Nguyên tắc thứ 1: Chọn thực phẩm an toàn
Chọn mua thực phẩm ở những nơi uy tín, có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng. Đối với nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm bao gói sẵn cần kiểm tra sản phẩm bên trong có còn nguyên vẹn hay không.
Nhãn mác phải thể hiện đúng, đầy đủ thông tin của sản phẩm (tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa; các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định.
Nguyên tắc 2: Nấu chín kỹ thức ăn
Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn là bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới trên 70 độ C.
Nguyên tắc 3: Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín
Thực phẩm nấu chín nguội dần khi để ở nhiệt độ thường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Thời gian để càng lâu, nguy cơ nhiễm khuẩn càng cao. Để đảm bảo an toàn, bạn nên ăn ngay thức ăn khi vừa được nấu chín.
Nguyên tắc 4: Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín
Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ cần phải giữ nóng liên tục trên 60 độ C hoặc lạnh dưới 10 độ C.
Việc bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm sau khi nấu chín đúng nhiệt độ, đúng cách, có phân biệt sống chín rõ ràng vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời giúp giảm thất thoát các chất dinh dưỡng của thực phẩm.
Đối với nhóm tươi sống như rau, quả khi mua về cần bảo quản trong tủ lạnh ở ngăn mát
Đối với nhóm thịt, cá, hải sản, nếu chưa chế biến ngay, cần bảo quản trong tủ đông lạnh
Nhóm trứng, sữa cần để ngăn mát tủ lạnh hoặc nơi mát trong nhà, tránh ánh nắng trực tiếp
Nhóm ngũ cốc hạt cần để nơi thoáng, khô ráo, tránh ẩm
Nguyên tắc 5: Hạn chế rượu bia và nước uống có ga
Trong nước ngọt có nhiều đường nên khi cơ thể hấp thụ nhiều sẽ tạo thành mỡ thừa dẫn đến tăng cân. Mặt khác khi uống rượu bia, các độc tố sẽ bị giữ lại gan gây ảnh hưởng đến sự trao đổi chất ở cơ quan này. Việc uống quá nhiều sẽ làm gan bị tổn thương khiến chức năng thải độc của gan giảm sút gây ảnh hưởng xấu đến sự tiêu hóa của cơ thể. Vì vậy, hãy thay thế nước ngọt bằng các loại nước ép và nước mát nhé.
Nguyên tắc 6: Cẩn thận với đồ ăn nguội
Mọi người thường mua thực phẩm để vào tủ lạnh dự trữ cho 3 ngày Tết nên đồ ăn không được tươi ngon. Những món ăn đặc trưng đó thường là chân giò hun khói, giò, chả, lạp xưởng, bò khô, xúc xích, giăm bông… Các thực phẩm này đều mặn, giàu chất béo nên không tốt cho những người cần kiêng muối và kiêng mỡ. Do đó, bạn nên ăn đồ tươi và nóng sốt hàng ngày bằng việc nấu cơm đều đặn, chế biến món rau xào hay những bát canh nóng hổi.
Nguyên tắc 7: Bổ sung rau xanh
Phần lớn thức ăn ngày tết thường giàu chất đạm, chất béo và ít vitamin như cá, thịt, giò chả, bánh kẹo… Bên cạnh đó, đây còn là những thực phẩm giàu năng lượng nên dễ gây tăng cân, béo phì. Do vậy, bạn nên ăn uống điều độ và khoa học, kết hợp nhiều rau xanh cùng trái cây tươi để bổ sung vitamin. Một đĩa rau xanh hay trái cây tươi mát sẽ là cách tốt nhất để bạn bớt ngán, đồng thời còn làm đẹp da và tránh tăng cân.
Nguyên tắc 8: Không để lẫn thực phẩm sống, chín
Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với nguyên liệu thực phẩm sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn (như dùng chung dao, thớt để chế biến thực phẩm sống và chín).
Thùy Dung(T/h)