Nhờ biết nhìn xa trông rộng, từ hàng chục năm trước, khi còn đói nghèo, mặc kệ người đời chê bai, ông Thiệp đã ngày ngày lên núi trồng cây để giờ thành tỷ phú của vùng.
Ông Thiệp trở thành tỷ phú nhờ rừng cây gỗ quý có tuổi đời 20 năm tuổi. |
Ông Bùi Văn Thiệp ở bản Kiến Xương, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, là tấm gương tiêu biểu của việc làm giàu nhờ biết tận dụng tài nguyên rừng đồi. Hai vợ chồng ông hiện sở hữu 18ha rừng toàn những cây gỗ quý như nghiến, lát, tếch, lõi thọ... có tuổi đời hơn 20 năm, giá trị hàng tỷ đồng.
Ông Thiệp cho biết, từ những năm 1996, ông đã ngày ngày "mò" lên lên núi đá trồng cây gỗ nghiến, cây gỗ lát dù mọi người gọi là "khùng" do gia cảnh đói nghèo, ăn không đủ no.
Ông Thiệp kể: "Năm 1996, Đảng và Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho các hộ dân sinh sống gần rừng, tôi đã mạnh dạn nhận 18ha để chăm sóc và bảo vệ. Khi đó, rừng ở 2 núi đằng sau nhà chủ yếu đồi trọc, cây bụi và dây leo, những cây gỗ nghiến cổ thụ người ôm không xuể gần như bị phá hết, chỉ còn lại các cây nghiến con to bằng cổ tay".
Sau khi được giao rừng, ngày ngày ông Thiệp lại ngược dốc lên núi, cứ chỗ nào trống là ông nhổ thêm cây nghiến và mua thêm cây lát ở ngoài về trồng. Cứ như vậy, ngày qua ngày, ông Thiệp đã trồng được gần 1.000 cây gỗ nghiến; trên 1.300 cây gỗ lát.
Cây gỗ chu vi cả vòng tay người ôm được gia đình ông Thiệp trồng từ nhiều năm nay. |
Ông Thiệp chia sẻ thêm: "Năm 2002, 18ha rừng được giao cho gia đình tôi chính được cấp sổ đỏ. Lúc này, tôi mua thêm cả nghìn cây tếch và cây gỗ lõi thọ về trồng. Sau hơn 20 năm trồng và chăm sóc, đến nay, số lượng cây nghiến, cây lát to nhất cũng đạt chu vi khoảng 40cm; còn lại cây tếch, lát cũng to bằng thân người trưởng thành".
Khu rừng tếch của gia đình ông Thiệp, thân cây thẳng tắp như những cột chống trời. |
Và khu rừng ông vất vả trồng nên ngày nào giờ đã không phụ lại chủ nhân của chúng. Chưa nói đến giá trị tiền tỷ của những cây gỗ quý, mỗi năm, cứ "đều như vắt chanh" ông Thiệp lại bỏ túi 9 triệu đồng từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng từ ngành chức năng do khu rừng thuộc lưu vực sông Đà.
Có giá trị là vậy nhưng ông Thiệp chưa có ý định chặt rừng bán gỗ. Gia đình ông Thiệp còn có 3 ha đất trồng chè, cà phê, mận hậu, đào và 1ha cây cà phê mang lại giá trị kinh tế khả quan. Mặc dù vậy, phần lớn thu nhập chính của ông lại đến từ cây sa nhân trồng xen dưới tán rừng gỗ quý.
Thu nhập chính của gia đình ông Thiệp đến từ rừng sa nhân trồng xen dưới tán rừng. |
“So với các loại cây trồng khác, sa nhân là cây có giá trị kinh tế cao nhất và đầu tư ít nhất. Năm 2016, với diện tích 5.000m2 đất trồng sa nhân, nhà mình thu được 3 tạ quả khô. Với giá 1 triệu đồng/cân khô lúc đó, tôi cũng đút túi 300 triệu đồng. Mặc dù, năm 2017, sa nhân mất mùa và xuống giá nhưng vẫn có hơn trăm triệu tiền lãi để tiêu pha. Mà cây sa nhân nó mọc dưới tán rừng gỗ, mình chỉ chăm sóc, phát cỏ chứ có mất chi phí gì nhiều...” – ông Bùi VănThiệp phấn khởi nói.
Sa nhân là loại cây dược liệu quý, mang lại giá trị kinh tế rất cao. |
Theo ông Bùi Văn Thiệp, trồng cây sa nhân, trách nhiệm giữ rừng và bảo vệ rừng cực kỳ tốt. Vào mùa khô ông Thiệp cùng với nhân công mỗi người, một ngày phải trực gần như 24/24 trên rừng để bảo vệ “miếng cơm” của mình.
"Mùa hanh khô, cán bộ kiểm lâm lo gấp 10 lần thì tôi lo gấp 100 lần bởi nếu xảy ra cháy rừng tôi là người thiệt hại hơn cả. Ngày nào tôi cũng phải tuần rừng 24/24. Những ngày bận quá thì phải móc hầu bao ra thuê người khác trông coi hộ, nếu xảy ra cháy là mất ăn ngay..." - ông Thiệp bộc bạch.
Đứng dưới tán rừng gỗ quý cao vút tỏa bóng mát, ông Thiệp quả quyết: "Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục chăm sóc, bảo vệ tốt khu rừng của mình và trồng mới thêm những diện tích đất trống còn lại để khôi phục những cánh rừng nguyên sinh trước đây. Qua đó, góp phần giữ gìn "lá phổi xanh" chung cho mọi người...".
Minh Khôi (T/h)