(ĐSPL) - Bị tai nạn đa chấn thương phải tiêm thuốc gây tê Lidocain để chữa trị, song bất ngờ bệnh nhân Hồ Đắc Thảo (Thừa Thiên-Huế) đã bị sốc phản vệ khiến toàn thân cứng đơ, mạch và huyết áp không đo được.
Cái chết cận kề, bởi sốc thuốc gây tê được xem là cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng. Việc cứu sống bệnh nhân đã ở trạng thái lơ lửng giữa sự sống và cái chết được xem là vô tiền khoáng hậu…
Nỗi kinh hoàng mang tên sốc phản vệ
Ngày 15/10, theo thông tin từ Giáo sư Bùi Đức Phú, Giám đốc bệnh viện Trung ương Huế cho biết, khoa Cấp cứu đa khoa, bệnh viện Trung ương Huế đã hồi phục hoàn toàn một trường hợp ngừng tuần hoàn hô hấp do sốc phản vệ đối với thuốc gây tê Lidocain.
Nói về trường hợp “ngàn cân treo sợi tóc” được cứu sống một cách kỳ diệu này, hầu hết các bác sỹ trong khoa Cấp cứu đa khoa không ai là không vui mừng vì sự hồi sinh của bệnh nhân này.
Theo các bác sỹ ở bệnh viện, việc sốc phản vệ do thuốc gây ra có thể dẫn đến tử vong hoặc tổn thương đến não không thể hồi phục cho bệnh nhân. Tình huống này ngay cả ở các nước có nền y học hiện đại hơn Việt Nam cũng gặp cực kỳ nhiều khó khăn.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL về sốc phản vệ nói chung và sốc phản vệ do thuốc tê nói riêng, bác sỹ Trần Quốc Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu đa khoa cho biết: “Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng.
Ảnh minh họa (Khám phá) |
Nó có thể xảy ra trong vòng vài giây hoặc vài phút tiếp xúc với một cái gì đó bị dị ứng. Sốc phản vệ có thể làm bị sốc, huyết áp giảm đột ngột và đường thở tắc hẹp, chặn đường thở bình thường.
Về triệu chứng, ngay sau khi bệnh nhân tiếp xúc với thuốc điều trị, vắc-xin phòng bệnh, hay một nguyên nhân nào đó... sẽ xuất hiện cảm giác và dấu hiệu khác thường như bồn chồn, hốt hoảng, sợ hãi...
Tiếp theo đó là sự xuất hiện triệu chứng ở một hoặc nhiều cơ quan khác như: Nổi mẩn ngứa, nổi ban đỏ, nổi mề đay, phù,... Mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt thấp, có khi không đo được huyết áp. Khó thở kiểu hen phế quản, co thắt thanh quản, nghẹt thở.
Đau quặn bụng, đại tiện, tiểu tiện không tự chủ. Đau đầu, chóng mặt, đôi khi bị hôn mê, choáng váng, vật vã, giãy giụa, co giật... Sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng rất dễ gây tử vong nếu không được chẩn đoán sớm và xử lý kịp thời.
Đặc biệt sốc phản vệ như trường hợp của ông Thảo mới đây với thuốc gây tê Lidocain thường hiếm xảy ra, khi xảy ra rất nặng, tỉ lệ tử vong cao để lại di chứng nặng nề”.
Theo chỉ dẫn của bác sỹ, PV đã tìm đến gặp ông Hồ Đắc Thảo (64 tuổi, quê ở Phú An, Phú Vang,Thừa Thiên-Huế). Nhớ lại những giây phút “thập tử nhất sinh” ấy, đến bây giờ ông Thảo vẫn cảm thấy may mắn và hạnh phúc vì đã được giữ lại sự sống.
Ông Thảo kể lại: “Ngày định mệnh đó là chiều ngày 29/9. Trong lúc chạy xe từ chỗ làm về nhà, tôi không may gặp phải một tai nạn xe khá nặng. Có lẽ do chạy xe với tốc độ khá cao nên tôi bị đa chấn thương, rách nhiều ở đầu gối và hàm bị gãy.
Lúc đó tôi được chuyển vào khoa Cấp cứu đa khoa, bệnh viện Trung ương Huế, trong đầu chỉ nghĩ đơn giản là vào chỉnh và khâu vết thương là yên tâm. Nào ngờ tôi bị dị ứng, phản ứng theo chiều hướng xấu đi với thuốc tê được tiêm vào mặt.
Cảm giác đó bây giờ vẫn còn ám ảnh tôi mãi”. Theo lời tường thuật của các bác sỹ trong kíp trực chiều hôm đó thì ông Thảo vào khoa Cấp cứu bệnh viện được chẩn đoán đa chấn thương, đầu gối, trán, gò má phải bị sưng nề và xây xát, chảy máu mũi, khớp hàm phải biến dạng, xương hàm trên bị gãy...
Sau khi xử lý các vết thương, nhét gạc cầm máu mũi, truyền Paracetamol giảm đau và dung dịch nước muối sinh lý để giữ đường truyền, khoa Cấp cứu đa khoa mời khoa Răng hàm mặt cùng hội chẩn để khâu vết thương và cố định xương hàm.
Mọi chuyện trở nên phức tạp và khó đoán hơn sau khi phẫu thuật viên tiêm thuốc tê Lidocain tại vết thương vùng mặt để khâu, bệnh nhân có biểu hiện tức ngực, môi tím, co thắt thanh quản, âm phổi không nghe được, miệng và toàn thân đều bị co cứng, mạch và huyết áp không đo được, mặt tím tái.
Tâm sự của người từng “lơ lửng giữa sự sống - cái chết”
Nhận biết được bệnh nhân đã rơi vào tình trạng ngừng tuần hoàn hô hấp do sốc phản vệ với thuốc gây tê, các bác sỹ có mặt lúc đó ở khoa đã nhanh chóng kết hợp nhịp nhàng thực hiện ca cấp cứu cho anh Thảo một cách nhanh nhất có thể.
Kíp trực cấp cứu đã phát hiện và tiến hành hồi sức tim phổi sớm, sốc điện hồi tỉnh, dùng thuốc chống rối loạn nhịp, điều chỉnh cân bằng kiềm toan và thở máy. Sau gần 2 giờ điều trị cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp, bệnh nhân được hồi sức tim phổi thành công trong niềm hân hoan của cả ê-kíp và gia đình bệnh nhân. Chức năng sống ổn định, và làm các xét nghiệm cần thiết (CT scan sọ não, siêu âm bụng, X-quang phổi, khí máu, điện giải đồ, chức năng thận,...).
Tiếp đó, bệnh nhân được thở máy và chuyển vào khoa Hồi sức cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu lúc 20h15’. Đến 23h, bệnh nhân đã cử động chân tay, đồng tử co nhỏ.
Sáng hôm sau, bệnh nhân đã tỉnh nhưng vẫn được thở máy điều trị tiếp. Sau ba ngày điều trị thở máy tại khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản, tự thở, phục hồi hoàn toàn không để lại di chứng.
Ông Thảo tâm sự: “Cái tuổi của tôi thì sức khỏe không còn sung mãn như thời trẻ nữa. Nay lại rơi vào hoàn cảnh thập tử nhất sinh, gần đất xa trời này thì mới thấy được sự tiến bộ của y học cũng như sự tận tình cứu chữa của các y bác sỹ ở bệnh viện đây.
Tôi được các bác sỹ cứu mạng là điều hạnh phúc nhất với bản thân và gia đình”. Nói thêm về thành công của ca cấp cứu này, Giáo sư Bùi Đức Phú nhận định rằng: “Trường hợp bệnh nhân trên được cứu sống là nhờ sự phản ứng nhanh kịp thời của các bác sỹ cấp cứu.
Đồng thời, họ đã tranh thủ được "thời gian vàng" cấp cứu ban đầu, cứu sống bệnh nhân. Kíp trực đã phát hiện và cấp cứu hồi sức tim phổi sớm, khoa Hồi sức cấp cứu đã điều trị tốt cho bệnh nhân. Sự phối hợp nhịp nhàng, tích cực giữa các khoa trong bệnh viện đã mang lại sự sống cho bệnh nhân”.
Cảnh báo những nguy cơ mất mạng Cũng theo thông tin từ bệnh viện Trung ương Huế, nguyên nhân phổ biến của sốc phản vệ còn bao gồm một số loại thực phẩm, một số loại thuốc, nọc độc côn trùng và mủ cao su. Sốc phản vệ thường gặp nhất là do các loại thuốc bao gồm cả thuốc tiêm và thuốc uống, dịch truyền, thức ăn và nọc côn trùng. Sốc phản vệ do thức ăn thường gây ra do các loại thủy hải sản, trứng và lạc. Trong khi đó, các thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm giảm đau, giãn cơ, gây tê, gây mê là những nguyên nhân thường gặp nhất của sốc phản vệ do thuốc (còn được gọi là sốc thuốc). |
Đinh Tiến
Xem thêm video tin tức hót:
[mecloud]lAbR21JghK[/mecloud]