Để trả phí học tập, mỗi sáng, các em học sinh tại làng Assam’s Pamohi (Ấn Độ) chỉ cần đến trường, đem theo một túi rác thải nhựa.
Trả phí bằng rác thải nhựa
Trường Akshar của Ấn Độ được thành lập bởi vợ chồng anh Mazin Mukhtar (32 tuổi) và Parmita Sarma (30 tuổi) từ năm 2016 bởi số vốn kêu gọi được từ các nhà tài trợ tư nhân. Tại ngôi trường này, học phí của các em học sinh chỉ là một túi rác thải nhựa mỗi ngày. Mục đích của việc này vừa tạo điều khiện cho trẻ em làng Assam's Pamoni đi học vừa để ngăn người dân địa phương đốt đồ nhựa đã qua sử dụng.
Được biết, phần lớn các em học sinh đều xuất thân từ gia đình nghèo khó, bản thân các em phải đi làm tại các mỏ đá địa phương với thu nhập khoảng 3 USD/ngày. Ban đầu, nhiều gia đình trong làng đã phản đối ý tưởng cho con em đi học bởi điều này đồng nghĩa với việc các em sẽ phải nghỉ làm.
Các em học sinh tại trường Akshar trả học phí bằng 1 túi rác thải nhựa mỗi ngày. Ảnh: AFP |
Anh Mukhtar chia sẻ: "Ban đầu, khi chúng tôi yêu cầu các bậc phụ huynh gửi đồ nhựa gia dụng và cho con em lên xe buýt của trường đi học, gần như tất cả mọi người đều phản đối. Họ nói rằng họ thích tự đốt đồ nhựa ở nhà hơn. Bởi vậy vợ nói chúng tôi sẽ bắt đầu tính phí. Họ có thể trả phí bằng rác thải nhựa của gia đình hoặc bằng tiền mặt".
Việc thay đổi học phí thành rác thải nhựa đã nhận được sự ủng hộ 100% của các gia đình trong làng Assam's Pamohi.
Để củng cố những cây cầu đang được xây dựng trong cộng đồng, trường cũng tổ chức đào tạo nghề. Theo đó, các học viên được dạy cách lắp đặt các tấm pin mặt trời, tìm hiểu nghề mộc và các thiết bị điện tử.
Khi mới thành lập, ngôi trường chỉ có vỏn vẹn 20 học sinh theo học. Tới nay, trường Akshar đã được mở rộng có tổng cộng 7 giáo viên giảng dạy và quản lý 110 trẻ em trong độ tuổi từ 4 đến 15 tuổi. Hiện có khoảng 100 em học sinh khác đang trong danh sách chờ của trường.
Rác thải nhựa được tái chế thành gạch sinh thái để hỗ trợ xây dựng. Ảnh: Jen Kalita |
Cô Samar cho biết: "Chúng tôi đang dạy các em học sinh cách sống có trách nhiệm với môi trường xung quanh và nỗ lực để cải thiện tình hình".
Cô tiết lộ số rác thải nhựa 2 vợ chồng thu thập được tái chế thành gạch sinh thái để xây dựng. Điều này vừa cải thiện mức độ ô nhiễm môi trường và không khí do số rác thải nhựa bị đốt giảm đáng kể.
'Học nhiều hơn để kiếm được nhiều hơn'
Ngoài ra, vợ chồng người sáng lập ngôi trường Akshar cũng nghĩ ra một cách để giảm thiểu số lượng trẻ em phải đi làm tại các hầm mỏ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Cụ thể, cô Samar chia sẻ: "Chúng tôi đã để những em học sinh lớn hơn kèm cặp và giảng dạy cho những em lớp nhỏ hơn. Qua đó, các em sẽ được trả tiền công để mua mua đồ ăn nhẹ, quần áo, đồ chơi và giày dép tại các cửa hàng địa phương. Khi học sinh tiến bộ trong học tập, lương của các em sẽ tăng lên. Phương châm của chúng tôi là 'Học nhiều hơn để kiếm được nhiều hơn'".
Học sinh lớp lớn có thể kèm các em nhỏ hơn và được trả lương tại trường. Ảnh: Sarpil Nandan Deka |
Cô Samar vui mừng tiết lộ: "Trong những năm qua, trường chúng tôi không ghi nhận trường hợp trẻ em bỏ học giữa chừng. Các em học sinh lớp lớn thậm chí có thể kiếm được tới 60-70 USD/tháng tại đây. Có những em còn tích góp đủ tiền mua điện thoại di động, điều mà cha mẹ các em còn chưa làm được".
Trường học Akshar đã giúp học sinh thay đổi theo hướng tích cực hơn. Trước đây, các em từng là nạn nhân bị bạo hành và coi thường bởi xã hội bởi vậy chúng từng là những đứa trẻ hung hăng. Tuy nhiên, sau khi được dạy dỗ và học hỏi những kỹ năng mới, các em đã trở nên đồng cảm, lạc quan và tự tin hơn.
Cô Samar nói thêm: "Chúng tôi từng tiếp nhận một cô bé 13 tuổi gần như không thể nói chuyện. Nhưng giờ đây, cô bé ấy đã cởi mở và tiến bộ hơn, thậm chí em còn dạy kèm những học sinh nhỏ tuổi hơn đến từ một ngôi trường trung học khác trong địa phương khi rảnh rỗi".
Mukhtar và Sarma hiện đã ký kết với chính quyền Guwahati để triển khai mô hình Akshar tại 5 trường học của chính phủ. Theo B Kalyan Chakravarthy, thư ký chính của bộ phận giáo dục của Assam, mô hình Akshar chứng minh rằng việc giáo dục trẻ em và nâng cao nhận thức về môi trường hoàn toàn khả thi. Những kiến thức mà ngôi trường Akshar đem lại có thể góp phần lớn vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Minh Hạnh(Theo Guardian)