Những phận đời lang bạt, cùng bị bệnh phong gặp nhau và dìu nhau đến làng phong Bến Sắn sinh sống. Tưởng chừng cuộc sống của họ đã chấm dứt khi tay chân bị bệnh ăn mòn, người đời và cả người thân kỳ thị, xa lánh nhưng, những con người khốn khổ ấy vẫn vươn lên, kết đôi và sinh ra nhiều thế hệ con cháu lành lặn. Để rồi, các thế hệ sau, tự tin rời làng học tập, làm việc và kết hôn.
Hồi sinh từ làng phong
Làng phong Bến Sắn (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) được thành lập vào năm 1959, khi những người đầu tiên đến đây để trốn tránh xã hội vì bị bệnh phong ăn mòn cơ thể. Những người bị bệnh do gia đình đưa đến hoặc tự tìm đến rồi ở đây suốt hơn 50 năm qua. Là thế hệ đầu tiên đến làng, cụ Lê Văn Biền (SN 1941) cho biết, hầu hết những người bị bệnh phong đến làng khi tuổi đời còn rất trẻ. Mặc cảm bệnh tật nên dù bệnh đã chữa lành, họ vẫn không rời làng mà ở lại sống cùng những người cùng cảnh ngộ. “Sau những năm tháng quy tụ về đây chữa bệnh, lớp người tiên phong của làng như tôi phải lặng lẽ gánh chịu sự e dè của những người bên ngoài. Hồi đó, nhiều người không dám giao tiếp, trao đổi hàng hóa với những cư dân của làng phong. Mỗi khi chúng tôi ra chợ mua đồ thường nhận được thái độ dè chừng của người bên ngoài, nói gì đến chuyện đem hàng bán cho họ, hay cùng tham gia lao động, học tập...”, cụ Biền buồn bã kể.
Giờ đây, sự mặc cảm đó không còn nữa, những người sinh ra từ làng phong Bến Sắn đã sống hòa nhập với cộng đồng. Những đứa trẻ không còn sợ người ngoài biết mình là con của làng phong, họ ra ngoài học tập, không ít người khi tốt nghiệp lại quay về làng, phục vụ trong khu điều trị phong của làng phong Bến Sắn. Rồi những người con làng phong lớn lên, thành đạt, lập gia đình với những người không mắc bệnh.
Cặp vợ chồng sống với nhau hơn 35 năm tại làng phong Bến Sắn. |
Những ngôi nhà lụp xụp giờ đây được thay thế bằng những ngôi nhà tường xây, dù còn hoang sơ. Những cành mai tốt tươi sống từ mùa Tết năm trước đã bắt đầu khoe những nụ đầu tiên trong nhưng ngày đầu năm mới. Những đứa trẻ vô tư cười nói, rượt đuổi nhau trên những còn đường nhỏ ngoằn ngoèo. Làng phong bây giờ không còn những di chứng khủng khiếp như trước. Người trong làng hòa hiếu, tiếp đãi những người khách rất thân tình.
Dạo một vòng trong làng, chúng tôi cảm nhận được sự hồi sinh mạnh mẽ, dù những con đường nằm giữa 2 hàng cây vẫn còn là đường đất, đá sỏi. Cuộc sống không cho họ quyền lựa chọn, tự thân họ vươn lên, thế hệ này tiếp nối thế hệ kia, dù khó khăn, nhưng khi được hỏi, mọi người đều tin tưởng vào tương lai. Để rồi, từ làng phong, những thế hệ sau lớn lên, trưởng thành, lập nghiệp...
Và những mảnh ghép cuộc đời
Làng được chia làm 4 khóm, ngoài khu điều trị bệnh và khu dưỡng lão, làng phong còn có khóm cho những người độc thân và khóm đôi bạn. Ngạc nhiên với tên gọi khóm đôi bạn, chúng tôi tò mò và được giải thích đó là khu vực dành cho những người có vợ, có chồng. Ở đó có hàng chục cặp vợ chồng mà cả 2 đều bị bệnh phong. Những đôi chân không thể tự bước đi, những bàn tay không còn nguyên vẹn, bệnh phong đã cướp đi nhiều bộ phận trên cơ thể của họ. Trong những con người ấy, liệu có còn những khát khao sống, những tình yêu nữa hay không? Câu hỏi ấy được những cặp vợ chồng ở làng phong Bến Sắn trả lời chắc nịch, rằng trong họ luôn khát khao về tình yêu, về trách nhiệm và bổn phận của mình. Ông Nguyễn Văn Bảy thổ lộ rằng, ông mắc bệnh từ lúc còn trẻ, cơ thể bị ăn mòn mỗi ngày. Có lúc, ông nghĩ cuộc đời đã rơi vào bế tắc, tuyệt vọng. Thế nhưng, từ ngày gặp được bà Trần Thị Nương (SN 1965, cũng mắc bệnh phong), những suy nghĩ buồn chán trong ông hầu như không còn nữa, cuộc đời đã rẽ sang một hướng khác tốt đẹp hơn.
Cũng như bao đôi lứa khác, họ vẫn cố gắng sinh hoạt, làm việc dù gặp nhiều khó khăn do khiếm khuyết cơ thể. Để rồi, trong những căn phòng đơn sơ, hai người cùng cảnh ngộ sẽ gắn bó với nhau cho đến cuối đời.
Theo cụ Lê Văn Biền, ngay từ khi mới lập làng, người bệnh có cả nam và nữ. Ngày ấy, bệnh phong là tứ đại nan y, những người mắc đều tuyệt vọng nên sống lay lắt, chẳng ai dám nghĩ sẽ có thể sống tới già. “Chúng tôi đồng cảm và dựa vào nhau mà sống, tôi và vợ mình – bà Lê Thị Xe (SN 1951) thân thiết nhau từ những đồng cảm và quyết gắn bó. Chúng tôi cũng khao khát tình yêu, rồi những đứa con cứ thế ra đời trong niềm vui vô tận, khi chúng chẳng mắc các chứng bệnh như cha mẹ mình”, cụ Biền cho biết.
Vợ chồng cụ Biền có 3 người con, ai cũng khỏe mạnh. Giờ đây ở tuổi gần bát tuần, hai cụ đã có gần chục đứa cháu cả nội và ngoại. Nhớ lại những tháng ngày khổ cực cả tinh thần và vật chất, cụ Biền bộc bạch: “Ngày trước khổ lắm, bữa đói bữa no, từ khi những đứa con ra đời, tôi và vợ phải cố gắng gấp bội. Vợ chồng tôi nhịn ăn, nhịn mặc cho chúng ăn học, may mắn đứa nào cũng học giỏi, lại có hiếu”.
Trải qua mấy chục năm, những người con của vợ chồng cụ Biền chẳng rời làng, mà quyết ở lại, sống cùng cha mẹ. “Đó là niềm hạnh phúc lớn lao mà vợ chồng tôi được hưởng khi tuổi già”, cụ Biền bộc bạch.
Cụ Lê Văn Biền – thế hệ những người bị bệnh phong đầu tiên đến làng giờ đây đã được sống an nhàn bên con cháu. |
Những người được hưởng hạnh phúc tuổi già như vợ chồng cụ Biền không hiếm ở làng phong. Bởi thế hệ thứ 2, thứ 3 của làng vẫn quyết tâm trở lại sau khi ra ngoài học tập, để được sống gần cha mẹ. Hay có những người như vợ chồng ông Trịnh Ngọc Bảy, bà Hoàng Thị Tuân dù có duy nhất 1 người con gái, nay con gái lấy chồng phải đi nơi khác sống, nhưng họ vẫn vui vì con của họ sẽ có cuộc sống tốt hơn.
Những cặp vợ chồng như ông Bảy, bà Tuân, hay những cặp vợ chồng bị bệnh phong khác vẫn hằng ngày tự chăm sóc nhau, người còn tay thì đút cơm cho người tàn phế, người còn chân thì đẩy xe giúp người không chân. Dù cuộc sống khó khăn, bữa cơm đạm bạc nhưng tình người thì vẫn ấm áp, tràn đầy... Họ tàn, nhưng không phế khi luôn lạc quan về một ngày mai, con cháu họ sẽ thành đạt, và chính họ sẽ được hái trái ngọt từ những khổ đau do họ đã cố gắng, cùng nhau vươn lên.
Thế nhưng, trong những niềm vui và niềm tin về ngày mai tươi sáng, vẫn còn đó những người lặng lẽ sống, đơn độc nhưng họ cũng có những khát khao. Những người già nhất như cụ Lê Ngọc Anh (80 tuổi, quê TP.HCM) hay những người bệnh trẻ nhất như chị Hồng (quê tỉnh Nghệ An) vẫn mong có một ngày, được người thân ghé thăm họ.
Niềm vui của những con người ấy là những lần khách lạ ghé thăm, chẳng phải vì họ có quà, mà vì họ thèm tình người. Hay họ vui khi chiếc xe máy chở đủ rau, cá, thịt, các loại bánh... như “cái chợ di động” vẫn đều đặn mỗi ngày chạy từ đầu đến cuối làng để bán thực phẩm cho người bệnh phong, là kết nối mỗi ngày giữa họ với thế giới bên ngoài.