+Aa-
    Zalo

    Lời giải nào cho bài toán rác thải điện tử?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Các thiết bị đồ dùng điện tử không còn sử dụng nếu không được thu gom, xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường.

    Các thiết bị đồ dùng điện tử không còn sử dụng nếu không được thu gom, xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường.

    Ngổn ngang phế liệu

    Thực tế hiện nay, không khó khi bắt gặp các bãi phế liệu nằm nhếch nhác, bừa bãi ngay giữa khu dân cư, cạnh các quán ăn, nhà hàng... Thậm chí, để tiện đường làm ăn, các chủ cơ sở còn ngang nhiên tận dụng vỉa hè, lòng đường thành nơi tập kết phế liệu.

    Những bãi phế liệu này là nơi tập kết của hàng trăm chiếc ti vi, máy tính cũ, đồ điện tử, tủ lạnh, nồi cơm điện... đã qua sử dụng nằm ngổn ngang, qua mưa nắng có thể làm phóng thích các hạt kim loại gây hại cho môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

    Tại cơ sở thu mua phế liệu của gia đình anh Nguyễn Viết Thành ở xã Thiệu Vận (Thiệu Hóa), theo quan sát, do diện tích xưởng phế liệu chật hẹp, gia đình đã tận dụng diện tích dọc hai bên tuyến đường liên xã để tập kết. Nguồn phế liệu được thu gom từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó các đồ điện tử cũ, hỏng được cơ sở thu gom về rồi nhập ra các tỉnh tái chế với đủ chủng loại như vỏ ti vi, đầu đĩa, máy tính cũ, dây cáp, vi mạch điện tử...

    Cơ sở thu mua phế liệu của gia đình chị Phạm Thị Năng (xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn) trong khuôn viên rộng chưa đầy 300m2, rác thải từ những chiếc tivi, máy tính, đồ điện, linh kiện điện tử... không được che chắn, nằm ngổn ngang, chiếm cả hành lang đường đi trong thôn. Mùa mưa, nước thải rỉ từ đống rác thải điện tử chảy xuống ao, ruộng.

    Bộ TN&MT cho rằng quản lý chất thải điện tử, chất thải nhựa là vấn đề phải thực hiện quyết liệt, thường xuyên, thống nhất, có sự chung tay của nhiều cấp, ngành và toàn xã hội. Ảnh: Báo Thanh Hóa.

    Chủ một cơ sở thu mua phế liệu tại TP.Thanh Hóa cho biết, ngoài các phế liệu như giấy, nhôm, sắt, cơ sở còn thu mua các đồ gia dụng điện tử, tivi, đầu máy, máy in... hư hỏng về cho công nhân bóc tách phân loại, đồ nhựa thải đắp thành đống hoặc đóng bao, một vài tuần có xe từ Hưng Yên vào bốc đem đi.

    Thực tế, quản lý rác thải điện tử hiện còn bỏ ngỏ bởi nhiều địa phương chưa có phương án xử lý triệt để, phần lớn được các cơ sở thu mua phế liệu thu gom về tập kết, chờ xử lý. Trong khi, việc xử lý nguồn rác thải này tại các hộ gia đình gặp nhiều khó khăn, vì số lượng thu gom không đáng kể, đa phần người dân thường gom, bán cho người thu mua ve chai.

    Trên địa bàn huyện Hoằng Hóa hiện có 57 cơ sở thu mua phế liệu, thời gian qua địa phương đã xây dựng kế hoạch thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại (trong đó có rác thải điện tử). Theo đó, chủ cơ sở sản xuất phát sinh chất thải nguy hại đã thực hiện thu gom, xử lý. Tuy vậy, công tác quản lý chất thải nguy hại đối với cơ sở có lượng thải phát sinh dưới 600kg/năm còn nhiều bất cập, lúng túng.

    Ông Nguyễn Văn Tiệm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoằng Hóa cho biết chủ các cơ sở còn xem nhẹ, chưa ý thức được nguy hại của loại rác thải này trong tương lai. Trong khi, cả tỉnh hiện chỉ có 2 đơn vị được bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép về thu gom, xử lý chất thải nguy hại tại Bỉm Sơn, Nghi Sơn. Do đó, việc thu gom, xử lý rác thải này trên địa bàn là rất khó.

    “Đối với thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý nguồn thải chất thải nguy hại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có khối lượng phát sinh dưới 600kg/năm, chủ nguồn thải có trách nhiệm phân loại, bố trí khu vực lưu chứa tạm thời đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, môi trường. Đồng thời, chủ động hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, xử lý", ông Tiệm cho biết thêm.

    Cần những giải pháp quyết liệt, đồng bộ

    Liên quan đến vấn đề xử lý lượng rác thải điện tử, trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri Hà Nội, bộ TN&MT nhấn mạnh việc quản lý các loại chất thải này phải thực hiện quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ, thống nhất và có sự chung tay của nhiều cấp, ngành và toàn xã hội.

    Để nâng cao hiệu quả quản lý chất thải nói chung, chất thải điện tử và chất thải nhựa nói riêng, bộ này đang rà soát, đề xuất, tham mưu Chính phủ nhiều giải pháp, trong đó có nhóm giải pháp chính là xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật Bảo vệ môi trường.

    Bộ TN&MT cũng đề xuất xây dựng các quy định yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì thuộc danh mục quy định phải tái chế theo tỉ lệ và quy cách tái chế bắt buộc; tiếp tục hoàn thiện chính sách và tăng cường thu gom, tái sử dụng, tái chế và thu hồi vật liệu từ sản phẩm điện tử thải bỏ; thúc đẩy các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư, sản xuất, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường; tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

    Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050... Đặc biệt các đơn vị cần triển khai chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế đối với các sản phẩm, vật liệu thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon khó phân hủy và vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường...

    Bộ TN&MT sẽ đôn đốc các địa phương hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nilon khó phân huỷ kể từ năm 2026 tại các Trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt; tuyên truyền, vận động và tổ chức ký cam kết chống rác thải nhựa, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần đối với các cơ sở sản xuất, các tổ chức phân phối sản phẩm, trung tâm thương mại, cửa hàng, nhà hàng, chợ, siêu thị; thúc đẩy thị trường tiêu thụ túi thân thiện với môi trường,..

    Gần đây nhất, luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã cũng bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học; có lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học.

    "Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua luật Thuế bảo vệ môi trường, trong đó quy định túi nilon khó phân hủy là một trong những đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường; túi nilon thân thiện với môi trường, có khả năng phân hủy sinh học được miễn thuế".

    H.H(t/h)

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Hai (66)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/loi-giai-nao-cho-bai-toan-rac-thai-dien-tu-a364211.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan