Mỹ cần có những giải pháp ứng phó ngay từ lúc này, nếu Triều Tiên có ý định tấn công dằn mặt bất ngờ, bởi thực tế họ không thể trông cậy vào ai.
CHDCND Triều Tiên đã thử nghiệm một quả bom nhiệt hạch vào ngày 3/9.
Đây là lần thử vũ khí mạnh nhất mà Triều Tiên từng thử nghiệm cho đến nay, với ước tính sức nổ có thể lên tới 120 kiloton.
Trong khi đó, quả bom hạt nhân thả xuống Hiroshima năm 1945 giết chết 80.000 người cũng chỉ cần sức công phá 15 kiloton.
Nếu Triều Tiên quyết định tấn công trước, điều gì sẽ xảy ra? Dưới đây là 5 giải đáp rõ ràng nhất trong bối cảnh căng thẳng hiện nay.
Vì sao Triều Tiên thử nghiệm bom hạt nhân?
Vũ khí hạt nhân được xem là giải pháp sống còn của Triều Tiên trước Mỹ. |
Vũ khí hạt nhân là cơ chế sinh tồn của Triều Tiên trong bối cảnh bị cô lập trước sức ép đến từ Mỹ.
Nhiều chuyên gia tin rằng, Triều Tiên sẽ không sử dụng vũ khí của mình vì hiểu rõ một cuộc chiến nổ ra trên bán đảo sẽ kéo theo những tổn hại hết sức nặng nề.
Ngoài ra, chính quyền Kim Jong-un cũng khao khát quốc tế công nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân điển hình và có tiếng nói trên toàn cầu.
"Các nhà lãnh đạo Triều Tiên hiểu rằng người chết thì không cần tiền và họ tin nếu không có vũ khí hạt nhân, mọi thứ sẽ còn kết thúc nhanh chóng hơn", Andrei Lankov, Giáo sư tại đại học Kookmin ở Seoul, Hàn Quốc nói với CNN.
Liệu có chiến tranh?
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo về một "phản ứng quân sự khổng lồ" đối với bất kỳ mối đe dọa nào từ Triều Tiên chống lại nước Mỹ. Tổng thống Donald Trump khi được hỏi sẽ có chuyện tấn công Triều Tiên hay không. Câu trả lời của ông là: "Hãy cùng chờ xem”.
Tổng thống Trump nói mọi người "hãy cùng chờ xem" ông có tấn công Triều Tiên hay không. |
Đầu tuần này, Hàn Quốc đã phát động cuộc tập trận bắn đạn thật ở quy mô lớn, mô phỏng một cuộc tấn công vào khu thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Được biết, Mỹ đang chuẩn bị để củng cố sự hiện diện quân sự giữa lúc lo ngại Bình Nhưỡng có thể sẽ phóng tên lửa tiếp diễn sau vụ thử bom nhiệt hạch.
Mặc dù Mỹ sở hữu hỏa lực áp đảo so với Triều Tiên, song các chuyên gia cho biết, bất kỳ cuộc chiến nào xảy ra sẽ mang lại những tổn hại nặng nề đến các nước láng giềng Hàn Quốc và Nhật Bản.
Thêm vào đó, màn ra mắt hai tên lửa tầm xa hồi tháng trước đang đưa lãnh thổ nước Mỹ rơi vào tầm ngắm nguy hiểm.
Các chuyên gia phân tích, rất khó để xem xét lời đe dọa của Triều Tiên có là sự thật hay không, nhưng khả năng như vậy sẽ mang đến một kịch bản xung đột khó tưởng tượng.
Chuyện gì xảy ra nếu Triều Tiên tấn công?
Mỹ có nhiều phương án chặn tên lửa Triều Tiên nhưng hiệu quả thực tế chưa được kiểm chứng. |
Nếu Bình Nhưỡng quyết định khai mào tấn công trước bằng việc phóng bốn tên lửa đến vùng biển thuộc đảo Guam, lãnh thổ ngoài khơi của Mỹ như tuyên bố trước đó cùng với việc bắn tên lửa nhằm vào Nhật Bản, Mỹ đã có giải pháp phòng thủ ở một số vị trí.
Hiện tại, rường cột phòng thủ của Washington là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD, có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và tầm trung gian. Bên cạnh đó là các chiến hạm tích hợp hệ thống Chiến đấu Aegis, có thể theo dõi và ngăn chặn 100 tên lửa cùng một lúc.
Những hệ thống này hoạt động theo nguyên lý dùng tên lửa để đánh chặn tên lửa mà không khiến cho đầu đạn hạt nhân phát nổ mặc dù khả năng bức xạ bị rò rỉ là có thể xảy ra.
Song khả năng đánh chặn thực tế đối với tên lửa liên lục địa của Triều Tiên vẫn còn là dấu hỏi.
Mỹ còn tùy chọn khác không?
Mỹ còn hai giải pháp khác là trừng phạt và đàm phán. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã cố gắng kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trong hơn một thập kỷ nhưng thành công mang lại rất hạn chế.
Liên Hợp Quốc dường như chưa thể kìm hãm Triều Tiên phát triển hạt nhân. |
Tại một phiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khẩn cấp ở New York mới đây, Đại sứ Mỹ Nikki Haley nói, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang muốn “khiêu khích chiến tranh”, và kêu gọi thông qua nghị quyết cho phép phản ứng cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, mọi giải pháp trừng phạt sẽ không hiệu quả một khi chính quyền Trump, không thể gây sức ép lên Trung Quốc.
Một số nhà phân tích nhận định, Mỹ nên chấp nhận nhượng bộ bằng việc cho phép Bình Nhưỡng giữ lại chương trình hạt nhân của mình, nhưng tránh thử nghiệm và phát triển hơn nữa để Triều Tiên đồng ý ngồi vào bàn đàm phán.
Còn ai giúp Mỹ không?
Trung Quốc không muốn người hàng xóm của mình sụp đổ. |
Chính quyền Trump đã thúc giục Trung Quốc kiềm chế người hàng xóm khó chịu kề bên, nhưng nhiều nhà phân tích không tin rằng Nhà Trắng đủ khả năng khiến Bắc Kinh chịu làm theo.
Ngược lại, Trung Quốc cùng với Nga muốn Mỹ đồng ý với giải pháp “đóng băng kép”. Trong đó thúc giục Mỹ và Hàn Quốc đình chỉ tập trận quân sự thường niên để đổi lấy việc ngừng phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Washington cho đây là đề nghị xúc phạm.
"Trung Quốc lo ngại nhất về ổn định chính trị trên bán đảo Triều Tiên. Người Trung Quốc cho rằng áp lực kinh tế nghiêm trọng mà họ gây ra theo lời Mỹ sẽ có nguy cơ khiến chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ. Điều này sẽ mở ra sự hỗn loạn trên bán đảo và một loạt các vấn đề dài hạn", học giả Jennifer Lind từ trường Dartmouth College nói với CNN.
Quốc Vinh