Cuộc sống bấp bênh của những hộ di dân thủy điện Hòa Bình năm nào giờ đã trôi vào dĩ vãng, họ đã biến nguồn lợi thủy sản thành "bạc trắng" cải thiện đời sống.
Đổi đời nhờ nuôi cá lồng
Trong số những người nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình, gia đình chị Xa Thị Sen, người dân tộc Tày ở xóm Vôi (phường Thái Bình, TP.Hòa Bình) có thể coi là trường hợp điển hình.
Vốn là hộ di dân thủy điện Hòa Bình, bao năm làm nương, trồng ngô, trồng sắn, thậm chí là nuôi lợn, nuôi gà nhưng cuộc sống gia đình chị vẫn nghèo vẫn đói.
Thế rồi cơn gió đổi mới tràn tới, đời sống người dân khấm khá hơn, chị Sen đã nhìn thấy được cơ hội cải thiện cuộc sống. Từ chục năm trước, chị đã bàn với chồng vay mượn để làm một lồng nuôi cá trắm cỏ dưới lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Sở dĩ chị chọn trắm cỏ vì loài này dễ sống, lớn nhanh và ít bệnh. Hơn nữa, thức ăn cho chúng chỉ là cỏ nên chị dễ kiếm.
Chỉ Sen trồng cỏ voi để cung cấp thức ăn cho đàn cá trắm cỏ. Ảnh: Dân Việt |
Mỗi con cá trắm cỏ sau hơn 1 năm nuôi đạt trọng lượng 5- 6kg, với giá bán hiện nay là 90.000 đồng/kg, mỗi con cá, chị Sen thu được gần nửa triệu đồng. Mỗi lồng, chị Sen thả 200 con cá trắm cỏ, cuối năm thu được khoảng 9 tạ cá thịt thương phẩm, thu trên 80 triệu đồng.
“Ngày tôi chỉ cho chúng ăn có 1 bữa mà chúng lớn như thổi. Lúc tôi mua cá trắm giống ở tỉnh Phú Thọ tầm 3 con/kg. Sau 1 năm nuôi, chúng đã đạt trọng lượng 5 - 6kg/con, với giá bán cá trắm cỏ loại to như này thì cứ bán 1 con thu về gần nửa triệu đồng”, chị Sen chia sẻ.
“Nuôi cá trắm cỏ ở hồ thủy điện Hòa Bình nhàn lắm, ngày tôi cho cá trắm ăn 1 bữa. Cỏ voi tôi trồng được, nên chẳng tốn chi phí là bao. Tôi chỉ cho cá trắm ăn cỏ, nên thịt của chúng thơm ngon, rắn chắc, chứ không bở như loài cá trắm cỏ nuôi ao hồ cho ăn cám công nghiệp. Khách ở thành phố Hòa Bình gọi điện mua cá trắm cỏ loại to suốt ngày. 6 lồng cá trắm cỏ nhà tôi mà chả có lúc nào đủ hàng bán cho họ”, chị Sen tự hào khoe.
Chị Sen đang cân cá, để bán cho khách hàng. Ảnh: Dân Việt |
Chả thế mà từ một lồng nuôi ban đầu, giờ gia đình chị đã có 6 lồng nuôi. Mỗi năm trừ đi chi phí, chị dễ dàng thu về hơn 200 triệu đồng.
Suốt 10 năm nuôi cá trắm cỏ theo hướng hữu cơ, chị Sen có tiền tiêu rủng rỉnh. Chị Sen đã đưa gia đình thoát khỏi hộ nghèo. Gia đình chị làm được ngôi nhà xây 2 tầng bề thế bên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, đẹp như một honestay, cách con chị được ăn học đến nơi đến chốn.
Làm giàu ngay tại quê hương
Trường hợp như gia đình chị Sen không phải là hiếm. Những năm gần đây, chỉ tính riêng tại xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc (Hòa Bình), đã có gần 800 lồng cá với khoảng 300 hộ gia đình tham gia phát triển nghề nuôi cá lồng, đem lại thu nhập rất cao cho người dân.
Anh Hợi trên các lồng nuôi các dưới hồ thủy điện. Ảnh: TTXVN |
Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) ông Xa Văn Thức chia sẻ, năm 2018 nhờ nghề nuôi cá lồng, thu nhập bình quân toàn xã đạt 20 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm xuống còn 59,86%. Để đạt được kết quả cao hơn nữa, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của người dân, cần có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng nhằm tạo điều kiện giúp các hộ dân phát triển mô hình nuôi cá lồng; hướng tới mục tiêu hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.
Hộ gia đình anh Lê Đình Hợi ở xóm Túp, xã Tiền Phong, đã bắt đầu nuôi cá lồng từ năm 2000 với 3 lồng cá. Nhờ chăm chỉ học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, tích cực tham khảo sách, báo để nâng cao kỹ thuật, được ngân hàng chính sách hỗ trợ... Đến nay, gia đình anh đã phát triển được 16 lồng cá, chủ yếu là giống cá trắm đen, lăng, chép, chiên… Ngoài ra, gia đình anh Hợi còn cung cấp con giống cho bà con trong toàn xã. Năm 2018, gia đình anh bán ra thị trường trên 6 tấn cá, thu về hơn 400 triệu đồng/năm, lợi nhuận sau chi phí đạt gần 200 triệu đồng.
Vùng nuôi cá trên lòng hồ Hòa Bình. Ảnh: Vietnamnet |
Chị Bùi Thị Hòa cùng xã chia sẻ, nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ để thúc đẩy phát triển nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ Hoà Bình. Qua đó tạo niềm tin, khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư phát triển, mở rộng diện tích, lồng nuôi cá. Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng phối hợp với các ban ngành, đoàn thể sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án lồng ghép để nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nghề nuôi cá lồng cho bà con nhân dân ở địa phương...
Cá trắm đen hàng chục cân trong lồng nuôi trên hồ Hòa Bình. Ảnh: Vietnamnet |
Tính đến nay, trên cả lòng hồ thủy điện Hòa Bình, hiện có vài nghìn lồng nuôi với những con cá lăng, cá trắm đặc sản to như bắp đùi, nặng hàng chục cân chỉ chờ ngày kéo lên, giao cho các nhà hàng lớn nhỏ khắp miền Bắc. Không những vậy, nhiều gia đình ở đây còn đầu tư, nâng cấp quy trình chăn nuôi để sản phẩm cá đạt tiêu chuẩn VietGAP và sớm trở thành các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Có được thành công như hiện nay, ngoài sự trợ giúp của nhà nước chính quyền địa phương, còn có sự đóng góp không nhỏ của những con người dám nghĩ dám làm, luôn cố gắng, nỗ lực tìm hướng thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Minh Khôi(T/h)