(ĐSPL) - Trong kỳ báo này, tác giả tiếp tục kể về cái ngày kinh hoàng nhất trong cuộc đời cầm bút của nhà báo Việt. (Bản quyền tiểu thuyết tự truyện “Bi kịch của chữ” thuộc về tác giả Nguyễn Việt Chiến, mọi sao chép về tự truyện này, nếu có, trên các báo, các trang mạng, các báo điện tử khác… đều phải được sự đồng ý của tác giả, nếu tác giả không cho phép, đề nghị các báo không được sử dụng vì sẽ vi phạm bản quyền cuốn tiểu thuyết tự truyện này).
Ảnh minh họa. |
Buổi chiều định mệnh ấy, Việt có mặt tại cơ quan điều tra vào khoảng hơn 14h. Nhìn thấy mấy cậu điều tra viên ngày thường vẫn làm việc, bỗng dưng chiều nay mặc quân phục, lon sao ngay ngắn, Việt biết mình sắp bị bắt. Gần hai chục năm theo dõi mảng án từ nội chính, Việt không lạ gì việc các sỹ quan điều tra, hôm nào đi bắt giữ, khám xét cũng phải mặc quân phục tử tế. Một cậu điều tra viên nói với Việt: “Cả đêm hôm qua em không sao ngủ được”. Viêt hỏi xoáy: “Thế con em bị ốm hay vợ em đau đẻ. Chắc là em sợ hôm nay nếu anh bỏ trốn không có mặt tại cơ quan điều tra thì em sẽ bị vạ lây chứ gì?”. Ý Việt muốn nói, cái lệnh triệu tập anh từ thứ Sáu tuần trước đã phải gác lại tới hôm nay vì bị từ chối. Và, nếu trong ba ngày ấy, Việt có ý định trốn chạy thì có lẽ cơ quan điều tra chắc cũng mệt với anh. Cậu điều tra viên nhìn Việt, vẻ xa xôi bóng gió: “Em chưa lập gia đình, sau này anh sẽ hiểu” và không nói gì thêm. Chính cậu này về sau chuyên hỏi cung trong suốt thời gian Việt ở trại giam. Đến lúc ấy cậu ta mới hé lộ, khi biết cái ngày phải thi hành lệnh bắt giam và khám xét Việt thì đêm hôm trước cậu ta không sao ngủ được. Một cảm giác rất nhân văn của con người ngay thẳng hay chỉ là sự “chia sẻ” một cách chuyên nghiệp trong việc điều tra? Khó mà có câu trả lời chính xác về con người ấy.
Khoảng 14h30, khi thoáng thấy các điều tra viên chuẩn bị việc áp giải, Việt biết giờ không lành đã điểm. Việt gọi địên thoại di động vào số máy của Q. - Phó Tổng biên tập tờ báo của anh: “Tình hình xấu lắm, buồn lắm bạn ơi! Họ bắt tôi thật rồi, sắp đưa về khám nhà và cơ quan làm việc đây. Không còn gì để nói nữa rồi!”. Người ta đưa Việt ra sân, nơi có mấy chiếc xe con đang nổ máy đợi sẵn. Một cậu trung úy bảo Việt: “Anh đưa cho em chìa khoá xe máy, em đưa xe của anh về nhà”. Họ bảo Việt mở cốp xe máy để kiểm tra xem trong ấy có giấu tài liệu hay vật chứng gì không. Việt nói thẳng tưng với mấy cậu điều tra viên: “Nếu ra Toà, các ông sẽ thua cuộc trong vụ này, vì tôi có đủ tất cả bằng chứng để nói lên sự thật của vụ án này”. Việt bị áp giải lên một xe ô tô con, trong xe có 4-5 người, anh bị kẹp giữa hai cậu trinh sát. Lúc xe chạy ra khỏi cổng cơ quan điều tra, anh còn thoáng thấy mấy nhà báo đang đứng dậy từ một hàng nước, nổ xe máy phóng theo. “Vậy là mình không cô đơn, chí ít đến lúc này”, Việt nghĩ.
Nhưng Việt đâu biết rằng, vào lúc anh bị áp giải lên xe cũng là thời điểm kinh hoàng, tối tăm nhất đang xảy ra ở cách Hà Nội hàng chục ngàn cây số. Trận động đất khủng khiếp ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc vào lúc 14h28 chiều hôm ấy, mạnh tới 7,8 độ ríchter đã làm 8.533 người chết và 10.000 người bị thương. Một sự kiện quá bi thảm. Việt chỉ biết điều này khi nằm trong nhà giam. Khi ấy trong thâm tâm mình, Việt chân thành tưởng niệm, chia sẻ với nỗi khổ đau, mất mát của nhân - loại - lớn theo cách một người tù đơn độc giữa bóng đêm là tưởng vọng và cầu nguyện: “So với những mất mát kinh hoàng ấy, thì nỗi đau bị bắt giam của một nhà báo như mình chẳng thấm tháp gì!”.
Khi Việt bị áp giải đi cũng là lúc, Phó Tổng biên tập Q. hớt hải chạy xe ô tô lên trụ sở cơ quan điều tra. Nhưng khi tới nơi thì xe áp giải Việt đi rồi. Q. chạy xe về, dọc đường có điện thoại của một vị tướng gọi lên gặp. Q. lên gặp thì vị tướng ấy cho biết có lệnh bắt Việt rồi. Q. chỉ xin tạo điều kiện cho Việt trong trại giam vì Việt đang mắc nhiều bệnh, nhất là bị trĩ cấp khá nặng, máu ra nhiều, đáng lẽ phải phẫu thuật nhưng chưa làm kịp. Trước mặt Q., vị tướng ấy gọi điện thoại cho thuộc cấp, yêu cầu phải chú ý tạo điều kiện chăm sóc cho bệnh tật của Việt trong trại giam. Cách đó ít tháng, có lần Q. đã nói vui với vị tướng này và một số sĩ quan phụ trách điều tra: “Nếu các anh bắt giữ anh Việt thì chắc anh ấy sẽ có thời gian rỗi rãi trong tù để làm thơ, và Việt cũng đã sẵn sàng để đối mặt với tình huống xấu nhất rồi!” - “Thì cứ thử vào trong ấy mà làm thơ”- vị tướng lúc đó cười vui với hàm ý gì đó không rõ. Thực ra, sau này lãnh đạo tờ báo của Việt mới biết, chính vị tướng ấy là người nắm rất rõ việc khởi tố nhà báo và cán bộ điều tra viên cao cấp của Ban điều tra chuyên án hồi đó.
Chiếc xe con chở Việt và 4 điều tra viên rẽ trái qua đê rồi nhằm hướng phía Nam Hà Nội. Việt hỏi: “Về khám xét nhà tôi hay khám xét toà soạn trước?”. Họ bảo “Về khám nhà anh trước”. Việt nói: “Về cơ quan khám trước thì tiện hơn, vì vợ tôi đi dạy học chưa về, lại đang cầm chìa khoá cửa nhà”. Viên thượng tá chỉ huy nhóm điều tra lớn tiếng: “Về khám nhà anh trước, rồi đến khám cơ quan sau”. Ngồi trên xe với cảm giác vô cùng thất vọng nhưng Việt vẫn trấn tĩnh, rút điện thoại di động ra, nói với họ: “Tôi phải gọi điện thoại cho vợ tôi về mở cửa, chứ hiện nay không có ai ở nhà. Sau nữa, tôi muốn bảo vợ tôi nhờ người đưa hai đứa con nhỏ của tôi (một cháu 4 tuổi, một cháu 11 tuổi) đi chơi chỗ khác để tránh cho chúng khỏi phải chứng kiến cảnh bố bị bắt giữ và khám xét nhà!”. Họ đồng ý.
Việt bấm máy gọi cho vợ, giọng nghiêm trọng: “Em nghe đây, em về ngay nhà, nhờ người đưa hai con đi chơi chỗ khác, em có hiểu điều anh nói chưa, anh đang trên đường về nhà, em về mở cửa cho anh nhưng phải đưa hai con ra khỏi nhà, em hiểu việc gì rồi chứ?”. Ngay lập tức ở máy bên kia vợ Việt khóc nức lên, nàng hiểu rằng anh đã bị bắt: “Anh ơi, thế em phải làm gì bây giờ?”- “Em về nhà ngay, nhờ người đưa hai con đi chơi rồi chờ mở cửa cho anh, nghe rõ chưa”- Việt cố ra giọng nghiêm trọng để nàng hiểu được tình thế cam go trong lúc này. Trong máy, vợ anh khóc gào lên tưởng như sắp bị sa xuống vực thẳm, nàng như đang rụng rời và không muốn nghe gì nữa, khiến Việt không còn chịu nổi.
Việt đành nói với mấy cậu điều tra viên “Hình như vợ tôi không nghe máy!”. Liền đó, Việt bấm số máy tự động liên lạc với Tổng biên tập và Phó Tổng biên tập của báo anh, nhưng Việt lại làm ra vẻ như đang nói chuyện với vợ, chứ không phải nói chuyện với hai bạn của Việt ở toà soạn: “Anh đề nghị với cơ quan điều tra cho về khám xét nơi làm việc tại toà soạn trước, nhưng họ bảo phải về khám nhà trước, sau đó mới đến khám cơ quan, hiểu rõ chưa?”.
Lúc xe chạy qua cửa tòa soạn tờ báo của Việt ở phố T., anh thấy một số anh em phóng viên các báo đang mang máy ảnh phóng theo. Vì Việt ngồi lút sâu giữa hai điều tra viên mà kính xe lại dán giấy sẫm màu nên anh em báo chí không nhìn thấy anh. Xe của Cơ quan điều tra đỗ trước cửa Công an phường T. để vào làm thủ tục mời cán bộ công an phường và tổ trưởng dân phố đến chứng kiến việc khám xét nhà riêng của Việt. Lúc ấy, một phóng viên của báo anh dừng xe máy bên cạnh chiếc xe áp giải, nhìn vào bên trong xe hỏi bâng quơ: “Trong này có chú Việt, nhà báo không các anh?”, ngay lập tức cậu ấy bị họ xua đi. Việt nhìn thấy phía trước xe khoảng dăm chục thước, cả một đám đông anh em báo chí đang tụ tập bên lề đường, người ngồi trên xe máy, người tạt vào quán nước chè chén, mắt lo âu nhìn về chiếc xe có Việt. Mấy ống kính máy ảnh giơ lên như muốn thách thức. Một điều tra viên cằn nhằn: “Có lẽ đó là các nhà báo, phải xuống xe xua họ thôi, không thể để chụp ảnh lung tung được!”.
Việt chợt thấy cũng phấn khích trong lòng, vì thật ra theo quy định của luật báo chí, không ai (kể cả cơ quan điều tra) có quyền ngăn cản các nhà báo tác nghiệp khi phản ánh một vụ việc. Lúc ngồi trên xe, Việt thoáng nhìn thấy tờ lệnh bắt tạm giam trên tay một điều tra viên khi anh xuống xe vào công an phường. Việt thật sự bị choáng, vì cứ nghĩ rằng họ chỉ khởi tố bị can đối với anh nhưng sẽ cho phép anh tại ngoại. Bởi đối với một nhà báo theo quy định của pháp luật hiện hành, trong một vụ không có gì đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến việc đưa tin một vụ án tham nhũng, thì không thể có diễn biến nào nặng nề tới mức phải bắt giam nhà báo ấy. Song, điều tưởng chừng khó xảy ra ấy đã trở thành hiện thực.
Sau hơn chục phút làm việc với công an phường T., xe chở Việt đi vào đường V. dừng lại trước một ngõ nhỏ. Họ đưa anh xuống xe, áp giải về nhà. Dọc ngõ, Việt loáng thoáng gặp một vài gương mặt quen thuộc của anh em đồng nghiệp các báo. Nét mặt họ cũng đăm chiêu giống Việt và ánh lên những cái nhìn chia sẻ. Anh nháy mắt, gật đầu chào họ. Khi tới ngôi nhà quen thuộc của Việt, nằm sâu trong một hẻm nhỏ, lòng anh thắt lại: “Em ơi! mở cửa cho anh!”. Vợ Việt luống cuống, vừa sụt sùi vừa mở khoá. Trong nhà chỉ có mình nàng. Hai con Việt chắc đã được người giúp việc đưa đi chơi chỗ khác. Việt thấy tạm yên lòng, nhưng lại thấy nhớ các con quá. Nhớ mỗi khi anh đi làm về, hai đứa con nhỏ, nhất là thằng cu Bi bốn tuổi, chạy mừng quýnh từ trên gác xuống đón bố, mồm líu ríu nói những chuyện chẳng đâu vào đâu. Giờ thì chúng không có mặt để tạm biệt bố nữa rồi! và Việt cũng không thể để cho các con của anh chứng kiến cảnh bắt giữ, khám nhà được. Vì đấy sẽ là một vết thương, một đổ vỡ lớn đối với tuổi thơ trong sáng của chúng. Trong giây lát ấy, một nỗi cay đắng, uất nghẹn bắt đầu dâng lên trong Việt. Và anh hiểu rằng, mình sẽ phải đấu tranh trường kỳ trong cuộc bể dâu này.