Được ví là lộc rừng
Tháng tư bắt đầu mùa nắng, cũng là lúc người dân xã An Lạc (Sơn Động) bước vào vụ "đánh" trứng kiến - thứ quà mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho núi rừng.
Chia sẻ trên báo VietNamNet bà Hoàng Thị Hợp ở thôn Biểng xã An Lạc, huyện Sơn Động (Bắc Giang) cho biết, mỗi năm, mùa lấy trứng kiến chỉ rơi vào những ngày đầu và cuối tháng ba âm lịch. Lúc này trứng rất mẩy nên các gia đình thường rủ nhau đi rừng lấy về ăn hoặc bán. Ngày nghỉ học sinh cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội đi "hái" lộc rừng.
Tuy nhiên theo bà Hợp, chỉ khi nào trời nắng người dân mới đi đánh kiến vì khi hạ tổ kiến xuống gặp nắng to kiến sẽ nhanh chóng tản ra ngoài, khi đó chỉ còn lại những hạt trứng trắng muốt như gạo.
Các món ngon từ trứng kiến
Các món ăn từ trứng kiến được chế biến rất đa dạng, trong đó, 3 món ăn từ trứng kiến phổ biến nhất, ngon nhất, gồm: xôi trứng kiến, bánh trứng kiến và nộm trứng kiến, thông tin trên báo Đại đoàn kết.
Xôi trứng kiến: Là món ăn được làm từ gạo nếp, có thêm mỡ, hành, hạt tiêu, gia vị và trứng kiến. Cách làm khá đơn giản: Lấy gạo nếp vo sạch, đem ngâm trong nước ấm chừng 4 - 5 giờ, vớt ra để cho gạo ráo nước rồi cho vào chõ đồ. Khi thấy có mùi thơm của xôi, nếm thấy dẻo, hạt gạo mềm, mọng là được.
Hành củ phi thơm với mỡ (dùng mỡ gà sẽ tạo hương vị thơm ngon nhất), sau đó, cho trứng kiến đã làm sạch vào xào cùng, nêm gia vị cho vừa ăn. Đảo đều khi thấy dậy mùi thơm béo của trứng kiến và mùi thơm của hành là được. Khi xôi chín xới ra đánh tơi, trộn đều với trứng kiến đã phi hành rồi cho ra đĩa, ăn nóng. Món xôi trứng kiến có vị béo của mỡ, hành, bùi ngậy của trứng kiến, dẻo thơm của xôi nếp rất hấp dẫn.
Bánh trứng kiến: Tiếng Tày gọi là “pẻng rày”, là món ăn độc đáo được làm từ bột gạo nếp, trứng kiến, thịt lợn băm nhỏ. Đặc biệt, có một nguyên liệu không thể thiếu khi làm món bánh trứng kiến là lá cây vả, người Tày gọi là “bâư nỏa”. Chọn lá làm bánh phải chọn loại lá bánh tẻ, không quá non cũng không quá già. Khi làm bánh phải chọn loại cây lá nhỏ sẽ thơm và mềm hơn loại to.
Bột nếp có thể làm từ bột khô hoặc bột ướt, pha thêm một chút bột tẻ để bánh không nhão hay quá dẻo. Sau khi bột ráo nước, đem trộn nhào với lượng bột canh cho vừa. Đặt lá vả vào mẹt tre thưa làm áo bánh, sau đó dát mỏng lớp bột nhào trước đó dày cỡ nửa phân.
Tiếp đến là cho trứng kiến đã rang phi với hành, thịt lợn băm nhỏ rải đều trên mặt bột, rồi cho tiếp lớp bột nếp, lá vả lên phần trên. Ép nhẹ nhàng cho mặt bánh phẳng đều rồi hấp cách thủy. Khi bánh chín đem ra để nguội, dùng kéo cắt ra từng miếng vuông vừa phải để ăn. Bánh trứng kiến ăn dẻo, thơm mùi lá vả, béo và ngậy mùi trứng kiến. Khi ăn không bóc tách lá vả đi mà lá vả chính là nhân tố tạo nên hương vị đặc trưng độc đáo của bánh trứng kiến.
Nộm trứng kiến: Được làm từ trứng kiến với hoa chuối rất ngon và hấp dẫn. Chuẩn bị hoa chuối còn bẹ non rửa thật sạch, thái mỏng ngâm trong nước có pha dấm rồi vớt ra vẩy sạch để ráo nước.
Trứng kiến đã xào được trộn đều với hoa chuối, lẫn với rau thơm, lá chanh thái chỉ và các loại gia vị đường, muối, tỏi... Ăn món này, sẽ thấy có vị cay, chát, chua, ngọt và độ giòn của hoa chuối hòa lẫn với mùi thơm, vị béo bùi của trứng kiến thoang thoảng.
Trứng kiến có giá đắt đỏ
Vnexpress dẫn lời anh Kiên, một đầu mối ở Hà Nội cho biết, trứng kiến gai đen là một trong những món đặc sản được anh thu mua ở miền cao Phú Thọ và Bắc Giang. Khách thường phải đặt trước ít nhất 3 ngày đến một tuần mới có hàng. Vì là hàng đặt mua của người dân đi lấy trên rừng nên số lượng không ổn định và phụ thuộc vào thời tiết. Nếu mưa kéo dài, khách dù đặt trước cả tháng cũng không có hàng.
"Tôi bán trứng kiến gai đen rừng với giá 500.000 đồng một kg, chưa tính phí vận chuyển. Nếu khách lấy với số lượng trên 10 kg có giá 430.000 đồng", anh Kiên nói và cho biết, hiện trên thị trường có những nơi bán trứng kiến nuôi chứ không phải là trứng kiến gai đen rừng. Do đó, khi mua người tiêu dùng nên phân biệt và chọn nơi uy tín.
Cũng xác nhận trứng kiến khá đắt đỏ nhưng lại dễ bán, chị Phương ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, trung bình nhà chị mỗi ngày bán được 5 - 10 kg. Kết thúc mùa cũng bán được vài tạ. Ngoài bán trứng kiến nguyên chất, chị còn làm thêm bánh trứng kiến, mỗi chiếc có giá 10.000 - 20.000 đồng (tùy kích cỡ). Mỗi ngày chị cũng bán được cả trăm chiếc bánh. Vì làm thủ công nên dù khách đặt nhiều chị vẫn không có đủ số lượng để bán.
Vì sao trứng kiến có giá đắt đỏ nhưng vẫn đươc ưa chuộng
Theo nghiên cứu và Đông y, trứng kiến nói chung và trứng kiến vàng mang lại nhiều lợi ích, có tác dụng vượt trội đối với sức khỏe của con người.
Trong trứng kiến chứa tới hơn 30 loại acid amin, từ 42 - 47% chất đạm, giàu vitamin E, vitamin A, vitamin B1,... nên ăn trứng kiến rất tốt đối với sức khỏe con người, nhất là người già, trẻ em và những người đang bị bệnh.
Chúng còn có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa da, giúp làn da trắng, mềm mịn ở nữ, còn nam giới khi ăn trứng kiến sẽ tăng cường được sinh lý. Bên cạnh đó, trứng kiến vàng có khả năng làm máu lưu thông dễ dàng, kháng viêm, giảm đau, cung cấp dưỡng chất đến cho cơ thể.
Thậm chí nhiều người còn quan niệm trứng kiến có tác dụng kỳ diệu như một loại “thần dược” giúp ngủ ngon, chống trầm cảm và chữa các bệnh về thần kinh,...
Cẩn trọng khi ăn đặc sản trứng kiến
Pháp luật TP.HCM dẫn lời PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho hay trứng kiến hay trứng ong, nhộng tằm vè bản chất là có giá trị dinh dưỡng rất tốt. Tuy nhiên tính dược lý của trứng kiến đến đâu thì chưa có bất kỳ công trình khoa học nào nghiên cứu.
"Phần lớn các tác dụng của trứng kiến được viết trên mạng đều là do truyền tai nhau, chứ chưa được kiểm chứng"- PGS.TS Thịnh bày tỏ quan điểm, ông cũng nói thêm, đó là lý do mà các chuyên gia sẽ không thể khuyên người tiêu dùng sử dụng trứng kiến để chữ bệnh hoặc bổi bổ sức khỏe, vì thiếu cơ sở khoa học.
Cũng theo vị chuyên gia này, kiến là một loại động vật hoang dã khi làm tổ thường tiết ra các độc tố để bảo vệ con non. Do đó, axit có trong kiến thì cũng có thể có trong trứng của chúng, điều này không loại trừ khả năng người tiêu dùng ăn phải độc tố này.
Trước đó, bác sĩ Trần Văn Năm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TPHCM, cũng trả lời báo chí, khi đưa ra rủi ro về món đặc sản này. Theo ông, để thu trứng kiến rừng, người bắt có thể dùng thuốc xịt kiến, thuốc này ảnh hưởng trực tiếp đến trứng, và khi ăn sẽ gây hại cho sức khỏe.
Trên thực tế, đã có nhiều ca bị dị ứng, ngộ độc sau khi ăn trứng kiến. Đơn cử vào cuối tháng 3 vừa qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận một trường hợp bị sốc phản vệ sau khi ăn bánh nếp có nhân trứng kiến gai đen với các triệu chứng như ngứa, nổi mề đay toàn thân và sốc nặng, mất ý thức, thở rít...
T.D(T/h)