+Aa-
    Zalo

    Kỳ 5: Sợ hãi dự án nhà máy rác trăm tỉ 3 năm “đắp chiếu”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Dự án nhà máy xử lý rác thải rắn phục vụ cho sinh hoạt ở An Khê, tỉnh Gia Lai được đầu tư số vốn 117,5 tỉ đồng với cơ ngơi hoành tráng.

    (ĐSPL) - Dự án nhà máy xử lý rác thải rắn phục vụ cho sinh hoạt ở An Khê, tỉnh Gia Lai được đầu tư số vốn 117,5 tỉ đồng với cơ ngơi hoành tráng, máy móc, trang thiết bị nhập ngoại hiện đại. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, nhà máy đã không thể vận hành được. Ba năm qua, thay vì phục vụ nhân dân, dự án bạc tỉ này lại “nằm đắp chiếu” một cách khó hiểu, gây lãng phí khiến dư luận bất bình.

    Hai kỹ sư người Đức cặm cụi khắc phục sự cố lò đốt rác.

    Nhà máy trăm tỉ “trùm mền”...?

    Ngày 17/6, làm việc với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu UBND thị xã An Khê báo cáo chi tiết toàn bộ nội dung liên quan đến việc thực thi dự án để kịp thời có giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Hiện tại, trước hết phía UBND thị xã An Khê phải kết hợp với đơn vị đảm nhiệm việc cung cấp trang thiết bị là công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) cùng nhau thảo luận, bàn bạc tìm giải pháp khắc phục những vướng mắc còn tồn đọng để nhà máy sớm đi vào hoạt động.

    Trước đó, để xử lý vấn đề rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường, chính quyền địa phương đã phải tiêu tốn nhiều quỹ đất phục vụ việc đào hố chôn lấp xử lý rác tồn đọng. Do đó, năm 2011, ông Phạm Thế Dũng (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai) đã phê duyệt dự án nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt An Khê (đóng trên địa bàn xã Song An, thị xã An Khê) được ngân sách Trung ương và tỉnh Gia Lai đầu tư “khủng”, trên 117,5 tỉ đồng. Trong đó, dự án do UBND thị xã An Khê làm chủ đầu tư, tư vấn lập dự án do công ty cổ phần BVA - Hà Nội đảm trách với 1,3ha đất quy hoạch, quy mô được triển khai theo công nghệ đốt rác hiện đại, công suất xử lý 30 tấn/ngày.

    Quá trình đấu thầu, công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), trụ sở đặt tại TP.Hà Nội, là đơn vị trúng thầu, đảm nhận cung cấp toàn bộ hệ thống trang thiết bị xử lý rác thải tổng giá trị 86,8 tỉ đồng. Phần xây dựng, nhà xưởng, đường sá, đền bù giải phóng mặt bằng do công ty TNHH Tân Phú phối hợp với công ty TNHH xây dựng, Gia Yên đảm nhiệm thực hiện tổng chi phí 24,6 tỉ đồng. Đến năm 2013, tức hơn hai năm sau ngày khởi công xây dựng nhà máy xử lý rác thải hiện đại quy mô hoành tráng hoàn thành khiến người dân địa phương rất phấn chấn, háo hức đợi nhà máy đi vào hoạt động. Tuy nhiên, điều không ai ngờ rằng những máy móc trang thiết bị hiện đại tiền tỉ được nhập khẩu từ nước ngoài về lại không thể phát huy công năng, dù chỉ một ngày. Đến nay, hơn 3 năm đã trôi qua, nhưng nhà máy xử lý rác thải tiêu tốn biết bao tiền của, công sức lại trong tình trạng “trùm mền”, có nguy cơ hóa “phế liệu” khiến nhiều người cảm thấy tiếc nuối.

    Lý giải về điều này, một vị lãnh đạo UBND thị xã An Khê cho hay trong quá trình triển khai thực hiện dự án với vai trò là chủ đầu tư, đơn vị này đã giao cho ông Phạm Quang Bửu (Trưởng ban Quản lý các dự án đầu tư - xây dựng thị xã An Khê) trực tiếp triển khai điều hành. Việc đầu tư số tiền “khủng” nhưng nhà máy không thể hoạt động khiến dư luận hoài nghi, phản ứng mạnh mẽ. Qua đó, UBKT tỉnh đã phải vào cuộc thanh tra, kiểm tra rà soát lại toàn bộ quá trình nội dung liên quan đến việc thực thi dự án để tìm đáp án.

    UBKT Tỉnh ủy Gia Lai đã có kết luận số 19-TB/UBKTTU về sai phạm tại dự án nhà máy rác trăm tỉ. Cụ thể, cá nhân ông Bửu đã ký biên bản xác nhận, nghiệm thu khống khối lượng để thanh toán cho nhà thầu hạng mục hệ thống lò đốt, băng chuyền thuộc hệ thống phân loại hệ thống rác thải trị giá gần 65 tỉ đồng, ngoài ra thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng gần 300 triệu cho đơn vị tư vấn giám sát lắp đặt trong khi đơn vị này chưa thực hiện giám sát thi công giai đoạn cuối là vận hành, bàn giao đưa vào sử dụng.

    Trưởng ban quản lý “kêu oan”

    Nhằm ghi nhận thêm thông tin về sự việc nói trên, chiều 17/6, PV đã tìm gặp ông Bửu tại phòng làm việc. Ông Bửu phân trần: “Không có chuyện tôi nghiệm thu khống, vội vàng thanh toán chi phí cho công ty AIC. Nếu có thì phải dẫn chứng cụ thể, thể hiện trong sổ sách... giấy trắng mực đen. Hiện tại, tôi cũng không muốn bàn luận về sự việc này, ai đúng ai sai cứ để cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ”.

    Ông Bửu giải thích thêm: “Trên cương vị là Trưởng ban Quản lý dự án đối với một dự án hoành tráng được nhiều người kỳ vọng lại không hoạt động được, tôi cũng rất nôn nóng, thường xuyên đôn đốc thúc giục phía công ty AIC khắc phục để sớm đi vào hoạt động”.

    Để minh chứng điều mình nói, ông Bửu trưng ra nhiều văn bản, giấy tờ mà ông đã gửi cho công ty AIC đề nghị khắc phục sự cố.

    “Sự cố nhà máy chưa vận hành được, chậm tiến độ, phía lãnh đạo công ty AIC cũng đã nhận trách nhiệm. Hiện tại, công ty AIC đã mời hai kỹ sư, chuyên gia người Đức đến nhà máy để khắc phục sự cố. Theo thông tin công ty này báo cáo, hệ thống dây chuyền xử lý rác bước đầu đã hoàn thiện, máy vận hành tốt, dự kiến hai tuần nữa là có thể bàn giao”, ông Bửu nói.

    Rời phòng làm việc của ông Bửu, PV tiếp tục tìm đến nhà máy xử lý rác An Khê ghi nhận thực trạng. Theo quan sát của PV, nhà máy được xây dựng quy mô hoành tránh, sân bãi rộng rãi, bên trong hệ thống nhà điều hành, hệ thống chiếu sáng, trạm cân, trạm biến áp nhìn mát mắt. Phía dưới hệ thống lò đốt, hai người đàn ông nước ngoài đang cặm cụi đấu nối thiết bị.

    Sau khi quan sát hai vị khách nước ngoài làm việc, PV thắc mắc khi nào nhà máy có thể đi vào hoạt động được? Mặc dù đang rất bận rộn, nhưng ông Thomas Kern (kỹ sư người Đức) nói: “Trước đây, sở dĩ dây chuyền xử lý rác không thể vận hành được do hệ thống lưới điện tại nhà máy không tương thích với hệ thống khởi động mền điều khiển của nhà sản xuất. Ở Việt Nam, máy móc trang thiết bị kỹ thuật hỗ trợ còn thiếu thốn nên chúng tôi không thể khắc phục tại chỗ được”.

    Vị này cho biết, hiện tại đã kết nối được hệ thống khởi động mền vào trung tâm điều khiển thành công, dây chuyền đã hoạt động tốt. Việc còn lại cũng rất đơn giản là kết nối các mô đum, căn chỉnh các thông số kỹ thuật lượng khí thải ra theo tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam. “Căn bản là việc khắc phục sự cố đã hoàn tất, tuy nhiên để chắc chắn máy hoạt động tốt, sử dụng lâu dài, chúng tôi sẽ tiến hành test thử nghiệm. Dự kiến khoảng một tháng nữa, chúng tôi sẽ hoàn tất công đoạn cuối, chuyển giao công nghệ cho các kỹ sư của Việt Nam để vận hành”, vị kỹ sư người Đức nói.

    Theo tìm hiểu của PV, ngày 5/2016, trước sức ép của dư luận, ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã phải triệu tập cuộc họp khẩn, nhằm giải quyết “số phận” của nhà máy xử lý rác thải rắn. Đại diện thanh tra tỉnh đề xuất chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang công an tỉnh nhằm điều tra làm rõ sai phạm của những cá nhân, tổ chức có liên quan khiến dự án phải “đắp chiếu” hơn 3 năm qua.

    HỒ NAM

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-5-so-hai-du-an-nha-may-rac-tram-ti-3-nam-dap-chieu-a136756.html
    Sự kiện: Giá vàng hôm nay
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan