+Aa-
    Zalo

    Kỳ 1: Người phụ nữ đi bộ xuyên quốc gia cứu chồng bị bán làm nô lệ ở xứ người

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Một người phụ nữ với thân hình bé nhỏ dám liều mình đi bộ hàng trăm cây số sang biên giới chỉ với mong muốn đưa được người chồng trở về đoàn tụ.

    Một người phụ nữ với thân hình bé nhỏ dám liều mình đi bộ hàng trăm cây số sang biên giới chỉ với mong muốn đưa được người chồng trở về đoàn tụ.

    Gần 30 năm sống quanh quẩn với nương rẫy, bản làng, chị Giàng Thị Dúa không ngờ có một ngày phải lội suối băng rừng, đi bộ hàng trăm cây số sang tận bên kia biên giới. Kể về hành trình cực nhọc, nguy hiểm ấy, chị Dúa bảo do không còn lựa chọn nào khác. Bởi nếu không mạo hiểm, chị có thể vĩnh viễn mất Hoàng Seo Hồ, người chồng vì muốn kiếm tiền nuôi vợ con mà rơi vào cảnh bị lừa gạt, bắt lao động như nô lệ ở Trung Quốc.

    Một mình lập kế hoạch cứu chồng
    Đã từ lâu, câu chuyện chị Giàng Thị Dúa một mình qua biên giới tìm và cứu được chồng về vẫn được những người dân trong thôn Xán Chải (huyện Si Ma Cai, Lào Cai) truyền tai nhau như một giai thoại tình yêu đầy cảm động. Trên con đường núi gồ ghề đá sỏi, người cán bộ xã dẫn đường phóng viên đến nhà chị Dúa bảo rằng: “Dạo ấy, nghe chuyện Dúa một mình sang Trung Quốc, chúng tôi chẳng ai dám tin. Bản tính nó bao lâu nay hiền lành, nhút nhát, chưa bao giờ đi xa khỏi bản làng. Vậy mà nghe tin chồng mất tích, Dúa lại dám liều lĩnh đến thế”.


    Chiếc xe Minsk dừng trước cổng nhà chị Dúa khi trời chiều đã khuất sau rặng núi, chúng tôi cất tiếng gọi khi thấy chị đang lúi húi chẻ củi nấu bếp bên hông nhà. Nghe người cán bộ xã bảo có nhà báo đến hỏi chuyện tìm chồng, chị Dúa cười tươi rói, mở cửa mời chúng tôi vào. Yên vị trên thềm ngôi nhà nhỏ xiêu vẹo, chị Dúa kêu đứa con trai xuống bếp phụ nồi ngô đang nấu dở rồi bắt đầu vào chuyện: “Tin anh Seo Hồ bị ép đi làm bên Trung Quốc bay về khiến gia đình tôi cứ như cơn ác mộng. Lúc đó, chỉ thấy thương, thấy nhớ Hồ mà cái chân nó thôi thúc mình phải đi tìm chồng”. Rồi không cần chờ chúng tôi hỏi thêm, câu chuyện ký ức được chị lần lượt gợi lại, rõ ràng, chi tiết như một thước phim quay chậm.

    Chị Giàng Thị Dúa cùng con trai thứ 2 kể lại hành trình gian khổ cứu chồng.


    Chị Dúa kể, vợ chồng trước đây quanh năm sống nhờ bám nương, làm rẫy. Cuộc sống nghèo khổ và cực nhọc của hai vợ chồng cứ thế trôi qua cho đến khi các con lớn và đến tuổi đi học. Vì thương con, không muốn chúng nghèo khổ, thất học như mình nữa, anh Hồ quyết định rời bản làng đi làm thêm kiếm tiền. Chị tâm sự: “Hồi ấy, tôi chỉ biết anh Hồ đi theo sự giới thiệu của một số người đồng hương. Họ nói sang Trung Quốc làm thuê được trả 40 nhân dân tệ/ngày (khoảng 140 nghìn đồng – PV), số tiền ấy, nếu chỉ ở nhà làm nương, làm rẫy thì đúng là một giấc mơ. Vậy là sau Tết Nguyên đán, tôi động viên anh Hồ lên đường mà không hề biết, những ngày đen tối đang chờ chồng phía trước”.


    Ban đầu, cứ làm được ít ngày thì anh Hồ còn về thăm gia đình. Chị Dúa chỉ biết địa chỉ khu chồng làm việc là ngã ba sông Trắng (giáp ranh biên giới Việt Nam – Trung Quốc) và tại công trường bên kia còn có 4 người cùng xã Sán Chải nữa. Thời gian đó, dù công việc vất vả, nhưng thấy anh Hồ nói lương bổng được trả đầy đủ, chị cũng tạm yên lòng. Nhưng thời gian trôi đi, thấy anh Hồ không về thăm nhà nữa, tin tức cũng bặt hẳn. Buồn bã, lo lắng, chị Dúa bỏ cả chuyện lên nương rẫy. Mỗi buổi chiều, trông theo bóng chim rừng có đôi, có cặp dìu nhau về tổ, chị lại rơi nước mắt tưởng tượng chuyện xấu nhất xảy ra với chồng.


    Rồi đến ngày gặp anh Thào Seo Nhà (người xã Nàn Sán) chị mới hay chồng đã bị những kẻ xấu đưa sâu vào nội địa Trung Quốc. “Anh Nhà kể chính anh cũng bị bắt đến đó cùng chồng tôi. Tại đây, họ phải làm công việc cực nhọc mà không được trả một đồng nào. Hễ ai đòi trả lương, chúng dọa giết. Ai bỏ trốn bị bắt lại, chúng đánh đập vô cùng tàn nhẫn. Bản thân anh Nhà cũng chỉ may mắn trốn thoát, nhờ một lần được chúng sơ hở canh phòng khi đưa về ngã ba Sông Trắng làm việc”, chị Dúa nhớ lại.

    Cú lừa tàn nhẫn của gã lái trâu


    Tối hôm ấy nằm trên giường trằn trọc, chị rơi nước mắt nhìn đàn con nhỏ nheo nhóc. Những suy nghĩ vẩn vơ “rồi các con sẽ ra sao khi không còn bố” khiến chị thấy tim mình như bị ai đâm muôn ngàn vết dao. “Giữa bao nhiêu suy nghĩ ùa về, tôi vừa tự nhủ sẽ thay anh Hồ trở thành trụ cột cho đàn con trông vào, vừa nung nấu quyết tâm phải đi tìm bằng được chồng. Chỉ nghĩ được đến thế, sáng hôm sau tôi dậy sớm đi bán con ngựa lấy 5 triệu đồng, bán thêm ít thóc được 500 nghìn đồng nữa làm lộ phí rồi quyết định đi tìm để đưa Hồ về”, chị Dúa bồi hồi kể.

    Căn nhà sàn đơn sơ của chị Giàng Thị Dúa và anh Hoàng Seo Hồ.



    Từ nhỏ đến lớn chưa một lần đi ra khỏi bản, chị Dúa phải nhờ bố đẻ dẫn đường đến khu vực biên giới với hy vọng tìm chồng. Mấy chục cây số đường rừng núi ghập ghềnh, biết bao lần người phụ nữ dân tộc đã phải gục xuống vì mệt mỏi, kiệt sức. Những lúc ấy, hình ảnh người chồng chưa biết tung tích lại hiện về động viên chị cố gắng gượng dậy tiếp tục hành trình. “Nhưng lần ấy, gần đến khu vực đồn biên phòng, chuẩn bị làm thủ tục qua biên giới thì một biến cố bất ngờ xảy đến. Ngay trên đường lớn gần cửa khẩu, cha con tôi tình cờ gặp một người cùng xã từng đi với chồng tôi sang ngã ba Sông Trắng làm công nhân lúc trước. Níu lại hỏi chuyện, người này thương tình cho tôi địa chỉ của một tay buôn trâu tên Diêu, người xã Cốc Phà (cách không xa nơi chị Dúa ở - PV) và bảo cứ tìm gặp hắn là có hy vọng tìm chồng. Mãi sau này tìm hiểu, tôi mới biết, Diêu chính là một trong những người Việt hiếm hoi có mối quan hệ thân cận, chuyên gom người sang làm việc cho gã chủ bên ngã ba Sông Trắng”.

    Tức tốc quay ngược về xã Cốc Phà gặp Diêu, chị Dúa được hắn nối điện thoại cho gặp gã chủ. Điều khiến chị ngạc nhiên là hắn nói tiếng dân tộc của chị rất sõi. “Lúc đó, tôi hỏi qua điện thoại rằng: “Có phải ông đã chuyển Hoàng Seo Hồ vào sâu bên trong nội địa làm hay không”. Chẳng cần giấu diếm, hắn xác nhận rồi dọa dẫm lại: “Bây giờ, cô muốn gì. Nếu muốn đón chồng về thì coi như anh ta phá hợp đồng, chúng tôi sẽ bắt bồi thường”. Tôi vừa đồng ý thì hắn đã nói thẳng: “Muốn đón về, cô phải nộp cho tôi 5 triệu đồng”, chị Díu vừa kể, vừa nhớ lại sự phân vân của mình trong khoảnh khắc quan trọng này. Lúc đó, dù chưa bao giờ tiếp xúc thế giới bên ngoài, chị cũng hiểu 5 triệu đồng ấy thực chất là khoản tiền hắn bắt chi ra chuộc anh Hồ. Nhưng trong tình thế ngặt nghèo, chị biết đây là hy vọng duy nhất để cứu chồng nên đành chấp thuận. “Thỏa thuận xong, hắn yêu cầu tôi phải nộp tiền qua Diêu và không quên dọa dẫm: “Nếu không đủ tiền, đừng mong gặp lại chồng”, chị Dúa kể.


    Không dám làm trái với ý của gã chủ, đúng 12h trưa hôm sau, chị mang 5 triệu tiền bán ngựa xuống nộp cho gã buôn trâu. Nhưng về nhà chờ đợi suốt hai ngày, chị cũng chẳng thấy bóng dáng chồng như tên chủ hứa hẹn. Suốt ruột quá, năm lần bảy lượt chị lại đến Cốc Phà tìm gã buôn trâu mình giao tiền nhưng cũng chẳng thấy bóng hình. Bế tắc, tuyệt vọng, chị lại trở về nhà tự trách mình sao quá dễ tin người. Càng nghĩ, quyết tâm phải tìm bằng được chồng càng bùng cháy dữ dội. Còn hai thúng ngô giống để dành, chị Dúi quyết định đem bán nốt lấy hơn trăm ngàn rồi vay mượn thêm 5 triệu nữa lận lưng, đánh liều sang bên kia biên giới giáp mặt gã chủ một lần nữa....

    Mời độc giả theo dõi kỳ hai vào lúc 9h sáng ngày 25/9: Một mình vào "hang cọp" cứu chồng

    (Theo ĐS&HN)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-1-nguoi-phu-nu-di-bo-xuyen-quoc-gia-cuu-chong-bi-ban-lam-no-le-o-xu-nguoi-a202935.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan