+Aa-
    Zalo

    Kỳ bí chuyện giếng bị yểm bùa và sự tồn vong cả dòng họ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Câu chuyện về hai cái giếng bị yểm bùa và sự tồn vong của một dòng họ đã có từ bao đời nay, và vẫn được người dân ở làng Hà Đông, Diễn Cát, Diễn Châu, Nghệ An lưu truyền.

    Câu chuyện về hai cái giếng bị yểm bùa và sự tồn vong của một dòng họ đã có từ bao đời nay, và vẫn được người dân ở làng Hà Đông, xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An lưu truyền.

    Thực hư về bí mật về hai cái giếng có tên giếng Mai, giếng Táng và sự tồn vong của một dòng họ chúng tôi đã tìm về xã Diễn Cát để tìm hiểu câu chuyện trên.

    Kỳ bí giếng Mai

    Từ trung tâm TP. Vinh vượt quãng đường gần 50 km chúng tôi tìm về xã Diễn Cát để được tận tai nghe câu chuyện về giếng Mai, giếng Táng mà người dân nơi đây vẫn lưu truyền. Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, ngày trước làng Hà Đông có tên gọi khác là làng Quảng Hà thuộc xã Giang Triều, tổng Thái Xá.

    Trong làng khi đó có 16 dòng họ sinh sống bao gồm: Dòng họ Mai, họ Đàm, họ Hoàng, họ Trương, họ Cù, họ Võ… Thế nhưng, dòng họ Mai là một trong những dòng họ đầu tiên đến sinh sống và khai sinh ra ngôi làng này, chiếm số con cháu đông nhất trong cả làng.

    Kỳ bí chuyện giếng bị yểm bùa và sự tồn vong cả dòng họ
    Dấu tích được cho là của giếng Táng nằm giữa cánh đồng rộng mênh mông.

    Cuộc sống của con người suốt ngày bám vào đồng ruộng nên không mấy khá giả, và dòng họ Mai ngày đó cũng vậy, đông con, lắm cháu nên kinh tế của dòng họ cũng thuộc loại trung bình trong làng. Ngày đó, nếu gia đình nào muốn đào giếng thì phải xem thầy cẩn thận để tránh đụng vào long mạch mà mang họa.

    Để tránh điều đó, cụ tổ của họ Mai đã mời về một ông thầy địa lý người Tàu để làm lễ đào hộ dòng họ một cái giếng. Trước sự khẩn thiết của trưởng họ cũng như con cháu trong họ, ông thầy địa lý đó đã đồng ý giúp họ Mai đào giếng. Cẩn trọng xem hướng mảnh đất nơi họ Mai sinh sống, chỉ mất hơn một ngày cùng với sự giúp sức của các trai đinh, giếng nước đã hoàn thành.

    Cụ Phạm Thị Loan, một cao niên trong làng nhớ lại: “Để cảm ơn sự giúp đỡ của ông thầy địa lý này, con cháu dòng họ Mai ngỏ lòng muốn trả công cho thầy thật hậu hĩnh. Tuy nhiên, thầy địa lý im lặng chẳng nói chẳng rằng đi bứng một khóm tre về trồng bên cạnh cái giếng mới đào rồi nói lại với trưởng họ Mai ông sẽ không lấy tiền công bây giờ mà sẽ chờ khi bụi tre ông vừa trồng xuống lớn lên, đẻ măng, măng lại lớn thành tre thì ông sẽ quay lại đốn tre chẻ thành sợi lạt để xâu tiền (ngày đó còn sử dụng đồng tiêng có lỗ ở giữa)”. Nói xong, ông thầy địa lý bỏ đi, trước khi từ biệt, ông ấy còn đặt tên cái giếng mới đào là giếng Mai, nó tượng trưng cho cả dòng họ Mai tại làng Quảng Hà.

    Kỳ bí chuyện giếng bị yểm bùa và sự tồn vong cả dòng họ
    Giếng Mai - nơi khởi nguồn cho sự phồn thịnh một thời của dòng họ Mai.

    Giếng Mai có từ ngày đó, một điều kỳ lạ nữa là kiến trúc xây dựng thành của giếng Mai rất đặc biệt, toàn bộ cái giếng sâu khoảng 20m, thành giếng được ghép bằng sò tự nhiên, nhưng không cần dùng đến một thứ vôi vữa hay loại hồ kết dính nào. Từ khi có cái giếng, cả dòng họ Mai quả nhiên làm ăn ngày càng phát đạt, mùa màng bội thu nên cuộc sống của các thành viên trong họ khá lên trông thấy. Nước trong giếng đầy ăm ắp, trời dù có đại hạn, nước ở sông suối có cạn khô thì mực nước ở giếng Mai vẫn như cũ.

    Đặc biệt, vào mùa lũ, những cơn mưa làm cho nước giếng ở làng bị đục nhưng nước trong giếng Mai vẫn luôn trong vắt. Vì lý do đó, bao lần hạn lớn, giếng Mai cung cấp nước sinh hoạt cho cả làng Quảng Hà.

    Niềm vui có được giếng Mai như có được báu vật trời ban trong nhà, con cháu họ Mai ra sức bảo vệ báu vật đó. Nghĩ đến lời hẹn với ông thầy địa lý năm xưa, nghĩ rằng trong nay mai, có thể ông thầy đó tìm về và lấy tiền công như lời ông nói thì biết tính làm sao. Trưởng tộc dòng họ Mai đã mở cuộc họp bàn với các bô lão để tìm cách để khỏi phải trả tiền cho ông thầy địa lý nọ. Suy đi, tính lại, cuối cùng có người hiến kế, nếu trước khi ông thầy ra đi nói sẽ trở về khi bụi tre mọc măng, vậy thì chỉ có cách chặt hết măng đi thì lời nói đó không có cơ sở để thực hiện và dòng họ lại không bị mất tiền công nữa.

    Mọi người đều nhất trí thực hiện quyết định đó, từ đó, hễ có mầm măng nào nhú lên từ bụi tre của ông thầy địa lý trồng thì con cháu dòng họ Mai nhanh chóng chặt đi. Kỳ lạ thay, càng chặt bao nhiêu thì măng lại càng mọc nhanh bấy nhiêu, thậm chí trong một đêm mà măng mọc ra nhiều không kể xiết. Bấy nhiêu mầm măng mọc là bấy nhiêu lần con cháu họ Mai dùng dao chặt đi.

    Suy vong dòng họ vì lòng tham

    Thời gian cứ thế trôi đi, dòng họ Mai vẫn âm thầm thực hiện diệu kế mà họ cho là “thượng sách” để không phải trả công cho ông thầy địa lý. Khoảng mười năm sau, khi câu chuyện về tiền công đào giếng tưởng chừng như đã bị lãng quên thì một ngày nọ, ông thầy địa lý tìm về nhà trưởng tộc họ Mai. Khi nhìn thấy bụi tre chỉ lơ thơ vài ba cây tre nhỏ, ông biết rằng các mầm măng đã bị chặt đi, vẻ mặt thoáng thất vọng nhưng ông cũng không trách móc gì.

    Ngồi nói dăm ba câu chuyện phiếm, tuyệt nhiên ông không đả động gì đến chuyện tiền công đào giếng nữa mà ông còn ngỏ lời sẽ giúp dòng họ Mai đào thêm một cái giếng nữa. Nghe vậy, ông trưởng tộc họ Mai mừng lắm, ông nghĩ rằng, ông thầy này quả là cao tay ông ta chỉ mới ra tay đào giúp một cái giếng mà dòng họ của mình đã làm ăn phát đạt, ngày càng giàu có. Nếu ông ấy giúp đào thêm một cái nữa thì họ mình đã giàu lại càng giàu thêm.

    Ngay lập tức, ông trưởng tộc huy động mấy trai đinh mang thuổng, cuốc theo chân thầy địa lý đi đào giếng. Chiếc giếng mới này, theo lời kể của các cụ Loan thì rất khác so với cái giếng ban đầu, giếng sâu chỉ hơn 2m nhưng rộng gần một sào ruộng. Vừa đào xong nước đã trong xanh và ngọt mát vô cùng. Một bề được ghép bằng đá vôi để tiện lên xuống, bề còn lại để bờ tự nhiên. Trông từ xa cái giếng không có gì khác một thửa ruộng. Khi công việc đào cái giếng thứ hai hoàn tất, ông thầy địa lý đặt tên là giếng Táng.

    Vừa nghe thầy địa lý đặt tên giếng, khuôn mặt của trưởng họ Mai bỗng dưng biến sắc, ông liền hỏi lại thầy địa lý vì sao lại đặt tên giếng như vậy. Ông Thầy địa lý trầm ngâm nói rằng vì cả dòng họ tham lam, không muốn trả tiền công mà chặt hết măng tre đi. Và ông lớn tiếng mắng người dòng họ Mai, các người không biết, bao nhiêu mầm măng là bấy nhiêu tài lộc mà các người được hưởng, nhưng cũng chính tay các người đã chặt hết các mầm măng đó cũng chính là tự tay mình chặt hết tài lộc của mình. Giếng Táng vừa đào chính là quả báo của cả dòng họ, nó đã cắt đứt long mạch của dòng họ Mai.

    Từ đó, họ Mai làm ăn ngày càng sa sút, liên tục mất mùa, con cháu trong họ không hiểu mắc bệnh gì nhưng đều lần lượt chết trẻ. 10 năm sau, dòng họ Mai gần như tuyệt diệt tại làng Hà Đông, cụ Loan cho hay: “Nghe đâu, dòng họ Mai còn sót lại một người con gái lấy chồng xa, nhưng về sau người này cũng không có con cái gì cả, đến nay, cả làng Hà Đông không còn một ai mang họ Mai cả”.

    Kỳ bí chuyện giếng bị yểm bùa và sự tồn vong cả dòng họ
    Bà Hoa cho biết, bao lần hạn nặng mà nước trong giếng vẫn đầy ắp.

    Sau khi họ Mai mất đi, phần đất đai nhà thờ tổ của dòng họ bị bỏ hoang nhưng giếng Mai thì vẫn được người làng sử dụng. Có điều nước từ đấy không trong, ngọt như trước mà chuyển sang vị lợ. Vì thế nước giếng Mai chỉ được sử dụng để tắm, giặt còn ăn uống thì lấy nước ở giếng Táng.

    Về sau, ngôi làng Quảng Hà đổi tên thành làng Hà Đông bây giờ. Trải qua hai cuộc chiến tranh, và nhu cầu sử dụng ruộng đất, giếng Táng bị đất bồi và bị người dân san lấp. Bây giờ, giếng Táng chỉ còn lại là một vũng nước giữa cánh đồng rộng mênh mông mà chỉ những bậc cao niên trong làng mới biết. Đến năm 1986 phần đất có giếng Mai đã được gia đình ông Thái Doãn Long mua lại và sử dụng, nên giếng Mai vẫn được giữ nguyên hiện trạng cho đến ngày nay.

    Bà Nguyễn Thị Hoa vợ ông Long cho hay, từ khi chuyển đến sống cho đến nay, chưa khi nào bà thấy cái giếng cạn nước, cho dù gặp năm đại hạn nước trong làng khô hết thì nước trong giếng Mai vẫn nguyên vẹn và xanh trong. Cũng theo bà Hoa, có gia đình muốn thau rửa giếng vì lâu năm cây cỏ mọc um tùm, lá cây rụng xuống nhiều nhưng khi sử dụng máy bơm, bơm nước hẳn một ngày mà nước không cạn đi là mấy. 

    Câu chuyện về giếng Mai, giếng Táng bị yểm bùa cũng như sự tồn vong của dòng họ Mai trên mảnh đất ấy thực sự khiến người khác phải tò mò. Ngày nay tại làng Đông Hà vẫn không có một ai mang họ Mai sinh sống, người ta vẫn rỉ tai nhau rằng, mảnh đất nơi dòng họ Mai sinh sống ngày trước thiêng lắm, ở đó vẫn còn một ngôi mộ cổ nhưng không ai biết vị trí của nó.

    Ngoài ra, một số người dân cho hay thi thoảng về đêm người ta vẫn bắt gặp một ông lão râu trắng bạc phơ, chống gậy đứng trước nhà ông Long nhìn vào đầy vẻ tiếc nuối. Dù không có ai chứng minh được câu chuyện trên hoàn toàn có thật, nhưng sự tồn tại của giếng Mai, giếng Táng và sự suy vong của dòng họ Mai thực sự tồn tại trong lòng người dân làng Hà Đông cho đến tận ngày nay.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-bi-chuyen-gieng-bi-yem-bua-va-su-ton-vong-ca-dong-ho-a40709.html
    Nước giếng làm cây héo lá rồi chết

    Nước giếng làm cây héo lá rồi chết

    Người dân ở xóm Mới, thôn 2, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum đang rất lo lắng khi phát hiện nguồn nước giếng đào đang sử dụng có thể làm cây cỏ héo lá và chết.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Nước giếng làm cây héo lá rồi chết

    Nước giếng làm cây héo lá rồi chết

    Người dân ở xóm Mới, thôn 2, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum đang rất lo lắng khi phát hiện nguồn nước giếng đào đang sử dụng có thể làm cây cỏ héo lá và chết.

    Giếng nước ngọt kỳ lạ giữa biển Đông

    Giếng nước ngọt kỳ lạ giữa biển Đông

    Trên đảo Lý Sơn, cách mép biển chưa đến chục mét, 1 giếng nước ngọt lúc nào cũng đầy ăm ắp nước hàng trăm năm qua đã “giải cứu” cho người dân huyện đảo Lý Sơn mùa khô hạn.