Từ lâu, người Việt đã biết sử dụng quả chanh với nhiều mục đích khác nhau. Từ vắt chanh pha đường làm thành món nước chanh giải khát 'quốc dân', cho đến trộn gỏi, pha mắm... Do đó, không ngoa khi nói, trong tủ lạnh của mỗi gia đình Việt, hiếm khi thiếu đi bóng dáng của quả chanh.
Chanh là loại trái cây có múi nhỏ, màu xanh lá cây, được biết đến với vị chua đặc trưng, vị đắng và mùi thơm nhẹ. Trong trái chanh cung cấp rất nhiều vitamin C, chất xơ và các hợp chất thực vật có lợi khác nhau. Những chất dinh dưỡng này đem lại một số lợi ích cho sức khỏe. Trên thực tế, chanh có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch, kiểm soát cân nặng và sức khỏe hệ tiêu hóa.
Dưới đây là những lợi ích sức khỏe dựa trên bằng chứng khoa học của chanh.
Ngăn ngừa sỏi thận
Các loại trái cây có múi như chanh có chứa một lượng vừa phải citrate, một chất có tác dụng ức chế sự hình thành sỏi thận một cách tự nhiên. Nước cốt chanh tươi, kết hợp với thuốc hoặc chất bổ sung khoáng chất kali citrate điều trị sỏi thận, có thể cải thiện lượng canxi bài tiết qua nước tiểu của bạn. Vì nước cốt chanh giúp giải phóng canxi qua nước tiểu nên bạn sẽ ít có nguy cơ hình thành sỏi thận hơn.
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Chanh là loại thực phẩm cung cấp vitamin C dồi dào. Một quả chanh cung cấp khoảng 31 mg vitamin C, chiếm 51% lượng vitamin C khuyến cáo hàng ngày dành cho mỗi người (RDI). Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng ăn trái cây và rau quả giàu vitamin C giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ.
Tuy nhiên, không chỉ vitamin C đem lại lợi ích cho tim của chúng ta. Chất xơ và các hợp chất thực vật trong trái chanh cũng có thể làm giảm một số yếu tố nguy cơ mắc các bệnh tim mạch chuyển hóa. Ví dụ, một nghiên cứu tiết lộ rằng ăn 24 gam chiết xuất chất xơ từ cam quýt và chanh hàng ngày trong một tháng làm giảm tổng mức cholesterol trong máu. Các hợp chất thực vật được tìm thấy trong trái chanh - cụ thể là hesperidin và diosmin - được cho là có tác dụng đáng kể làm giảm lượng cholesterol.
Làm sạch gan
Được biết đến với tác dụng chống lại độc tố, chanh có thể được sử dụng để làm sạch gan. Một cốc chanh uống lúc đói có thể đem lại sức sống cho gan và làm sạch nó hiệu quả nhất.
Có thể bảo vệ chống lại H. Pylori
Trái cây họ cam quýt chứa một lượng lớn các hợp chất hoạt tính sinh học mang lại lợi ích chống viêm, chống oxy hóa và chống ung thư. Nghiên cứu cho thấy trái cây họ cam quýt và flavonoid (hóa chất thực vật tự nhiên) của chúng có thể có tác dụng bảo vệ chống lại H. pylori - nguyên nhân chính gây ra tình trạng viêm, loét và ung thư dạ dày, và các nguy cơ liên quan.
Các nghiên cứu trong ống nghiệm đã chỉ ra rằng chanh và các chất chiết xuất từ cam quýt khác làm giảm khả năng tồn tại của H. pylori.
Giúp kiểm soát cân nặng
Chanh thường được ca ngợi như một loại thực phẩm giúp giảm cân, đã có một vài giả thuyết giải thích tại sao lại như vậy. Một giả thuyết cho rằng là chất xơ pectin hòa tan trong chúng sẽ mở rộng trong dạ dày của chúng ta, giúp chúng ta cảm thấy no lâu hơn. Đây cũng chính là lý do tại sao bạn có thể nhìn thấy những người ăn chanh cả quả, bởi vì nước chanh không chứa pectin, đồ uống từ nước chanh sẽ không thúc đẩy cảm giác no.
Một giả thuyết khác cho rằng uống nước chanh nóng sẽ giúp bạn giảm cân. Tuy nhiên, nước uống được biết là tạm thời làm tăng lượng calo bạn đốt cháy, vì vậy, nó có thể là chính nước giúp giảm cân - không phải chanh.
Các giả thuyết khác nhận định rằng các hợp chất thực vật trong chanh có thể giúp giảm cân. Nghiên cứu cho thấy rằng các hợp chất thực vật trong chanh có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm tăng cân theo một số cách. Trong một nghiên cứu, những con chuột trong chế độ ăn kiêng vỗ béo được cho uống polyphenol chiết xuất từ vỏ chanh. Chúng tăng ít trọng lượng và mỡ trong cơ thể hơn những con chuột khác. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào xác nhận tác dụng giảm cân của các hợp chất trong chanh ở người.
Hỗ trợ miễn dịch
Giống như các loại trái cây họ cam quýt khác, chanh chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa hỗ trợ hệ thống miễn dịch của bạn. Chúng bao gồm vitamin C và folate, cả hai đều có lợi cho lớp màng bảo vệ ruột.
Vitamin C điều chỉnh hệ thống miễn dịch theo nhiều cách khác nhau. Nó hoạt động như một chất chống oxy hóa để chống lại các gốc tự do (một loại phân tử không ổn định có thể gây tổn hại và dẫn đến bệnh tật nếu tích tụ quá nhiều) và bảo vệ tế bào của chúng ta khỏi các chất độc và chất ô nhiễm gây hại. Vitamin C cũng giúp điều chỉnh gen và cung cấp sự ổn định cho collagen, điều cần thiết cho lớp lót bảo vệ ruột.
Folate là một loại vitamin cần thiết cho các tế bào T điều hòa ở niêm mạc ruột. Tế bào T ngăn chặn các phản ứng miễn dịch quá mức như tình trạng viêm tăng cao và phản ứng dị ứng. Như vậy, folate có thể giúp ngăn chặn phản ứng miễn dịch hoạt động quá mức.
Bảo vệ cơ thể chống lại bệnh thiếu máu
Thiếu máu do thiếu sắt khá phổ biến. Nó xảy ra khi chúng ta không nhận đủ sắt từ thực phẩm mà mình ăn hàng ngày. Chanh có chứa một hàm lượng sắt nhất định, nhưng chúng chủ yếu ngăn ngừa bệnh thiếu máu bằng cách cải thiện sự hấp thụ chất sắt của cơ thể từ thực phẩm thực vật. Đường ruột của mỗi người hấp thụ sắt từ thịt, gà và cá (được gọi là sắt heme) rất dễ dàng, trong khi sắt từ nguồn thực vật (sắt không heme) không dễ dàng như vậy. Tuy nhiên, sự hấp thụ này có thể được cải thiện bằng cách tiêu thụ vitamin C và axit citric có trong trái chanh.
Bởi vì chanh chứa cả vitamin C và axit citric, chúng có thể bảo vệ chống lại bệnh thiếu máu thông qua cách đảm bảo rằng bạn hấp thụ càng nhiều sắt càng tốt từ chính chế độ ăn uống của mình.
Cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa
Trái chanh được cấu thành từ khoảng 10% carbs, chủ yếu ở dạng chất xơ hòa tan và đường đơn. Chất xơ chính trong trái chanh là pectin, một dạng chất xơ hòa tan có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Chất xơ hòa tan giúp cải thiện sức khỏe đường ruột và làm chậm quá trình tiêu hóa đường và tinh bột. Những tác động này có thể góp phần làm giảm lượng đường trong máu. Tuy nhiên, để có được những lợi ích của chất xơ từ chanh, chúng ta cần ăn cả cùi. Những người uống nước chanh mà không có chất xơ có trong cùi sẽ bỏ lỡ lợi ích của hợp chất quan trọng này trong chanh.