(ĐSPL) - Gặp Nguyễn Hữu Thái Hòa vào những ngày cuối tháng 4 là một điều thú vị. Câu chuyện của anh dường như là câu chuyện chung của cả giới trẻ sau 30/4/1975.
Những điều trông thấy
Hỏi Thái Hòa về ký ức ngày 30/4/1975, anh bảo: lúc ấy một đứa trẻ 6 tuổi như anh có biết gì đâu. Đang tuổi chơi tuổi học, những biến chuyển của đất nước, của xã hội thời điểm đó rất mờ nhạt. Sáng 30/4/1975, ba anh về qua nhà được khoảng 15 phút, và dặn mẹ anh rằng: nếu có chiến sự xảy ra, thì đưa các con chạy về hướng Gò Vấp. Đó là hướng của quân giải phóng…
Nhà của Thái Hòa ở trong cư xá sĩ quan Chí Hòa. Sau thời điểm 1975, Thái Hòa chứng kiến có thêm nhiều quân nhân cấp cao cách mạng vào ở. Đám con nít hai miền Nam – Bắc suốt ngày đánh nhau chí chóe.
Rồi sau đó, Thái Hòa chứng kiến những điều không công bằng trong chính gia đình mình khi ông nội là sĩ quan cấp tá của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), còn ba mình, ông Nguyễn Hữu Thái, lại theo cách mạng. Khi thi vào Đại học Kiến trúc TP.HCM, chính yếu tố lý lịch này cũng khiến Thái Hòa gặp một số trở ngại. Thái Hòa bảo, chính vì những thực tế đó mà sau này, anh càng thấm thía hơn lời của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Một chiến thắng vĩ đại của dân tộc mà khi nhắc đến có hàng triệu người vui, cũng có hàng triệu người buồn”.
Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt ngày 31/3/2005 phát biểu trên báo quốc tế: Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. |
Năm 1990, Thái Hòa sang Canada theo diện đoàn tụ gia đình và du học tại Đại học Bách khoa Ryerson, Toronto. Trước đó, anh đang là sinh viên năm thứ 4 Khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Đại học Kiến trúc TP.HCM. Sang tới nơi bảng điểm của Thái Hòa cần phải được dịch sang tiếng Anh. Cầm bản dịch bảng điểm do một tổ chức của người Việt tại Canada chuyển ngữ, Thái Hòa bật khóc. Vì người ta đã cố tình “giáng cấp” anh từ sinh viên năm 4 xuống… học sinh lớp 11. Với tấm bằng này anh không thể đủ điều kiện để học đại học tại đây. Khi Thái Hòa đem bản dịch này tới trường Đại học Ryerson, thì đại học này không chấp nhận.
Không chịu thua, Thái Hòa viết thư cho Hiệu trưởng trường Đại học Ryerson, và cam đoan rằng: anh là sinh viên năm thứ 4 của Đại học Kiến trúc TP.HCM, và anh có thể dạy được cho sinh viên đang theo học năm thứ 2 của trường này. Cũng may, vị Hiệu trưởng đó cho Thái Hòa cơ hội để chứng minh. Một cuộc phỏng vấn, 30 phút đọc và thuyết trình một đồ án kiến trúc. Thái Hòa đã chứng minh cho vị Hiệu trưởng thấy, anh đủ điều kiện học đại học. Thậm chí anh còn được đặc cách học năm thứ 2. Anh đau lòng nhận ra mình bị chính đồng bào của mình tại hải ngoại gây khó dễ.
Thái Hòa thả mình trong một ca khúc Da Vàng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hồi tháng 11/2013, thời điểm cuốn sách "Hành trình của một sinh viên Sài Gòn: từ chiến tranh đến hòa bình" của ông Nguyễn Hữu Thái được chính thức phát hành. |
Hồi mới sang Canada, Thái Hòa tham gia vào Hội sinh viên Việt Nam tại đây. Anh hát hay, đàn giỏi, hoạt động văn nghệ hăng hái, được cộng đồng sinh viên tại đây rất hoan nghênh. Thế nhưng sau này, khi anh “bị phát hiện” là con trai của ông Nguyễn Hữu Thái, anh bị cộng đồng người Việt tại đây “tẩy chay”, dù trong thâm tâm của những người đứng đầu Hội Sinh viên Việt Nam, anh vẫn là người đáng quý, đáng mến!
Đến lúc ấy, anh cảm nhận rõ hơn về “một dòng sông chia rẽ” có thật trong tâm tư, tình cảm của người Việt sau 1975. Anh hiểu rõ hơn vì sao ba mẹ anh và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có những điều buồn bã không nói thành lời.
Đi và ngộ
“Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Thái Hòa quyết tâm tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân những gì mình đã chứng kiến. Khi anh được Tập đoàn Schneider Electric, Pháp giao cho nắm giữ những chức vụ quan trọng, anh đi đến nhiều nơi trên thế giới. Anh đã đến Indonesia, Malaysia, Philippines… và dành thời gian tìm hiểu những nơi mà người Việt đã đến sau 1975.
Tại những nơi này, anh đã tìm hiểu thật kỹ cuộc sống của người Việt, những người thường được gọi là “thuyền nhân”. Anh đau lòng nhận ra rằng: những chia rẽ, hận thù vẫn còn in đậm, hằn sâu trong tâm khảm những người ra đi. Thực tế của gia đình anh khiến anh hiểu được phần nào những day dứt mà những người ra đi phải gánh chịu. Anh càng khao khát sự hòa hợp, hòa giải trong lòng người.
Mẹ Việt Nam...Ảnh: Internet |
Anh đã từng có những cuộc tâm sự chân tình với những người phía bên kia chiến tuyến định cư tại Hoa Kỳ. Gia đình họ có những nỗi đau mất người thân khi lênh đênh trên biển. Họ có những lý do và nỗi đau không dễ gì phai nhạt. Anh kể với họ về những bà Mẹ Việt Nam có tới 9 bằng liệt sĩ trên bàn thờ. Anh hỏi họ, nỗi đau nào lớn hơn? Và câu trả lời chỉ là sự im lặng
Cuối cùng, anh quyết định trở về Việt Nam dù vẫn biết còn nhiều khó khăn phía trước. Nhưng lúc nào anh cũng tin: nếu cả dân tộc Việt Nam can đảm nhìn nhận và đi đến tận cùng những nỗi đau, thì tương lai của dân tộc vẫn còn rất sáng lạn.
Ước mơ một Nobel Hòa Bình cho Việt Nam
Đi nhiều nơi, nghiền ngẫm những nỗi đau, nhìn sang các quốc gia láng giềng, Thái Hòa giờ đây đang mơ về một Nobel Hòa Bình cho Việt Nam.
Anh nói: hãy nhìn sang Nhật Bản, một quốc gia đã phải gánh chịu những thảm họa chiến tranh khủng khiếp, mà đỉnh điểm phải kể đến Nagasaki và Hiroshima. Sau chiến tranh, người Nhật Bản “gặm nhấm” nỗi đau, và tự hỏi xem vì sao đất nước này phải hứng chịu những thảm họa như thế. Họ chân thành nhìn nhận về quá khứ “phát xít” của mình và dùng nỗi đau ấy để vươn lên, để tránh những “thảm họa chiến tranh” trong tương lai. Nagasaki, Hiroshima vừa là biểu tượng của chiến tranh, vừa là biểu tượng của hòa bình.
Nhìn lại Việt Nam và quá khứ đau thương mà dân tộc đã trải qua, Thái Hòa cho rằng: Việt Nam đã từng là “trái tim của nhân loại” khi mà hầu hết các quốc gia, kể cả Hoa Kỳ đã luôn đặt Việt Nam trong những ưu tiên hàng đầu giai đoạn trước 1975. Tình cảm của các dân tộc trên thế giới luôn hướng về Việt Nam, và mong cho Việt Nam hòa bình trong giai đoạn đó. Vậy Việt Nam ngày nay cần phải lấy lại vị thế “trái tim nhân loại” đã từng có trước đây.
Hai người lính từ 2 bên chiên tuyến tại vùng giáp ranh Quảng Trị năm 1973. Đây là một trong những bức ảnh hiếm hoi về những người lính hai chiến tuyến trên chiến trường chụp chung với nhau - Ảnh: Chu Chí Thành -TTXVN |
Địa đạo Củ Chi, Thành Cổ Quảng Trị, Vĩ tuyến 17… theo anh Thái Hòa, là những biểu tượng tiêu biểu của cuộc chiến 1954 – 1975. Những địa danh này còn là dấu chứng lớn lao nhất cho ý chí, tinh thần và khao khát thống nhất, hòa bình của dân tộc Việt Nam. Xét về tầm vóc và ý nghĩa, những mất mát đau thương tại những địa danh này hoàn toàn có thể sánh ngang với những mất mát, đau thương tại Hiroshima, Nagasaki của Nhật Bản.
Những việc anh đang thực hiện, những điều anh đang trăn trở, đến một lúc nào đó, anh tin rằng sẽ phải có một Nobel hòa bình cho cuộc chiến này, cuộc chiến mà dân tộc đã phải trả những giá rất đắt; cuộc chiến mà ý nghĩa và mục đích cuối cùng của nó chỉ gói gọn trong niềm mơ ước đã trở thành hiện thực: hòa bình và thống nhất.
Hãy đi đến tận cùng nỗi đau “Người Việt Nam vốn dĩ hòa vi quý, nhưng đặc tính này cũng nảy sinh một vấn đề khác. Đó là tính đại khái, dễ cho qua, ít đi đến tận cùng”, anh Thái Hòa nhận định. Để nỗi đau chia rẽ của dân tộc thực sự được hóa giải, thì cả hai bên cần phải nói cho hết, “đi đến tận cùng” những nỗi đau mà cả dân tộc phải gánh chịu. Vì xét cho đến cùng, đã là người Việt Nam, ai cũng muốn đất nước, quê hương, xứ sở được phát triển, có thể ngẩng cao đầu với các dân tộc, các quốc gia khác trên thế giới. Ước mơ hòa bình, thống nhất đã thành hiện thực. Vậy chỉ còn một điều quan trọng nữa, là thống nhất và hòa bình trong tâm hồn Việt Nam. |