+Aa-
    Zalo

    Kinh nghiệm cho con đi mẫu giáo lần đầu “không một tiếng khóc” của mẹ bỉm sữa

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Để tránh khỏi những tiếng khóc hoặc bé bám bố mẹ không rời trong lần đầu tiên đi mẫu giáo hãy thử tham khảo phương pháp dưới đây của chị Tạ Thị Mỹ Hạnh

    Để tránh khỏi những tiếng khóc hoặc bé bám bố mẹ không rời trong lần đầu tiên đi mẫu giáo hãy thử tham khảo phương pháp dưới đây của chị Mỹ Hạnh (27 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội) để mọi việc trở nên đơn giản.

    Lần đầu tiên đi học mẫu giáo là một cột mốc quan trọng cho cả bố mẹ và bé yêu. Trẻ sẽ bắt đầu xa rời vòng tay của người thân để tiếp cận với một môi trường mới rộng lớn hơn, tiếp xúc với nhiều người lạ hơn.

    Sẽ có nhiều hoạt động mới mà bé chưa thử bao giờ. Có bé sẽ thích nghi sớm với trường học trong tuần lễ đầu tiên, tuy nhiên cũng có bé đi nhà trẻ khóc nhiều trong nhiều ngày liên tiếp.

    Chính vì thế, cho trẻ đi mẫu giáo lần đầu sẽ là thử thách và khó khăn nhất mà cha mẹ cần phải vượt qua. Có không ít bậc phụ huynh đã bỏ cuộc sau 2, 3 ngày cho con đi học bởi bé khóc quá nhiều, không chịu ăn uống cũng như từ chối chơi với các bạn.

    Chuẩn bị tâm lý trước cho bé

    Giống như nhiều bậc phụ huynh khác, chị Hạnh cũng không tránh khỏi cảm giác lo lắng khi chuẩn bị cho con đi mẫu giáo. Chính vì vậy, chị nghĩ rằng cần chuẩn bị tâm tốt nhất cho bé trước khi bắt đầu đi lớp.

    Chị Hạnh chia sẻ: “Bé nhà mình tròn 2 tuổi thì gia đình quyết định cho bé đi lớp. Trước đó khoảng 2 tháng mình chủ động trò chuyện với con. Mình thường chọn lúc bé đang chơi đùa thoải mái với mẹ mới bắt đầu nói: ‘Mít ơi, mẹ sắp cho em sẽ đi nhà trẻ đấy!’ và sau đó kể cho bé nhà trẻ là đâu, có gì thú vị. Trên lớp sẽ có nhiều bạn, có nhiều đồ chơi mới, có cầu trượt, xích đu đường hầm...

    Bên cạnh đó, nhà mình thường có vài bạn nhỏ hàng xóm đến chơi, mình chơi trò giả bộ đi nhà trẻ với con và các bạn ngay ở nhà. Cũng may mắn là bé nhà mình rất thích và tỏ ra hào hứng”.

    Chị Mỹ Hạnh và con gái

    Trong quá trình chuẩn bị cho trẻ đi lớp và ngay cả trước đó chị Hạnh cũng cho rằng các bậc phụ huynh đừng bao giờ dọa kiểu: Không ngoan thì đi học, mẹ bắt đi học bây giờ, mẹ mách cô giáo, cô giáo phạt bây giờ... khiến trẻ hình thành tâm lý sợ đến trường. Hãy luôn nói về trường lớp của bé với lời tốt đẹp.

    Cho bé tham quan trường và làm quen với cô giáo

    Mỗi gia đình sẽ có một tiêu chí chọn trường khác nhau và thường tham khảo một vài trường trước khi cho bé đi học chính thức. Với gia đình chị Hạnh khi chọn được trường sẽ cho bé đến đó tham quan một vài lần và làm quen với cô giáo phụ trách. Và mỗi lần tham quan sẽ giới thiệu cho bé đây là nơi con sẽ học, đến thời gian nào con sẽ bắt đầu và khi đi học bố mẹ sẽ để con ở lại với cô giáo. Và tham khảo xem có có thích hàng ngày được chơi với cô và các bạn ở đây hay không?

    “Khi đã chọn được trường phù hợp, trước một tuần mình cho bé đến lớp vài buổi, mỗi buổi khoảng một tiếng để bé làm quen với các bạn, cô phụ trách lớp cũng khéo léo đưa bé vào các hoạt động cùng các bạn trong lớp. Mình dự định sẽ ở lại cùng bé khoảng 3 buổi, nhưng đến buổi thứ 2 đã thấy bé nhà mình hòa nhập cùng các bạn và rất vui vẻ, chơi khoảng một tiếng nhưng chưa muốn về”.

    Không đón trẻ về nửa buổi

    Trước ngày đi học, cha mẹ đưa trẻ đi mua những đồ dùng cần thiết như ba lô, quần áo, sữa, bánh... cũng sẽ giúp bé hào hứng hơn với việc đến lớp. Bên cạnh đó, chị Hạnh cũng chia sẻ là không nên vì sợ con chưa quen, ở quá lâu ở lớp mà đón con về nửa buổi.

    Sẽ có nhiều bố mẹ xót khi con khóc nhiều nên cứ nửa buổi lại đón con về, làm như vậy bé sẽ khó thích nghi hơn vì cứ đến giờ đó là ngóng ba mẹ. Những ngày đầu đi trẻ vẫn nói với con là con ở đây cuối ngày mẹ đón, có thể đón sớm hơn chút nhưng hãy để bé hiểu là hết ngày, đến đúng giờ đó mẹ mới đón mình.

    Khi đón con, chị Hạnh cũng thường hỏi: "Ở trường con có vui không?", "Con thích chơi với bạn nào nhất?", "Cô giáo hôm nay dạy con làm gì?"...  để gợi cho bé kể chuyện trên lớp cùng các bạn.

    Theo chị Hạnh, nhưng lời động viên, khen ngợi bé khi làm các việc tốt và khích lệ bé cố gắng hơn khi con kể chưa làm được điều gì đó ở trường hoặc thua kém bạn bè cũng rất quan trọng.

    Nhờ áp dụng những cách phù hợp với tâm lý của trẻ, con gái chị Hạnh đã khiến cha mẹ bất ngờ khi ngày đầu đến trường không một tiếng khóc và mỗi ngày trôi qua đều tràn ngập niềm vui.

    Thanh Mến

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kinh-nghiem-cho-con-di-mau-giao-lan-dau-khong-mot-tieng-khoc-cua-me-bim-sua-a337628.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan