+Aa-
    Zalo

    Hàng trăm người “bám trụ” giữ đất giếng Mộc và ngôi miếu cổ?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Những ngày vừa qua, hàng trăm người dân thôn Mễ Trì Thượng bám trụ” giữ đất giếng Mộc và ngôi miếu cổ của làng. Vậy sự thật của sự việc này là gì?

    Những ngày vừa qua, hàng trăm người dân thôn Mễ Trì Thượng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã “bám trụ” giữ đất giếng Mộc và ngôi miếu cổ của làng, khi cho rằng một vài cá nhân định “thôn tính”, chính quyền “bảo kê” bán cả đất đường làng. Vậy sự thật của sự việc này là gì?

    Hàng trăm người “bám trụ” giữ đất giếng Mộc và ngôi miếu cổ?
    Giếng Mộc

    Giếng Mộc đất thiêng

    Theo tài liệu PV thu thập, giếng Mộc và ngôi miếu cổ ở số 82 đường Đỗ Đức Dục, thôn Mễ Trì Thượng nằm vào tờ bản đồ số 23, thửa đất số 16 năm 1994 thuộc quản lý của UBND xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm (nay thuộc phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) có diện tích 669m2.

    Từ xa xưa, nước giếng Mộc được người dân trong làng Mễ Trì Thượng sử dụng sinh hoạt hàng ngày. Giếng Mộc, miếu cổ và những cây đa hàng trăm năm tuổi đã đi sâu vào trong tâm thức mỗi người dân nơi đây. Năm 2003, một phần mảnh đất bị nhà nước thu hồi giải phóng mặt bằng, mở đường Đỗ Đức Dục. Phần diện tích còn lại được giao cho chi hội Người cao tuổi thôn Mễ Trì Thượng quản lý tăng gia trồng trọt, lấy kinh phí phục vụ nhang đèn cho miếu thờ Đức Thánh bản thổ.

    Ngày 16/5/2003, chi hội Người cao tuổi thôn Mễ Trì Thượng đã làm hợp đồng cho ông Nguyễn Khoa Quỳnh ở xóm 3, thôn Mễ Trì Thượng thuê đất, thời hạn 10 năm với giá 120 triệu đồng.

    Năm 2004, chính quyền xã phát hiện đã yêu cầu chi hội Người cao tuổi hủy bỏ hợp đồng này. Tuy nhiên, thời điểm đó, những gian nhà cấp 4 có tường bao đã mọc lên vây quanh giếng Mộc. Chính quyền xã đã nhiều lần lập biên bản xử lý vi phạm, song ngôi nhà vẫn được hoàn tất để làm nhà xưởng kinh doanh.

    Vào khoảng cuối năm 2012, bỗng xuất hiện bà Nguyễn Thị Trúc Quỳnh (SN 1970) có hộ khẩu thường trú tại 66 phố Quan Nhân, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) xin cấp “sổ đỏ” tại vị trí này. Bà Quỳnh xuất trình hồ sơ mua bán trao tay thời điểm xác lập mua bán ngày 26/10/2003 giữa bà Quỳnh với bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1963) là người gốc thôn Mễ Trì Thượng (nay thuộc phường Mễ Trì) với giá 1 tỷ đồng.

    Hàng trăm người “bám trụ” giữ đất giếng Mộc và ngôi miếu cổ?
    Mặt tiền dãy nhà cấp 4 kéo dài hàng chục mét vuông thuộc mảnh đất 669m2 là đất công

    Xử lý nghiêm sai phạm

    Qua xác minh, toàn bộ giấy tờ liên quan đến mảnh đất giếng Mộc với diện tích 208m2 như: giấy tờ mua, bán nhà, đơn xin phép chuyển quyền sử dụng đất giữa người bán là ông Nguyễn Viết Huân (SN 1952, anh trai bà Hoa), người mua là bà Nguyễn Thị Hoa và có dấu xác nhận của UBND xã Mễ Trì vào năm 1988 đều do bà Nguyễn Thị Hoa tạo dựng. Vì thế, UBND xã Mễ Trì và UBND huyện Từ Liêm cùng với nhân dân khẳng định, đó là đất công không thể cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ).

    Thế nhưng, không hiểu sao, đơn của bà Quỳnh đã được Sở TN&MT TP Hà Nội thụ lý giải quyết. Ngày 11/10/2013, Sở TN&MT ra văn bản số 1350 gửi UBND huyện Từ Liêm đề nghị hủy bỏ văn bản 989 và văn bản số 348 của xã Mễ Trì với lý do, mảnh đất của bà Quỳnh là hợp pháp đồng thời “chỉ đạo” UBND huyện Từ Liêm, xã Mễ Trì kê khai đất và tài sản gắn với đất tại số 82 Đỗ Đức Dục để cấp Giấy CNQSDĐ cho bà Quỳnh(?!).

    Ngày 18/3/2014, UBND xã đã tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về việc cấp Giấy CNQSDĐ và nhà cho bà Quỳnh thì 100\% người dân không đồng ý. Trước sự việc trên, một số người thôn Mễ Trì Thượng đã cầm búa và một số phương tiện ra phá bức tường của ngôi nhà đã xây dựng vi phạm nằm trên mảnh đất thuộc giếng Mộc và ngôi miếu cổ. Tuy nhiên, sự việc trên đã được lực lượng chức năng kịp thời ngăn chặn, đề nghị người dân trong thôn giải quyết theo quy định của pháp luật.

    Đầu tháng 4/2014, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của thường trực quận ủy, cơ quan CSĐT - CA quận Nam Từ Liêm tiến hành thẩm tra xác minh, thu thập tài liệu và giám định đã có đầy đủ căn cứ xác định về hành vi mua bán đất công, giả mạo giấy chứng nhận của Nhà nước, cơ quan tổ chức, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại khu giếng Mộc và miếu cổ thôn Mễ Trì Thượng.

    Ngày 11/4/2014, cơ quan CSĐT - CAQ Nam Từ Liêm đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Hoa (SN 1963) ở thôn Mễ Trì Thượng, phường Mễ Trì. Ban đầu xác định, hành vi của Nguyễn Thị Hoa là làm giả giấy tờ, con dấu của UBND xã Mễ Trì để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, cơ quan CSĐT - CAQ Nam Từ Liêm đang khẩn trương điều tra làm rõ một số đối tượng liên quan để xử lý theo pháp luật.

    UBND quận Nam Từ Liêm đã chỉ đạo UBND phường Mễ Trì tiến hành rà soát điều chỉnh, khớp nối hạ tầng cơ sở giữa khu vực dân cư và các dự án trên địa bàn phường; kiên quyết xử lý các vi phạm quản lý đất đai, trật tự xây dựng trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, UBND quận đề nghị UBND TP Hà Nội cho ý kiến chỉ đạo để điều chỉnh quy hoạch tại phường Mễ Trì sớm đi vào hoạt động phù hợp với tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hang-tram-nguoi-bam-tru-giu-dat-gieng-moc-va-ngoi-mieu-co-a29727.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bức xúc cảnh nhà máy ngang nhiên

    Bức xúc cảnh nhà máy ngang nhiên "đầu độc" dân quê

    (ĐSPL) - Nhà máy xả thẳng nước thải ra sông Nhuệ khiến cánh đồng có nước màu xanh lè, cá chết nổi trắng đầy mương máng, ruộng lúa. Không những thế người dân ở Lão Cầu còn bị ngứa, lở loét chân tay sau mỗi khi ra đồng.