Thấu hiểu sự cơ cực của bà con ngày ngày phải bì bõm trên những con đường đất sình lầy mỗi độ mùa mưa về, ông lặng lẽ đi đắp đường cho dân. Hơn 20 năm, bất kể mưa, nắng, hình ảnh lão nông cần cù ấy đã trở nên quá đỗi quen thuộc trong tâm trí người dân nơi đây.
Những dấu chân thầm lặng
Về phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam những ngày này mới thấy hết sự tươi vui, rộn rã nơi đây. Tại đây, người dân gọi “đường ông Mỹ”, “giếng ông Mỹ” hay “cây ông Mỹ”... mới nghe qua cứ ngỡ là những địa danh xưa cũ. Nhưng thực chất đó là cái tên thân thương do chính người dân bản xứ trìu mến gọi mà thành. “Là ông Mỹ làng Cẩm Sa đó chú ơi! Lão “bao đồng” thân thương của chúng tôi đó!”, ông Lý Văn Tường, một người dân địa phương hồ hởi giải thích.
Lão Mỹ “bao đồng” mà người dân nhắc đến là ông Phạm Thế Mỹ, SN 1950, trú khối Cẩm Sa, phường Điện Nam Bắc. Ông được dân làng Cẩm Sa yêu thương không chỉ bởi đức tính hiền lành mà còn vì hơn 20 năm qua, ông lặng lẽ vá đường, đào giếng, giúp bà con nơi đây thoát khỏi cảnh đường bụi bặm mùa nắng, lầy lội mùa mưa.
Ông Mỹ bên những tấm bằng khen ghi nhận của các cấp chính quyền. |
Bằng chất giọng Quảng đặc sệt, ông tiếp lời, lúc ấy, một buổi ông sửa xe, buổi còn lại lo việc cấy cày sinh nhai. Từ làng Cẩm Sa ra đồng chỉ có con đường đất độc đạo. Nhưng vì được đắp bằng bùn đất nên cứ mưa xuống là đường trở thành đống sình lầy, lở sạt liên tục. Những xe trâu, xe bò chở đầy thóc lúa người dân qua đây đều mắc kẹt hoặc lật đổ. “Chứng kiến cảnh xe lúa, xe khoai của bà con đi qua con đường bị lầy, nhem nhuốc, nhìn bà con loay hoay trong khổ sở mà tui thấy xót xa”, ông nhớ lại.
Thế rồi, 5h sáng một ngày đầu đông năm 1995, ông rón rén trở dậy, tay cuốc tay xẻng lục đục ra con đường bùn ấy. Hễ đâu lở là đắp, đâu hư hỏng là bồi thêm. Đâu có gò đất cao, xà bần bỏ đi là ông lại mang về đắp đất. Trong màn sương chưa tỏ, trời thì lạnh ngắt, ông lặng lẽ giúp đời. “Tui làm độ 2 tiếng. Khoảng 7h khi mặt trời lên là chạy vội về nhà tắm táp cho bớt bùn đất rồi lại quay về tiệm sửa xe”, ông chia sẻ.
Cứ thế, ròng rã suốt 3 năm, ông Mỹ mới làm xong một con đường đất dài hơn 2 km chạy ra đồng. Rồi tiếp con đường dọc nghĩa trang Điện Nam Bắc, đường cho trẻ con đến trường thuận tiện, công nhân có đường đến khu công nghiệp gần hơn. Tất cả đều in hằn dấu chân ông.
Giờ đây, con đường đất lão nông đắp năm xưa đã không còn nữa. Thay vào đó là đường bê tông rộng lớn, trải dài, được xây dựng cách đây chừng 2 năm. Khi đó, cũng chính ông Mỹ đã đứng ra vận động các nhà hảo tâm cùng sự giúp đỡ của chính quyền địa phương để xây dựng con đường với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
“Có một bác ở cách đây không xa. Bác thấy tui có mục đích tốt nên khi tui xin, bác ấy đồng ý cho mấy trăm triệu làm đường cho bà con. Tui sướng rơn người”, ông Mỹ kể.
Ngày con đường hoàn thành cũng là ngày “lão bao đồng” mất nghề sửa đường. Cái nghiệp đã theo ông trọn vẹn 20 năm trời. Như lời ông nói, đắng cay, khổ cực, vui sướng có cả. Thời gian đầu “vác tù và hàng tổng”, không biết bao người, nhất là vợ con la rầy, hàng xóm nhắc nhở.
“Tui còn nhớ như in. Lúc ổng mới đi đắp đường, ai ai cũng kêu ổng khùng, gàn dở mới đi lo chuyện thiên hạ. Lâu dần, bà con thấu hiểu hơn mới hay tấm lòng của ổng. Quý ổng lắm”, bà Trần Thị Lan (68 tuổi, người dân địa phương) cho hay.
“Ổng tốt một cách kỳ lạ”
Cuộc trò chuyện của chúng tôi càng thêm rôm rả khi nhiều người dân đến góp chuyện. Nghe ông Mỹ kể, họ cười hào sảng, thỉnh thoảng người này người kia thêm vào những câu chuyện mới đầy thú vị liên quan đến ông Mỹ. Thế mới thấy hết, tình yêu thương của họ dành cho ông là quá đỗi chân tình.
Không chỉ làm đường cho dân đi, ông còn đào hàng chục cái giếng bơm nước cho người dân tưới tiêu ruộng đồng. Đưa chúng tôi ra thăm đồng làng Cẩm Sa, ông Mỹ kể, ruộng đồng Cẩm Sa tuy trù phú nhưng hệ thống mương nước còn quá ít. Xưa, mỗi lần cần nước pha thuốc trừ sâu hay nước tưới tiêu, bà con phải gồng gánh ở các ao cách đó rất xa.
Sự cực nhọc của dân làng lại khiến “lão bao đồng” đăm chiêu, nghĩ ngợi. Nhưng đào đâu ra tiền mà tính chuyện xây mương, xây thủy lợi. Không có tiền, ông bỏ công ra đào giếng. Ngày này qua ngày khác, ông cứ kiên trì, tỉ mẩn như thế, từ năm 2014 đến nay, nhìn đi ngoảnh lại số giếng ông đào và lắp bơm cũng cả chục cái, cung cấp nguồn nước cho đồng ruộng Cẩm Sa.
“Kể không hết công của ông Mỹ đâu chú ạ. Ví như ngày trước, nước ở làng đa phần nhiễm phèn mặn. Hàng trăm hộ dân phải mua nước ngọt về uống, với giá gần 200.000 đồng/tháng. Nhưng từ khi ông Mỹ xây giếng bơm cũng ngay trên đất này, không hiểu sao nước từ giếng của ông lại ngon, ngọt lạ thường. Có lẽ do trời thương ông ấy. Bà con cứ đến lấy nước dùng thoải mái”, một người dân cười tít mắt khoe với chúng tôi.
“Tui nói ổng tốt một cách kỳ lạ! Thử hỏi những người bán dạo từ Hội An ra Đà Nẵng đi sớm về khuya qua làng ai không biết nơi ông Mỹ đặt chiếc bơm, chai xăng để khi non lốp thì bơm, khi hết xăng thì ghé lấy mà dùng. Những người này sau đó tự mua chai xăng khác để lại chỗ cũ cho những người tiếp theo. Việc tốt cứ thế mà nhân lên, lan tỏa đi”, anh Trần Thái Hoàng, trú khối Cẩm Sa nói chen vào.
Hành thiện giúp đời là vậy, nhưng ít ai biết rằng đã gần chục năm nay, ông mang trong mình căn bệnh thấp khớp biến chứng nặng. Hiện tại, chân phải ông hầu như không thể co lại khiến ông luôn khập khiễng, trong khi cả gia đình hiện sống phụ thuộc vào thu nhập ít ỏi từ việc sửa xe đạp, ít lúa khoai trồng được trang trải cơm áo.
“Thú thật là gia đình tui thuộc hộ nghèo. Còn tui thì kệ, khập khiễng mà còn đi lại được là mình cứ đi làm”, nghe ông giãi bày, tôi vừa khâm phục vừa thấy xót xa.
Công dân ưu tú của địa phương Trao đổi với chúng tôi, ông Đàm Quang Trung, Chủ tịch UBND phường Điện Nam Bắc vui vẻ khi “khoe” người con ưu tú của địa phương. Theo lời ông Trung, mấy chục năm qua, ông Mỹ nhận được hàng chục bằng khen, giấy khen của phường, thị xã Điện Bàn và tỉnh Quảng Nam, Trung ương vì những cống hiến cho quê hương. |
* Bài viết được đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật
Nhâm Thân