+Aa-
    Zalo

    Lộ thông tin chương trình bí mật tận dụng trí tuệ nhân tạo để "săn tên lửa" của Mỹ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Lầu Năm Góc đang mạnh tay chi tiền cho chương trình nghiên cứu bí mật tận dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện các bệ phóng, lường trước các vụ phóng tên lửa hạt nhân.

    Reuters dẫn nguồn giấu tên trong Chính phủ Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc đang mạnh tay chi tiền cho chương trình nghiên cứu bí mật tận dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện các bệ phóng, lường trước các vụ phóng tên lửa hạt nhân trên thế giới.

    Hệ thống tên lửa phòng không cơ động tại thao trường Ashuluk, ngoại ô Astrkhan, Nga. - Ảnh: Reuters.

    Hệ thống trí tuệ nhân tạo này được kỳ vọng có thể tự tính toán, nghiên cứu lượng dữ liệu khổng lồ (bao gồm cả hình ảnh vệ tinh), với tốc độ nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo chính xác, vượt qua cả khả năng của con người để phát hiện dấu hiệu của quy trình phóng tên lửa.

    Nhờ đó, trong trường hợp sắp xảy ra một cuộc tấn công, quân đội Mỹ sẽ có nhiều thời gian hơn để tìm cách phá hủy hoặc ngăn cản tên lửa trước khi chúng được phóng đi.

    Một trong các chương trình nghiên cứu AI đã được chính phủ Tổng thống Donald Trump đề xuất tăng gấp 3 lần đầu tư ngân sách, lên đến 83 triệu USD. Con số này vẫn khá khiêm tốn so với tổng chi ngân sách quốc phòng của Lầu Năm Góc, theo Reuters.

    Cựu thứ trưởng quốc phòng Mỹ Bob Work, “bậc thầy” về công nghệ AI, nhận định: “Với AI và công nghệ máy tự học (machine learing), chúng ta có thể tìm ra cây kim trong đáy bể”.

    Theo Reuters, quân đội Mỹ đang cho thử nghiệm phiên bản đầu tiên của hệ thống truy vết bệ phóng tên lửa cơ động. Dự án được phát triển bởi nhiều nhà nghiên cứu quân đội lẫn tư nhân tại Washington D.C, được quỹ đầu tư In-Q-Tel của cộng đồng tình báo Mỹ chống lưng.

    Dự án này tận dụng kho dữ liệu đám mây của các cơ quan tình báo, rà soát khối lượng thông tin khổng lồ mà những vệ tinh tối tân thu thập được nhằm phát hiện các điểm bất thường và quy tắc hoạt động của đối phương.

    Tầm bắn một số tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. - Đồ họa: Economist. 

    Trong khi đó, nhiều chuyên gia công nghệ quốc phòng cho rằng Trung Quốc và Nga có thể tìm ra cách đánh lừa những hệ thống “săn tên lửa”, ngăn khả năng nhận diện hình ảnh của máy tính. "Trung Quốc và Nga chắc chắn cũng đang theo đuổi những công nghệ này, thậm chí với mức độ đầu tư còn lớn hơn chúng ta", ông Mac Thornberry, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, cho biết.

    Theo Steven Walker, giám đốc Cơ quan Các dự án Nghiên cứu Quốc phòng Cấp cao (DARPA), một nhà tiên phong về công nghệ AI, Lầu năm Góc vẫn cần đội ngũ phân tích lại những kết luận được AI xử lý. “Mọi hệ thống đều có thể bị đánh lừa”, ông nhận định.

    Mặc dù nỗ lực nghiên cứu các hệ thống chống tên lửa nói trên chưa từng được xác nhận, chính phủ Mỹ thời gian qua đã công khai thể hiện mong muốn ứng dụng AI vào quân sự.

    Lầu Năm Góc năm 2017 khởi động “Dự án Nhà thông thái”, ứng dụng AI vào chương trình máy bay không người lái. Công nghệ cho phép phân tích hình ảnh và nhận diện mọi vật thể được ghi hình. Dù vậy, nhiều quan chức Mỹ cho rằng mức độ đầu tư cho nghiên cứu AI trong quân đội vẫn còn quá thấp.

    NGUYỄN QUỲNH (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lo-thong-tin-chuong-trinh-bi-mat-tan-dung-tri-tue-nhan-tao-de-san-ten-lua-cua-my-a232020.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan