Sau gần 20 năm sống trong rừng sâu cùng đàn con thơ dại, ông chuyển chỗ ở. Hàng ngày, ông vẫn nhìn về phía cánh rừng xanh tốt, hùng vĩ mà nhớ những cảnh cũ...
Ông bảo: “Hằng đêm trong giấc ngủ chập chờn, những tiếng gào thét vẫn hiện về, như bám chặt vào trí óc, khiến tôi không thể nào quên. Gần 20 năm sống trong rừng không chỉ có sự vất vả thiếu thốn, mà còn những mất mát đau thương. Tôi đã phải chứng kiến sự ra đi của người vợ thân yêu cùng đứa con trai trong vô vọng”.
Người rừng lóng ngóng hòa nhập
Vượt con đường dài gập ghềnh sỏi đá, chúng tôi tìm về xã Bình Long, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên đúng vào đợt gió mùa Đông Bắc tăng cường. Sương mù dày đặc và rét đến tái tê. Thật may mắn, không khó để tìm ra nơi ở mới của “người rừng” Nguyễn Văn Lũy. Chỉ cần đặt chân đến mảnh đất này, hỏi bất kỳ ai họ cũng có thể kể vanh vách về quá khứ của người đàn ông khắc khổ, một thời được mệnh danh là "người rừng" ở chốn thâm sơn cùng cốc này.
|
Ông Nguyễn Văn Lũy - người đàn ông hơn 10 năm sống kiếp người rừng. |
Trong căn nhà vách gỗ trống huơ trống hoác, anh Nguyễn Văn Ánh (40 tuổi), con trai thứ ba của ông Lũy ngồi nhâm nhi tách trà nóng. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về cuộc sống của cha mình, anh Ánh thở dài: “Không chỉ cha tôi mà tất cả gia đình đều có biết bao kỷ niệm khi sống gần 20 năm trong rừng. Tuổi thơ của anh em tôi là chuỗi ngày đói rét, ốm đau, bệnh tật; là những lần ẩn nấp, lẩn trốn sự truy sát của bọn thổ phỉ, là sự đau đớn khi chứng kiến cái chết của anh trai và người mẹ thân yêu… Mọi việc đã thành quá khứ, nhưng với cả gia đình tôi, đó mãi là những kỷ niệm không thể nào quên”.
Gần 20 năm gắn bó với rừng, những người trong gia đình ông Lũy sống sót nơi thâm sơn cùng cốc bằng nhiều kỹ năng riêng biệt. Bởi thế, khi hòa nhập cộng đồng, họ bỡ ngỡ và xa lạ với những nếp sống mới, khiến cảm giác nhớ rừng lúc nào cũng hiện hữu trong trí óc. Anh Ánh tâm sự: “Thỉnh thoảng nhớ quá, bố tôi lại trốn lên rừng ở một thời gian. Gần đây nhất là năm 2008, bố lại bỏ vào rừng, mặc cho con cháu khuyên can. Đến năm 2011, khi chúng tôi lên đón và phá ngôi nhà trong rừng, ông mới chịu về sống với con cháu. Chúng tôi còn trẻ nên thích nghi với cuộc sống mới dễ dàng, chứ ông đã ở tuổi gần đất xa trời, việc thay đổi nếp sống là tương đối khó khăn”.
Những ngày kinh hoàng ở rừng già...
Sau gần một tiếng băng rừng, vượt suối theo sự chỉ dẫn của anh Ánh, chúng tôi đến khu vực ông Lũy thả trâu. Nhìn vẻ nhanh nhẹn bề ngoài, ít ai có thể ngờ rằng, người đàn ông này đã bước sang tuổi 80. Thấy chúng tôi, ông ngạc nhiên quan sát rồi cất giọng sang sảng. “Các chú là ai, sao lại tìm đến tận đây? Đến xem trâu hả? Sao không thấy thằng Ánh nhà tôi đi cùng?”. Chúng tôi vội vànggiải thích và trình bày ý định của mình, ông Lũy mới “à” lên một tiếng. Rất cởi mở, ông bảo: “Tưởng chuyện gì, chứ chuyện đó qua lâu rồi. Tôi không quen sống ở nhà vì ồn ào quá nên chỉ muốn quay lại rừng. Nhưng hai năm trước, mấy thằng con lên rừng phá mất ngôi nhà của tôi. Tôi không còn sức để làm nhà mới nữa, nhớ rừng và nhớ nhà lắm. Bọn nó không cho vào rừng, giờ tôi chỉ còn cách vào đây chăn trâu để vơi bớt nỗi nhớ”.
Cũng theo ông Lũy, cơ duyên khiến ông đến với núi rừng này cũng vì ước muốn một lần được đi bộ đội. Ngày đó, ông khao khát được cống hiến cho đất nước, nhưng vì thiếu cân nặng và thiếu chiều cao nên lần nào xét tuyển cũng bị thất bại. Ông nhẩm tính đã bị đánh trượt khoảng 20 lần. Ông kể, mình sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Tại quê nhà, ông nhiều lần xung phong đi bộ đội nhưng không được. Ông Lũy đành khăn gói lang thang khắp các tỉnh Tây Bắc từ Hòa Bình cho đến Sơn La, Cao Bằng… để tình nguyện đăng ký đi bộ đội nhưng vẫn bị lắc đầu. Cứ thế, cuộc sống run rủi, đẩy ông về mảnh đất này, rồi sau đó thành “người rừng”.
|
Anh Nguyễn Văn Ánh, con trai thứ ba của ông Lũy. |
“Sau những tháng ngày lang thang, tôi nên duyên vợ chồng với một người phụ nữ ở Lạng Sơn. Sống với nhau khoảng một năm, chúng tôi về định cư ở mảnh đất Bình Long này. Nhưng thời đó, vì không có hộ khẩu nên chính quyền không cho gia đình tôi ở, bắt chuyển đi nơi khác. Đầu những năm 1970, tôi bàn với vợ chuyển vào sâu trong mép rừng để ở. Khi đó, gia đình chúng tôi thường bị bọn thổ phỉ đến cướp bóc của cải và lương thực. Có lần, bọn chúng còn định cắt cả tai của tôi. Sau lần ấy, vì lo sợ nên tôi đã đưa cả gia đình vượt núi, băng rừng và chọn hang đá giữa rừng làm nơi trú ngụ”, vừa nói ông vừa giơ tai phải của mình cho chúng tôi xem. Ông tiếp tục: “Bọn thổ phỉ đã cắt một miếng tai này đấy”.
Theo lời kể của ông Lũy, gần 20 năm sống trong rừng là biết bao khó khăn vất vả, đặc biệt khi 7 người con lần lượt ra đời. Ông Lũy bảo, ngày đó, mọi thực phẩm đều tự cung tự cấp. Lúa ngô trồng được bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Những ngày ở trong rừng, ông Lũy đã biến cuộc sống của mình trở về như thời nguyên thủy. Họ cũng săn bắn, cũng hái lượm. Những tưởng gia đình ông sẽ gắn bó suốt cuộc đời với cánh rừng này. Thế nhưng, sau hai cái chết thương tâm của cậu con trai và người vợ thân yêu, cùng sự động viên, giúp đỡ của các chính quyền ở địa phương, ông Lũy đã đưa các con quay trở lại, hòa nhập với cuộc sống.
… và nỗi nhớ rừng
Vừa dẫn chúng tôi tìm về khu vực hang đá, nơi trước đây ông Lũy từng dựng nhà sinh sống, ông vừa kể: “Ở đó giờ cỏ mọc um tùm. Ngày cả gia đình ở đó, tôi đã nhiều lần muốn đưa bọn trẻ chạy trốn khỏi rừng. Nhưng nó rộng lớn quá, tôi chạy mãi không được. Có lẽ, cánh rừng này sẽ bao trùm lấy tôi trong suốt quãng đời còn lại. Số phận quá nghiệt ngã khi đưa đẩy tôi sống cảnh cô đơn giữa rừng già, lại nỡ bắt đi những người thân yêu nhất của tôi”, ông Lũy nghẹn ngào khi nhắc lại quá khứ.
|
Con đường vào nơi trú ngụ trước đây của ông Lũy phải băng rừng, vượt suối, rất khó khăn, vất vả. |
Là người hết lòng vì gia đình, cái chết thương tâm của đứa con trai thứ tư khiến ông luôn cảm thấy đau thắt tâm can. Ông Lũy xúc động: “Tôi nhìn thấy con trai chết mà không cứu được. Nó bị trượt chân bên sườn núi đá khi đang mải mê đuổi theo một con nai. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in buổi chiều định mệnh ấy. Những cành cây, mỏm đá dính những vệt máu đỏ lừ vẫn hiện về trong giấc mơ của tôi. Sau cái chết của đứa con thứ 4, vợ tôi cũng lâm bệnh nặng vì quá đau buồn, rồi qua đời không lâu sau đó”.
Vì thế, núi rừng không chỉ là nơi ông đã sinh sống, mà còn là linh hồn của người con trai xấu số và người vợ đoản mệnh của ông. Vì lẽ đó, ngày nào không được nhìn thấy rừng, ông Lũy không thể nào yên. Thậm chí, có thời gian bị bệnh nặng, ông vẫn nằng nặc bắt các con phải cho vào rừng. Xin đi không được, ông buồn bã bỏ ăn. Các con ông đành thay nhau cõng cha vào chân núi. “Nếu bố tôi không thể quên được rừng, hãy cứ để ông nhớ và sống với nó, chúng tôi không cho ông vào rừng sống nữa, ông đã già yếu lắm rồi”, anh Ánh nói với chúng tôi như vậy.
Trời đã về chiều, chúng tôi cùng ông chia tay cánh rừng già, nơi đôi chân ông Lũy không muốn rời bước. Ông đã đưa các con về hòa nhập với cộng đồng, với làng xóm nhưng chính ông lại thấy xa lạ, để rồi lúc nào cũng nhớ da diết vạt rừng cũ. Nhiều lần đã hứa sẽ không bao giờ trở lại chốn xưa, nhưng chân ông cứ vô thức tìm về. Lúc đi qua con suối, ông Lũy chợt giật mình khi nhìn thấy dòng nước lại đỏ ngầu. Hình ảnh cái chết của người con trai lại hiện về, ông tự lên tiếng trấn an: “Nước đổi màu do mấy con trâu làm lở đất ở phía đầu nguồn đấy mà”. Ông Lũy lặng lẽ bước về phía bản, phía sau lưng ông là dãy núi cao chót vót.
Các con “chặn đường” về rừng của cha Nhớ lại việc phá bỏ ngôi nhà trong rừng, các con ông Lũy bảo, họ đành phải “ác” với quá khứ để cha không lên rừng nữa. Khi chúng tôi hỏi về ông Lũy, anh Ánh cho biết: “Ông vừa đi chăn trâu, chắc lại vào khu vực chân núi nơi trước đây đã từng sống. Từ ngày về sống với vợ chồng tôi, ông vẫn liên tục đòi về rừng. Nhưng vì sức đã yếu, mắt đã mờ đục nên ông đành bất lực. Giờ ông ở nhà phụ giúp tôi trông mấy con trâu thôi”. |
Theo Đời sống & Hôn nhân
Xem thêm clip về những cây cầu treo ở Tây Bắc:
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-uc-dam-nuoc-mat-cua-nguoi-dan-ong-20-nam-song-kiep-nguoi-rung-a23660.html