngừng lại thở dài, khiến cho cô Sáu Ngọc Sương hốt hoảng hỏi dồn: "Cô ta ra sao?". Tư Phước lặng người đi khá lâu để rồi cuối cùng vừa buông tiếng thở dài vừa đáp: "Một kết thúc bi thảm!". Mặc dù Sáu Ngọc Sương cố hỏi thêm nhưng Tư Phước vụt đứng dậy bước ra khỏi phòng rồi anh ta một mình đi bộ xuống đường đèo Bạch Mã. Đáng lý ra cô Sáu Ngọc Sương cũng chạy theo, nhưng hình như cô bị một cái gì đó ghì chặt lại khiến cho đôi chân lê đi không được và rồi như có ai sai khiến, cô đã bước ra khỏi phòng và đi trở lại nơi cô biết chắc là Đơn đang vẫn còn khóc trong căn phòng cửa sắt đóng kín kia...

    Đứng bên ngoài gọi mãi mà không nghe lời đáp từ bên trong, cô Sáu Ngọc Sương đành phải nói rõ vọng vào trong: "Đơn ơi em xin lỗi anh! Đúng là tại em quá vô tình nên đã đẩy anh vào đoạn đường bi thảm này, vậy thì em sẽ ở lại đây để đến khi nào gặp được anh mới thôi...".

    Nhưng cô Sáu đã không làm được điều đó, bởi ngay sau đó có lẽ vì quá xúc động và phần nữa do cú té lúc nãy đã khiến cho người cô đau nhức, ê ẩm đến gần như tê liệt một bên chân. Cô bị ngất đi sau một lúc gào to nói vọng vào trong mà không nghe được câu trả lời... Đến khi cô tỉnh lại thì mới phát hiện là đã được ai đó dìu trở vào phòng. Cô được lão quản gia trấn an liền sau đó rằng chính lão ta đã đưa cô vào đây và khuyên cô nên nghỉ ngơi, bởi thuốc giảm đau mà lão cho cô uống sẽ khiến cô an thần, sẽ ngủ được một giấc đến sáng mai...

    Tuy nhiên khi phát hiện ra lúc ấy đêm đã khuya và cái lỗ tròn nhìn từ trong phòng ra ngoài vẫn còn đó, mà trời ngoài kia hình như đang sáng trăng cho nên cô Sáu đã bàng hoàng ghé mắt nhìn qua cái ô tròn ra ngoài, rồi bất chợt kêu lên khi nhìn thấy những dòng chữ mà đêm qua mình đã đọc được!

    Những câu thơ bị yểm bùa

    Cô vội hỏi thì được lão quản gia nói rõ hơn: "Những dòng chữ đó phải có ánh trăng thì mới hiện lên và đọc được. Ban đầu tôi cũng không nghĩ là cái cậu bị nhốt trong kia đã viết nó, bởi cậu ấy bị trói tay chân và không bao giờ bước ra được khỏi cánh cổng sắt đang khóa kín kia, nhưng sau này chính tôi hiểu rằng do chính cậu ấy viết mà chẳng biết bằng cách nào, nhưng rõ ràng là chữ của cậu ta... Tôi nghĩ đó là cậu ấy viết bằng tiềm thức, bằng tâm linh gì đó, cho nên cứ mỗi khi trăng lên chữ nổi bật, và từ trong căn phòng khóa kín ấy hình như cậu ta nhìn ra thấy và lần nào cũng vậy cứ đọc vang giống như âm thanh của một oan hồn... hình như cậu ấy đang tụng kinh hay cố nói để vọng tới tai người tình...".

    Cô Sáu Ngọc Sương ngạc nhiên hỏi dồn: "Nhưng bác chưa nói cho cháu biết cô người yêu tên Tuyết Liên của Đơn ra sao rồi?". Tới lượt lão quản gia vừa thở dài vừa đáp: "Chắc cô chưa biết chuyện cô Tuyết Liên ấy đã chết, khi cậu kia bị nhốt vô phòng kín. Mà chết thảm lắm... Ở ngoài kia kìa!".

    Ông lão ngừng lại trước sự nôn nóng muốn biết đoạn kế tiếp của cô Sáu thì một lúc liền đó ông đã nói mà như khóc: "Cô Tuyết Liên ấy đã chết bằng cách treo cổ trên cây hạnh ngoài kia!". Đến lúc này thì cô Sáu chợt kêu lên khi vừa nhìn ra dòng chữ hiện rõ trên tường, bởi ánh trăng càng lúc càng sáng: "Khi nào cây hạnh trổ hoa!". Lão quản gia bàng hoàng kêu lên: "Sao cô biết chuyện đó?". Cô Sáu Ngọc Sương vừa lẩm bẩm vừa vụt bước ra khỏi phòng trước sự kinh ngạc của lão quản gia. Ông vội bước theo vị khách nữ mà hình như ông linh tính có chuyện chẳng lành sẽ xảy ra...

    Mà quả thật vậy, cô Sáu Ngọc Sương đi như người bị mộng du hay ma ám. Cứ nhắm chỗ hướng tay chỉ vừa rồi của lão quản gia. Cho đến khi cô dừng lại dưới gốc một cái cây hiện lờ mờ dưới ánh trăng thì bỗng lão quản gia hốt hoảng kêu lên: "Cô đừng lại gần cây hạnh đó, hãy bước trở lại đây, đi cô!". Thì ra ngay trước mặt của cô Sáu Ngọc Sương là cây hạnh. Cô nói như trong mơ: "Khi nào cây hạnh trổ hoa...". Chẳng hiểu cô ngất lịm và mê đi lúc nào, mãi cho đến sáng hôm sau, khi cô choàng tỉnh thì thấy Tư Phước đang đứng bên cạnh vừa nhẹ nhàng, âu yếm bế cô lên tay vừa bước ra sân, nói: "Bây giờ thì em phải về, chúng ta về bằng ô tô thẳng Sài Gòn luôn chớ không đi xe lửa nữa. Em đừng cãi anh, bởi rồi em sẽ rõ mọi chuyện khi về tới Sài Gòn... Đoạn kết của câu chuyện này có lẽ cô Sáu Ngọc Sương không nên biết bởi nó bi thảm vô cùng!

    Mãi về sau này khi cô và Bạch công tử Tư Phước không còn sống chung với nhau nữa thì cô mới rõ đoạn kết câu chuyện đó: "Chính cái đêm trăng mà cô sững sờ đứng trước bóng cây mà lão quản gia gọi là cây hạnh đó, thì chính cũng là thời khắc nó trổ hoa. Mà hình như nó ứng với câu thơ trên vách đá. Câu thơ đó theo lời lão quản gia sau này viết lại trong một lá thơ gởi cho cô Sáu, thì chẳng phải do chàng Đơn viết, mà hình như do một kẻ ác độc nào đó thuê một tay thầy bùa tới viết bằng một loại sơn lân tinh hay bằng một thứ nhựa cây ngải nào đó, để mỗi khi ánh trăng chiếu lên nó, coi như ánh trăng làm cái việc lập lại lời nguyền hay trù yểm. Mà theo nội dung mấy câu thơ kia, thì cuối cùng nó sẽ ứng với ai đọc được nó, và cũng lặp đi lặp lại nhiều lần giống như ánh trăng soi vào nó qua nhiều tháng năm...

    Cái kết đầy bi thảm

    Để rồi cuối cùng khi cô Sáu Ngọc Sương được Bạch công tử đưa về Sài Gòn, thì ngay đêm hôm sau lão quản gia đã phát hiện là anh chàng Đơn chẳng biết bằng cách nào đó đã lẻn ra được khỏi căn phòng kín, để rồi treo cổ lên cành hạnh, chết âm thầm lặng lẽ đầy bi thảm... Phải chăng hành hạ một con người đáng thương chỉ vì yêu mà phải trả giá đến thê thảm như vậy, mới vừa lòng những người có tiền bạc và quyền thế?

    Nhà văn NGƯỜI KHĂN TRẮNG

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/loi-nguyen-duoi-anh-trang-va-cai-chet-day-bi-tham-a24267.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan