Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Báo Đời sống Pháp luật có dịp trò chuyện cùng Bác sỹ Chuyên khoa I Nguyễn Văn Tuấn - Khoa Đột quỵ não Học Viện quân y 103.
- Thưa bác sỹ, cơ duyên nào đưa ông đến với nghề Y, nghề thầy thuốc chữa bệnh cứu người?
- Tôi xuất thân từ con em nông dân, từ nhỏ chỉ biết đến cái cuốc, cái liềm… lớn lên cha mẹ cho ăn học và tôi ham thích các môn khối A. Không có định hướng từ trước theo ngành Y nhưng đến lúc nộp hồ sơ tôi chọn thi trường Học viện Quân y vì nghĩ rằng học trong môi trường quân đội sẽ rèn cho mình sự kỷ luật, và quan trọng hơn nữa là không mất tiền, có thể đỡ đần cha mẹ.
Bác sỹ Chuyên khoa I Nguyễn Văn Tuấn - Khoa Đột quỵ não Học Viện quân y 103. |
Sau khi trúng tuyển, ngồi trên ghế giảng đường Học viện Quân Y tôi đã định hướng đường con đường mà mình lựa chọn. Càng theo học, sự cuốn hút của kiến thức y khoa càng khiến tôi say đắm và không ngừng muốn hướng đến.
Kiến thức sách vở chỉ là kinh điển, tiếp cận thực tế mới là điều khó và nó mang lại cho tôi những kinh nghiệm vô cùng phong phú. Học y là vậy, học phải đi đôi với hành, quãng thời gian 7 năm tại Học viện Quân y cho tôi nhiều điều, đó là trải nghiệm với nghề, thực tế với nghề và tư duy với nghề…
Càng theo học, tôi càng cảm thấy tự hào với con đường mà mình đã chọn, nghề y là nghề cao quý, chữa bệnh cứu người.
- Bác sỹ có thể chia sẻ một số kỷ niệm đáng nhớ trong suốt quá trình hơn 20 năm công tác trong ngành y?
- Đã hơn 20 năm cống hiến cho ngành y, chữa trị rất nhiều và kỷ niệm cũng không ít. Tuy nhiên có hai kỷ niệm đáng nhớ nhất, và nó cũng là kinh nghiệm rút ra cho tôi trong quá trình làm nghề.
Kỷ niệm thứ nhất là trường hợp cứu sống một bé gái vùng cao. Năm 2000 (thời điểm mới ra trường), tôi được Học viện phân lên làm bác sỹ ở một bệnh xá trên Yên Bái. Nơi đây là khu vực xa xôi, trang thiết bị thiếu thốn đủ đường. Bác sỹ đóng vai trò quyết định và kiêm nhiều khâu vì không có người hỗ trợ.
Hôm đó, có một bé gái 14 tuổi nhập viện vì bị khoảng 30 con ong bò vẽ (ong đất) đốt. Bé gái nhập bệnh xá đơn vị trong tình trạng huyết áp tụt, có lúc không đo được huyết áp, rối loạn cơ vòng, mạch không bắt được… đây là trường hợp “thập tử nhất sinh” khiến tôi vô cùng lo lắng.
Sau khi khám xét đánh giá nhanh, tôi xác định đây là trường hợp sốc phản vệ do ong bò vẽ đốt, cần phải xử trí cấp cứu nhanh tại chỗ, nếu vận chuyển lên tuyến trên em bé có thể sẽ bị tử vong trên đường đi. Lúc đó, bản thân một anh bác sỹ mới ra trường phải đấu tranh với rất nhiều áp lực, nào là lo sợ bệnh nhân bị tử vong tại bệnh xá, nào là trang thiết, thuốc men thiếu thốn, không có sự trợ giúp nào khác của đồng nghiệp…
Trong giây phút thập tử nhất sinh ấy, đã phải cân nhắc việc sử dụng tiêm truyền adrenalin tĩnh mạch, chống dị ứng bởi nó có thể là “thần dược” nhưng cũng sẽ là “độc dược” nếu không được dùng đúng cách. Với sự tự tin về việc hiểu thuốc, dùng đúng liều lượng và bản lĩnh của một bác sỹ, tôi đã quyết định cho bệnh nhân sử dụng loại thuốc này và rất may đã đạt được hiệu quả như mong muốn. Sau khi tiêm thuốc, tình trạng bệnh nhân thay đổi nhanh chóng, mạch nổi dần và huyết áp tăng, và cháu bé được cứu sống sau 30 phút sinh tử. Kỷ niệm này đem đến cho tôi nhiều bài học, đầu tiên giúp tôi trau dồi bản lĩnh với nghề, điều thứ hai, một bác sỹ phải hiểu về thuốc và dùng đúng thuốc trong bất cứ trường hợp nào.
Kỷ niệm thứ hai lại là một kỷ niệm buồn. Năm ấy, một bệnh nhân 50 tuổi được đưa vào Bệnh viện Quân y trong tình trạng đột quỵ, hôn mê sâu. Gia đình rất mong mỏi các bác sỹ có thể cứu sống bệnh nhân tuy nhiên mọi chuyện đã quá muộn.
Chuyện là trước đó 1 tuần, bệnh nhân đã xuất hiện cơn đau đầu dữ dội, gia đình đã tự mua thuốc giảm đau cho bệnh nhân sử dụng, sau đó đưa tới tuyến xã nhà. Nếu các bác sỹ tuyến dưới phát hiện kịp thời, chuyển lên tuyến chuyên khoa đột quỵ não điều trị lần đầu thì sẽ khỏi bệnh, không để lại di chứng. Tuy nhiên, người bệnh đã bị chảy máu não tái phát do vỡ phình động mạch não, đi vào hôn mê sâu ngay, sau một ngày thì tử vong. Người bệnh ra đi chóng vánh để lại nỗi tiếc thương, đau xót cho gia đình người bệnh và nỗi day dứt của những người thầy thuốc chúng tôi.
Kỷ niệm này khiến tôi cảm thấy day dứt, nuối tiếc. Giá như người bệnh đến bệnh viện tuyến chuyên khoa sớm hơn, giá như các tuyến dưới có thể ý thức được mức độ nguy hiểm của bệnh và chuyển lên tuyến chuyên khoa sớm hơn, thì người bệnh có thể được cứu chữa thành công.
Qua đây, tôi cũng muốn gửi lời cảnh báo tới cộng đồng cần cảnh giác với chứng đau đầu sét đánh, đó là chứng đau đầu đột ngột, dữ dội khắp đầu, đau cảm giác như vỡ nứt đầu, kèm theo buồn nôn hoặc nôn, mức độ nặng sẽ có rối loạn ý thức. Nếu phát hiện lần đầu phải lập tức tới cơ sở bệnh viện tuyến trên để được điều trị.
- Với những sinh viên đang và sẽ theo học ngành Y- Dược, bác sỹ có lời khuyên nào dành cho các em để giúp các em thành công hơn với nghề?
- Y- Dược là một ngành cao quý, cũng như bao ngành khác, muốn giỏi với nghề thì phải yêu nghề, biết yêu quý bệnh nhân, yêu quý hai từ “thầy thuốc” và trân trọng nó.
Ngành Y – Dược cũng có những đặc thù, chỉ yêu thôi chưa đủ mà cần phải có bản lĩnh, và không ngừng học hỏi. Muốn là một bác sỹ giỏi phải quyết tâm chiến đấu tới cùng với bệnh tật của bệnh nhân, không thỏa hiệp bằng lòng với những điều chưa rõ ràng ở người bệnh.
- Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, Bác sỹ có lời chúc gì muốn gửi gắm tới các đồng nghiệp?
Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, tôi xin gửi lời chúc tới toàn thể các đồng nghiệp, những người đã và đang cống hiến công sức, tâm lực cho ngành Y sức khỏe, giữ vững ngọn lửa yêu nghề, đam mê với nghề.
Xin cảm ơn và chúc sức khỏe bác sỹ!