Đang đỉnh cao mùa dịch sốt xuất huyết nên các phường, xã, trường học, gia đình ở Hà Nội đều phun thuốc diệt muỗi. Nhiều người do lo lắng quá mức còn tìm mua các loại kem, gel, dung dịch bôi, thuốc xịt lên da để chống muỗi, côn trùng. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, dùng thuốc sai cách sẽ rước độc vào người.
Dị ứng vì thuốc diệt muỗi, chống côn trùng
Mấy ngày qua, hàng chục học sinh trường THCS Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội) bị nổi mẩn ngứa, cay mắt sau khi nhà trường phun thuốc chống sốt xuất huyết.
Liên quan đến việc học sinh gặp “sự cố” trên, các bậc phụ huynh của trường THCS Quang Trung đã nhận được thông báo qua sổ liên lạc điện tử với nội dung: “... Có một số con bị phản ứng thuốc muỗi gây mẩn ngứa. Nếu học sinh nào mẩn ngứa nhiều, cô giáo cho nghỉ học. Bố mẹ tra thuốc tra mắt cho các con. Nếu ngứa thì chườm đá. Trong trường hợp mẩn mề đay thì cho uống thuốc dị ứng...”.
Được biết, nhà trường đã cho phun thuốc phòng chống sốt xuất huyết. Một ngày sau khi phun thuốc, nhà trường đã cử các lao công mở cửa lớp học, lau bàn ghế, vệ sinh... nhưng có thể do cơ địa của một số học sinh nhạy cảm dẫn đến bị hiện tượng trên. Hoặc sau khi phun, hơi thuốc vẫn bám vào tường, trong lúc chơi đùa một số học sinh chạm phải dẫn đến nổi ngứa.
Nhiều người dân mua thuốc diệt muỗi về phòng dịch. |
Tại khu dân cư, một số bà mẹ cũng than phiền vì người nhà bị dị ứng sau khi phun thuốc diệt muỗi. Bà Nguyễn Thu Hải (Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, khu dân cư nhà bà đang có dịch sốt xuất huyết, nhiều người phải nhập viện điều trị. Để phòng dịch, bên cạnh việc cán bộ y tế phường đi phun thuốc, các hộ đều tự trang bị thuốc chống muỗi dạng xịt về phun.
“Nhà có cháu nhỏ nên con dâu tôi cũng mua thêm các loại kem chống muỗi về bôi phòng muỗi, côn trùng. Thế nhưng, gần đây, hễ bôi thuốc là cháu bị mẩn đỏ, quấy khóc nên gia đình tôi không dùng thuốc bôi chống muỗi cho cháu nữa. Xịt thuốc diệt muỗi nhiều thì sợ mùi nồng nặc, khó chịu, chúng tôi cũng chẳng biết làm sao”, bà Hải kể lại.
BS. Phạm Hồng Lãnh, bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, nguyên nhân bị dị ứng với thuốc diệt muỗi là do da quá mẫn cảm với các thành phần của thuốc, đặc biệt là trẻ nhỏ rất dễ bị dị ứng với thuốc phun diệt muỗi. Dị ứng còn do phun thuốc kém chất lượng, không che phủ đồ trước khi phun, nhà cung cấp không nhắc nhở khách hàng về vấn đề an toàn, hoặc do thiếu sót từ nhà cung cấp dịch vụ. Dị ứng cũng hay gặp phải ở trường học, gia đình nếu sau khi phun thuốc muỗi đóng kín cửa.
Dùng sai cách, rước độc vào người
Các chuyên gia y tế cảnh báo, dịch sốt xuất huyết đang hoành hành tại Hà Nội và một số địa phương khác, việc phòng chống dịch là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, người dân cũng không nên lạm dụng các loại thuốc diệt muỗi phun trong nhà hay kem chống côn trùng, gel đuổi muỗi... bôi lên da, tránh tác dụng phụ của sản phẩm đến sức khỏe.
Theo ghi nhận của PV, hiện trên thị trường rao bán rất nhiều sản phẩm đuổi muỗi, diệt kiến ba khoang... Phần lớn người bán đều cam kết thuốc không gây hại cho trẻ, tuy nhiên theo khuyến cáo của BS.Văn Thế Trung, bệnh viện Da liễu TP.HCM, khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào vào cơ thể, mọi người cũng nên biết thuốc chứa thành phần gì? Với các loại thuốc chống muỗi (dạng kem, gel, dung dịch bôi, thuốc xịt...) đều có chung một thành phần chính là thuốc DEET. Dù có tỷ lệ thấp nhưng hóa chất DEET không phải là vô hại. Đặc biệt, thuốc chống muỗi được dùng nhiều cho trẻ em nhưng trẻ em lại là đối tượng dễ bị tác dụng phụ nhất từ việc sử dụng các sản phẩm này.
“Các loại thuốc chống muỗi đều có khả năng tác động lên hệ hô hấp và ảnh hưởng đến làn da của bé. Một số loại hóa chất tổng hợp có trong thuốc chống muỗi có thể nguy hiểm cho cơ thể bé khi chúng xâm nhập vào trong da. Vì vậy với trẻ nhỏ, nên sử dụng thuốc dạng nước hoặc kem thay vì thuốc phun xịt. Với những bé dưới 6 tháng tuổi, tốt nhất không nên cho bé dùng thuốc chống muỗi; trẻ trên 6 tháng tuổi, nên tránh dùng kem chống muỗi bôi trực tiếp lên da”, BS.Trung tư vấn.
Cũng theo BS.Trung, nếu bôi thuốc chống muỗi kéo dài và bôi nhiều cũng có thể gây hại cho da. Đôi khi còn xuất hiện các tác dụng phụ như phản ứng kích ứng (da đỏ lên, rát, bong vảy) hoặc gây dị ứng da (da sưng nề, đỏ lên, ngứa, mụn nước li ti hoặc có mủ...). Những trường hợp viêm da cơ địa (cả trẻ em và người lớn) do có làn da rất mẫn cảm nên cẩn thận khi sử dụng các sản phẩm chống muỗi.
Ngân Giang