+Aa-
    Zalo

    Kỳ 2: Một mình vào “hang cọp” cứu chồng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau khi bị gã lái trâu lừa mất 5 triệu đồng, chị Dúa quyết liều mình sang biên giới một lần nữa với mong muốn đưa bằng được người chồng trở về…

    Sau khi bị gã lái trâu lừa mất 5 triệu đồng, chị Dúa quyết liều mình sang biên giới một lần nữa với mong muốn đưa bằng được người chồng trở về…

    Vào “hang cọp” cứu chồng

    Rút kinh nghiệm từ lần mất tiền trước đó, chị Dúa nhờ bố ruột đưa mình đến ngã ba biên giới, làm thủ tục rồi lần theo địa chỉ chồng chị kể trước đây đến khu lao động ở ngã ba Sông Trắng.

    “Khi tới nơi, trời đã xế chiều nhưng tôi vẫn cố lân la dò hỏi để tìm gã chủ từng hứa hẹn thả chồng tôi về rồi thất hẹn. Tới khu nhà chỉ huy, thấy có hai bảo vệ dáng bặm trợn đứng gác trước cổng, tôi chắc mẩm đây chính là nơi chủ người Trung Quốc làm việc”, chị Dúa nhớ lại. Lúc đó, vì quá nôn nóng, hai cha con chị không kịp tính toán mà vội chạy lại. “Phải nhờ bố tôi trình bày một lúc, hai tên mới hiểu tôi muốn gặp ông chủ và đồng ý cho vào.

    Dù thế, để đảm bảo an toàn, chúng buộc bố tôi ở lại ngoài cửa. Thời điểm ấy, gã chủ đang đi vắng, tôi phải đứng đợi suốt một giờ đồng hồ bên ngoài hành lang. Khoảng thời gian dài như vô tận ấy, trong đầu tôi tự đặt ra hàng nghìn câu hỏi: Liệu hắn là người như thế nào (?), liệu hắn có hung dữ (?) hay có chịu chỉ chỗ chồng chị đang làm việc hay không (?)… Còn đang suy nghĩ, thì tôi chợt thấy gã chủ lững thững tiến lại. Nhìn thoáng qua bộ dạng dữ dằn, bặm trợn ấy, tim tôi đập thình thịch”, chị Dúa hăng say kể.  

    Đối mặt với người vợ tội nghiệp, gã chủ hỏi thẳng chị Dúa tìm đến làm gì. Bao nỗi uất ức dồn nén bộc phát, chị òa khóc đòi hắn thả chồng mình về với gia đình. Nghe đến đấy, gã chủ lớn tiếng quát tháo, lặp lại yêu cầu chị phải trả 5 triệu đồng, nếu không dứt khoát không thả Hoàng Seo Hồ. Hắn còn một mực khẳng định: Mấy ngày qua chưa hề nhận được bất kỳ khoản tiền nào như chị Dúa hứa hẹn. Lời gã chủ với người phụ nữ tội nghiệp chẳng khác nào “sét đánh ngang tai”. Giờ phút này, chị cay đắng nhận ra tay buôn trâu gian xảo kia đã “nuốt trọn” số tiền bán ngựa của chị. Muốn cứu chồng, chị không còn cách nào khác là tiếp tục chi tiền cho gã chủ người Trung Quốc.

    Vỡ òa khi gặp lại chồng

    Hoàng Seo Hồ (ngồi giữa) thời điểm được vợ cứu về

    Nhận tiền xong, gã chủ lại bảo chị về nhà đợi và hứa một tuần sau sẽ thả người. Nhưng rút kinh nghiệm lần trước, chị Dúa nhất quyết đòi phải tự đi gặp mặt chồng. Lưỡng lự một chút, gã chủ mới đồng ý. “Hắn bảo tôi nghỉ lại một đêm dưới lán công nhân rồi hôm sau sẽ theo xe vào sâu trong nội địa. Nghe đến đó, tôi rất lo bởi lỡ như hắn ép mình vào đó rồi không cho về nữa thì những đứa con ở nhà đã không còn cha sẽ mất thêm cả mẹ.

    Nhưng trót “đâm lao phải theo lao”, tôi nhắn lại bố quay về trước. Trằn trọc cả đêm không ngủ, tờ mờ sáng hôm sau, tôi cùng một số công nhân vượt hàng trăm cây số đường đất nữa đến một xưởng gỗ nằm sâu trong nội địa. Xưởng gỗ ấy giống như một nhà tù hơn là nơi sản xuất. Không chỉ kín cổng cao tường, tôi thấy phía ngoài lúc nào cũng có hai bảo vệ lăm lăm vũ khí canh gác. Những người công nhân bị ép đến đây làm việc ngày ngày phải xúc mùn cưa, bê gỗ, cắt xẻ… từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Hôm tìm đến nơi cứu chồng, tận mắt tôi nhìn thấy một người công nhân bị cai đánh đập dã man vì bỏ trốn. Cũng may là trường hợp của chồng tôi, lão chủ Trung Quốc đã giữ lời hứa”, chị Dúa cho biết. Sau khi đến nơi, chị được một tay quản lý dẫn vào phòng chờ và thông báo đã nhận điện thoại thả anh Hoàng Seo Hồ.

    Giây phút vợ chồng gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Chị Dúa rơi nước mắt khi thấy chồng đen đúa, gầy rộc vì làm việc quá sức. Lúc ấy, dù đã 21h đêm, hai vợ chồng vẫn vẫn nắm tay nhau chạy bộ một mạch ra ngoài vì sợ “không may chúng đổi ý giữ lại”. Lạ lẫm nơi đất khách quê người, may nhờ anh Hồ biết chút tiếng Trung, hai vợ chồng mới hỏi thăm và biết đây vùng ven thị trấn Văn Sơn. Trong người không còn một chút tiền, họ cứ thế nhằm hướng Nam, vừa đi vừa hỏi dò suốt 5 ngày ròng rã mới về được đến đồn biên phòng cầu cứu.

    Khép lại câu chuyện về một hành trình dài gian khổ, chị Dúa đúc kết: “Bây giờ, vợ chồng đoàn tụ và bình yên rồi. Cuộc sống sau này dù nghèo khó, vất vả, tôi cũng quyết không bao giờ để anh ấy sang Trung Quốc làm thuê nữa. Bám nương, bám rẫy, nếu thiếu ăn thì cố gắng chăn nuôi, tăng gia sản xuất. Tôi tin vợ chồng mình có thể làm giàu được trên chính mảnh đất quê hương”.

    (Theo ĐS&HN)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-2-mot-minh-vao-hang-cop-cuu-chong-a202963.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan