Cuộc chạy đua vũ khí nguyên tử của 3 siêu cường Mỹ - Nga – Trung Quốc tiềm ẩn nhiều xung đột và rủi ro.
Trung Quốc tiến hành 200 thí nghiệm hạt nhân trong 3 năm
Theo một báo cáo của Học viện Kỹ thuật Vật lý Trung Quốc, Bắc Kinh đã tiến hành khoảng 200 thí nghiệm mô phỏng các vụ nổ hạt nhân từ tháng 9/2014 tới tháng 12/2017. So với 50 vụ của Mỹ, Trung Quốc đang thực sự bước vào một cuộc chạy đua vũ khí nguyên tử.
Lý do được mọi siêu cường viện dẫn cho chương trình vũ khí hạt nhân là nền quốc phòng và hòa bình khu vực. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định điều này chỉ tiềm ẩn thêm xung đột và các bất trắc khó đoán trong vấn đề ngoại giao.
Tương tự, các quan chức của Lầu Năm Góc muốn mọi kẻ thù tin rằng Mỹ sẽ không ngần ngại sử dụng loại vũ khí hiện đại nhất với sức công phá mạnh mẽ nhất để trả đũa mọi đòn khiêu khích.
Chuyên gia hải quân Li Jie ở Bắc Kinh nói với hãng tin SCMP: "Sử dụng các đầu đạn hạt nhân loại nhỏ có thể dẫn tới sử dụng những đầu đạn lớn hơn".
Khách du lịch tới quan sát một đầu đạn hạt nhân trong viện bảo tàng quân sự thuộc tỉnh Qinghai, Trung Quốc - Ảnh: SCMP |
Trung Quốc coi vũ khí hạt nhân là nhu cầu thiết yếu
Chuyên gia Li cho biết Trung Quốc hiện nay coi việc phát triển vũ khí hạt nhân thông minh là một nhu cầu thiết yếu cho quốc phòng với lý do: "Nếu nước khác sử dụng vũ khí hạt nhân với chúng tôi, chúng tôi phải trả đũa. Đây là lý do nghiên cứu phát triển các loại vũ khí mới đang được tiến hành".
Bất chấp Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân NPT, nhiều cường quốc vẫn tiếp tục tăng cường nghiên cứu.Các cơ sở hạt nhân trọng yếu của Trung Quốc ẩn sâu trong lòng núi ở khu vực Tây Nam tỉnh Tứ Xuyên. Với cơ sở hạ tầng hiện đại, các đường hầm dài hàng nghìn km, đội ngũ nghiên cứu hạt nhân Trung Quốc đã tiến hành số lượng thử nghiệm nhiều hơn Mỹ trong vòng 15 năm qua.
Để phục vụ cho nghiên cứu hạt nhân, Trung Quốc đã đầu tư thêm nhiều công nghệ mới như thiết bị lượng tử, thiết bị siêu âm và trí tuệ nhân tạo cùng một hệ thống lưu trữ dữ liệu bảo mật tuyệt đối.
Theo SCMP, những loại vũ khí mới được đánh giá "thực tiễn hơn", có khả năng phá hủy cơ sở ngầm dưới lòng đất và hạn chế rò rỉ phóng xạ. Vũ khí hạt nhân thế hệ mới có mức độ tàn phá thấp hơn nhưng vẫn vượt trội so với vũ khí thông thường.
Tuy nhiên, xét trên cả chặng đường dài, Trung Quốc vẫn đi sau Mỹ. Từ khi khởi động Dự án Manhattan năm 1945, Mỹ đã kích nổ hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân trong khi con số này của Trung Quốc là 45 vụ thử nghiệm thực địa.
Súng gas tại một căn cứ nghiên cứu vũ khí tại Nevada, Mỹ - Ảnh: SCMP |
Để nhanh chóng chiếm được thế chủ động, Trung Quốc đang tích cực phát triển các công nghệ đi kèm và đặc biệt chú trọng tới trí thông minh nhân tạo. Một cuộc chạy đua vũ khí giữa các siêu cường chưa bao giờ là tín hiệu tích cực trong lịch sử cận – hiện đại.
Cuộc chiến về công nghệ và vũ khí hạt nhân
James Lewis, phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định một cuộc chạy đua vũ trang mới đã bắt đầu.
Nhà Trắng hiện nay đang cân nhắc một kế hoạch nâng cấp kho vũ khí hạt nhân ước tính tốn 1,2 nghìn tỷ USD. Đầu năm nay, Lầu Năm Góc thông báo sẽ phát triển loại vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ có thể gắn vào tên lửa thông thường và được phóng từ tàu ngầm nhằm đáp trả các động thái của Nga.
Trong vài năm qua, chính phủ Nga đã công bố hàng loạt chương trình vũ khí hạt nhân mới, thu hút sự chú ý không nhỏ từ truyền thông và các nước khác. Nhiều người hoài nghi về sức mạnh của loại vũ khí hạt nhân loại nhỏ và siêu ngư lôi xóa sổ cả một thành phố ven biển nhưng sự lo ngại là không thể phủ nhận.
Trái ngược với các đời tổng thống Mỹ tiền nhiệm, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cho thấy họ luôn sẵn sàng và cởi mở trong vấn đề sử dụng vũ khí hạt nhân như một cách răn đe các quốc gia khác. Một trong số đó là lời cảnh cáo gửi tới Triều Tiên vào năm 2017.
Tháng 2/2018, không lâu sau khi Washington công bố chính sách vũ khí hạt nhân mới, Bắc Kinh tuyên bố đang cân nhắc nghiêm túc chương trình vũ khí hạt nhân loại nhỏ, nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng.
Global Times tuyên bố: "Trung Quốc có khả năng tăng mạnh số lượng và cải tiến công nghệ của kho vũ khí hạt nhân. Trung Quốc luôn có chính sách mới trong tình hình mới".
Thu Phương (Theo SCMP)