+Aa-
    Zalo

    Kỳ thi vào lớp 10 năm 2025 -2026 ở Hà Nội : Còn nhiều tâm tư

    (ĐS&PL) - Kỳ thi vào lớp 10 năm 2025 -2026 là kỳ tuyển sinh đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, không ít các phụ huynh, học sinh bày tỏ sự lo lắng.

    Trăn trở của học sinh và phụ huynh

    Kỳ thi vào lớp 10 năm 2025 -2026 là kỳ tuyển sinh đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. So với chương trình cũ, nhiều môn được dạy tích hợp như Lịch sử - Địa lý và Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học). Vì thế, đề thi sẽ mang một "diện mạo" mới theo đúng tinh thần của đổi mới.

    Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng thông báo về cấu trúc định dạng đề 7 môn thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của thành phố theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục công dân và Tin học.

    Nhiều học sinh bày tỏ sự lo lắng trước 1 kỳ thi mới. (Ảnh minh họa)

    Nhiều học sinh bày tỏ sự lo lắng trước 1 kỳ thi mới. (Ảnh minh họa)

    Từ nhiều ngày nay, trên các diễn đàn mạng xã hội, thông tin tuyển sinh vào lớp 10 vẫn đang là chủ đề thu hút sự quan tâm của dư luận và đặc biệt là các bậc phụ huynh Hà Nội. Không ít các phụ huynh, học sinh bày tỏ sự lo lắng trước 1 kỳ thi hoàn toàn mới với cấu trúc đề thi cũng được cho là “mới lạ” so với mọi năm.

    Trao đổi với PV ĐS&PL, em Đỗ Ngọc Nhi, Trường THCS Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết: “Kỳ thi vào 10 là cột mốc quan trọng trong đời học sinh, đánh dấu bước chuyển mình sang chặng đường mới. Với các thí sinh sinh năm 2010 như chúng em thì lo lắng, hoang mang hơn cả khi kỳ thi vào lớp 10 năm nay sẽ là kỳ tuyển sinh đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018. Chúng em vẫn đùa với nhau là mình “chuột bạch”  thử nghiệm sách mới, cách thức thi mới nên lúc nào cũng tràn ngập những suy nghĩ về những đề thi, những kiến thức còn chưa hoàn thiện. Như các anh chị khóa trước còn dựa vào đề thi các năm để ôn tập, rèn luyện thêm những dạng câu hỏi quen thuộc, nhưng đối với chúng em đang phải “làm quen” với dạng đề thi mới nên cũng rất lo lắng, sợ không bắt nhịp được với cách ra đề mới này”.

    Em Đỗ Ngọc Nhi.

    Em Đỗ Ngọc Nhi.

    Cùng tâm trạng này với Nhi, em Tuấn Anh (trường THCS Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Khi chưa công bố đề thi minh họa, em cũng lo lắng chưa vạch ra được phương pháp ôn tập cho kỳ thi vào 10 sắp tới. Tuy nhiên, khi đọc đề thi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mới công bố em cũng nhẹ nhõm đôi chút bởi theo em đánh giá, về cơ bản nội dung các câu hỏi chủ yếu vẫn bao quanh các mảng kiến thức trong SGK, có sự khác biệt là những câu hỏi thực tế nhiều hơn ạ. Là những thí sinh đầu tiên tham dự kỳ thi áp dụng Chương trình GDPT 2018 chúng em không tránh khỏi được tâm trạng căng thẳng, lo lắng”.

    Không chỉ các thí sinh, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự lo âu trước 1 kỳ thi quan trọng của các con. “Là bố của 1 học sinh năm nay sẽ thi vào lớp 10 theo chương trình mới,  tôi rất lo lắng vì 2 lý do sau: thứ nhất, nhìn vào “ma trận” các đề minh họa, hầu hết đều yêu cầu từ kiến thức ở mức Thông hiểu và Vận dụng.  Như vậy học sinh sẽ phải học cật lực để có thể đạt được điểm 8,9. Thêm vào đó, chúng tôi được biết là khi làm bài thi môn Văn, kiến thức sẽ không nằm trong SGK mà học sinh phải viết bằng ngữ liệu và hiểu biết của mình, điều này khiến cho phụ huynh chúng tôi rất hoang mang không biết hướng cho con học và ôn thi theo cách nào.

    Thứ hai,  với dự kiến 3 môn thi trong đó Văn Toán bắt buộc và bốc thăm 1  trong 5 môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục công dân và Tin học. Như vậy là từ bây giờ đến lúc biết được môn thi chính thức con tôi phải học khá nặng với 2 môn Toán – Văn, và phải phân bổ thời gian để có thể học đồng đều 5 môn còn lại. Đây quả thật là một áp lực khá lớn đối với con tôi và phần lớn các bạn của cháu”, anh Tường Quân (trú tại Hà Đông, Hà Nội chia sẻ).

    Không cần quá lo lắng

    Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, đề minh họa được các chuyên gia, giáo viên có kinh nghiệm xây dựng trong khoảng 3 tháng. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để Sở làm ngân hàng câu hỏi và biên soạn đề thi chính thức.

    Sau khi công bố đề minh hoạ, nhiều thầy, cô giáo nhận định đề minh họa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026 được biên soạn rõ ràng, đánh giá được mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo chuẩn “đầu ra”, tạo sự đổi mới trong phương thức kiểm tra đánh giá theo định hướng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

    Theo thầy Nguyễn Mạnh Cường - giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI, đề thi minh họa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Toán của Sở GD&ĐT Hà Nội năm học 2025-2026 có cấu trúc khá tương đồng so với đề thi các năm trước đó theo  trình giáo dục phổ thông 2006. Đề thi vẫn gồm 5 bài Toán lớn, mỗi bài gồm nhiều ý nhỏ được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó, thời gian làm bài thi là 120 phút. Nội dung đề thi có sự tăng cường hợp lý một số yếu tố liên quan đến các ứng dụng thực tiễn nhằm từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học theo Chương trình GDPT 2018.

    Cũng đưa ra quan điểm về đề thi minh họa, cô Võ Minh Huyền (giáo viên trường THCS Thanh Xuân Nam cho biết, đề minh họa môn tiếng Anh năm 2024-2025, về cấu trúc câu hỏi có khoảng 20% về mức độ nhận biết, 40% thông hiểu và 40% vận dụng. Đề có tính phân hóa cao, vì vậy nếu học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt điểm từ 7-8 điểm. Những thí sinh nắm vững kiến thức, biết phân tích cấu trúc câu, đoán nghĩa của từ dựa vào ngữ cảnh có thể đạt trên 8 điểm. Muốn đạt trên 9 điểm học sinh phải biết vận dụng linh hoạt từ và cấu trúc câu, và có vốn hiểu biết chung về các lĩnh vực khác vì để có tích hợp kiến thức về kỹ năng sống, lịch sử, địa lý….

    Cô Võ Minh Huyền.

    Cô Võ Minh Huyền. 

    Cũng theo cô Huyền, điểm mới của đề minh họa năm nay so với các năm trước là có các câu hỏi về đọc-hiểu các biển hiệu, điền câu vào chỗ trống để hoàn thành đoạn văn, sắp xếp câu theo thứ tự rồi điền vào chỗ trống để hoàn thành đoạn văn. Những dạng bài này yêu cầu học sinh phải có tư duy logic, phân tích chỗ trống dựa vào dấu câu, nghĩa của những câu cạnh đó để chọn đúng câu/mệnh đề cần điền vào. 

    “Nhìn chung kiến thức trong đề minh họa bao phủ toàn bộ kiến thức trong sách giáo khoa. Vì vậy phụ huynh không cần quá lo lắng, chỉ cần nhắc nhở con nắm vững kiến thức đã được trang bị. Tránh kiểu học mẹo, học tủ. Tránh tư tưởng chủ quan, chờ vận may trong phòng thi”, cô Huyền nhấn mạnh thêm.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/ky-thi-vao-lop-10-nam-2025-2026-o-ha-noi-con-nhieu-tam-tu-a461867.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan