+Aa-
    Zalo

    Lạ lùng tục “cưới khất nợ” của cô dâu người Jrai

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Gọi là “đám cưới khất nợ” bởi sau khi thành vợ chồng, nhà gái phải có trách nhiệm tổ chức lại đám cưới cho đúng phong tục, nếu như trước đó chưa có điều kiện làm.

    (ĐSPL) – Người dân tộc Jrai theo truyền thống mẫu hệ, phụ nữ được tự do lựa chọn người yêu và chủ động việc hôn nhân. Đám cưới của người Jrai do nhà gái tổ chức rất quy mô và tốn kém. Vì thế, chuyện nhiều cô gái gia đình nghèo, khi bắt chồng về phải “khất nợ cưới” với nhà trai và buôn làng không còn xa lạ.

    Bắt chồng về nhà gái

    Để hiểu vì sao người Jrai có tục cho các cô dâu “khất nợ cưới”, PV báo Đời sống & Phát luật có dịp dự một đám cưới tại huyện Ia Grai (Gia Lai). Đám cưới được tổ chức ở nhà gái, có đầy đủ lễ nghi, tức là cô dâu không phải “khất nợ cưới” như nhiều đám khác.

    Lạ lùng tục “cưới khất nợ” của cô dâu người Jrai

    Đám cưới của người Jrai luôn là một ngày hội của buôn làng.

    Sau lễ cưới, chú rể theo cô dâu về nhà gái và bắt đầu cuộc sống hôn nhân mà không được nhận tài sản thừa kế từ nhà nội. Trái lại, con gái lấy chồng lần lượt tách khỏi cha mẹ ra ở riêng và phân chia một phần tài sản. Con cái của họ sinh ra đều mang họ mẹ.

    Nhưng để đưa được chú rể về nhà, gia đình cô dâu phải chuẩn bị các lễ vật khá cầu kỳ và tốn kém, như: Bộ đồ truyền thống của người Jrai cho anh em ruột thịt bên nhà chú rể, 2 con bò, vài ghè rượu… Ngoài ra, nhà cô dâu còn chuẩn bị quà để biếu họ hàng bên nhà chú rể. Đối với những nhà có điều kiện, họ chuẩn bị lễ vật lớn hơn và tổ chức đám cưới linh đình hơn.

    Lạ lùng tục “cưới khất nợ” của cô dâu người Jrai

    Nhà Rông là địa điểm thường được lựa chọn cho tổ chức những ngày lễ lớn, trong đó có cả đám cưới.

    Khác với các đám cưới của nhiều dân tộc khác là gia đình nhà trai phải lo phần thiết đãi khách, người Jrai lại bắt gia đình cô dâu lo toàn bộ chi phí mời khách đến dự đám cưới. Đám cưới hoàn toàn giao khoán cho nhà gái, nhà trai chỉ đến tham dự và nhận lễ.

    Đám cưới của người Jrai tổ chức linh đình trong hai ngày liền. Trong hai ngày đó, khách mời được nhà gái tổ chức cho ăn uống no say. Một điều thú vị nữa là khách đến dự đám cưới không cần mang quà mừng mà chỉ đến ăn. Những vị khách trong làng tới dự đám cưới có “quyền” khó tính với nhà gái. Nhà cô dâu phải thiết đãi tận tình với khách và chỉ cần vài chi tiết không “ưng bụng” là đám cưới đó gặp rắc rối.

    Cưới xong, còng lưng… trả nợ

    Với hình thức đám cưới “độc và lạ” của người Jrai, chỉ một số gia đình có điều kiện mới tổ chức nổi cho con gái. Anh Joih Iabal, một người vừa tổ chức đám cưới xong, cho biết: “Chi phí cho một đám cưới mà nhà gái bỏ ra lên tới vài chục triệu. Xong đám cưới, nhà gái chỉ còn cách còng lưng làm trả nợ. Đôi khi vì hoàn cảnh khó khăn, nhiều nhà trong buôn làng phải chạy vạy gần xa để mượn trâu, mượn bò để lo cưới chồng cho con".

    Lạ lùng tục “cưới khất nợ” của cô dâu người Jrai

    Rượu cần là thức uống chính trong đám cưới, mọi người trong hôn lễ thường say sưa tới nhiều ngày

    Để tránh tình trạng các cô gái nhà nghèo không lấy được chồng, người Jrai đề ra tục lệ cho “cưới khất nợ”. Nhiều gia đình nhà gái không đủ tiền tổ chức đám cưới nên đành thỏa thuận với nhà trai làm “đám cưới khất nợ”.

    Gọi là “đám cưới khất nợ” bởi sau khi thành vợ chồng, nhà gái phải có trách nhiệm tổ chức lại đám cưới cho đúng phong tục. Những lễ vật nào còn nợ họ hàng nhà trai, nhà gái phải sắm cho đủ để trả lại. Còn thời gian tổ chức đám cưới, họ hàng hai bên và dân làng không bắt buộc, chỉ khi nào đủ điều kiện mới tổ chức đám cưới chính thức.

    “Đám cưới khất nợ” được tổ chức đơn giản hơn đám cưới chính thức. Khi cô dâu và chú rể đã ưng nhau, chỉ cần vài lễ vật nhỏ và một ghè rượu, có sự chung vui của hai gia đình là trở thành vợ chồng. Sau đó, hai vợ chồng phải lo làm lụng kiếm đủ tiền để trả nợ lễ vật cho nhà trai và nhất là đám cưới thiết đãi dân làng. Đám cưới trở thành cái “nợ” cho những gia đình nghèo cho tới khi trả xong mới yên tâm.

    Joih Iabal tâm sự: “Nợ nào, chứ nợ này sẽ theo suốt đời cho tới khi trả được mới thôi. Chưa trả được nợ, mọi người còn nhắc mãi. Có những đôi vợ chồng trong làng quá nghèo không trả được nợ, đến chết cũng không được yên. Chết mà chưa trả hết “nợ cưới”, họ còn không cho chôn chung cùng gia đình bởi người Jrai có tập tục khi chết chôn tập thể trong nhà mồ”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/la-lung-tuc-cuoi-khat-no-cua-co-dau-nguoi-jrai-a46827.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan