Giá vé câu tại hồ Hoàng Cầu được niêm yết 150.000 đồng/ca (5h – 6h). Nếu căn cứ theo số thứ tự đánh trên vé, mỗi ngày có khoảng 10-20 cần thủ tham gia câu, tương đương với số tiền thu “bất chính” là 1,5 triệu đến 3 triệu/ngày…
Hàng ngày, hàng giờ luôn có các cần thủ đi câu tại hồ Hoàng Cầu. |
Như báo ĐS&PL đưa tin ở kỳ trước về việc một loạt hồ điều hòa tại Hà Nội bất chấp lệnh cấm của UBND Thành phố ngang nhiên thả cá, kinh doanh câu cá trái phép để thu lời bất chính, khi tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về hoạt động này, nhóm phóng viên có nhiều phát hiện bất ngờ.
Cụ thể, ngoài những văn bản chỉ đạo và các điều luật chung đối với tất cả các hồ có chức năng là hồ điều hòa thì hồ Hoàng Cầu được TP Hà Nôi ưu ái ban hành một văn bản riêng số 3936/UBND - ĐT gửi các Sở TN&MT, Xây dựng, UBND quận Đống Đa cùng các đơn vị liên quan về việc duy trì chất lượng nước, cảnh quan môi trường hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa) sau sự việc cá chết trắng hồ những năm 2016 và 2017.
Theo đó, TP nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân nuôi, thả cá phục vụ mục đích kinh doanh để tránh gây ô nhiễm môi trường nước. Đồng thời, yêu cầu Sở TN&MT cùng các sở liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường nước các hồ trên địa bàn TP đến năm 2020.
Thế nhưng trên thực tế, tình trạng nuôi thả cá vẫn tiếp tục diễn ra tại hồ Hoàng Cầu. Thậm chí, còn xuất hiện một “BAN QUẢN LÝ” không rõ do cơ quan nào cấp phép, đang hàng ngày đứng ra tổ chức hoạt động câu cá và thu tiền những người đến câu cá tại đây.
“BAN QUẢN LÝ” tự phong và số tiền thu bất chính?
Chia sẻ với nhóm PV, người dân xung sống xung quanh hồ cho hay, tình trạng nuôi cá và tổ chức thu tiền câu cá đã diễn ra khoảng 3 - 4 năm nay. Việc đánh bắt thu hoạch cá được thực hiện 2 lần trong một năm. Thời gian đánh bắt đều diễn ra đều vào ban đêm vì “ban ngày công an bắt ngay”- theo lời người dân cho biết.
Cũng theo thông tin người dân cung cấp, vị “chủ hồ” thao túng hoạt động nuôi cá và tổ chức thu tiền câu cá là một nguời đàn ông tên T. Thỉnh thoảng người đàn ông này vẫn ra ngắm hồ, còn mấy việc thu tiền là do “con cháu” ông ta làm, chuyện này “phường biết hết đấy mà” – một người dân sống gần hồ kể chuyện.
Trong khi đó, hồ Hoàng Cầu lại nằm ngay trước mặt UBND phường Ô Chợ Dừa, cạnh đó lại là Trụ sở Công an phường sở tại, thế nhưng, các hoạt động kinh doanh câu cá, thả cá lại diễn ra ngang nhiên, công khai trong một thời gian dài, bất chấp “lệnh cấm” của Thành phố.
Trên góc bên trái vé câu tại hồ Hoàng Cầu thể hiện có một ban "BAN QUẢN LÝ" riêng, có số hottline điều hành về hạt động này. |
Ngoài ra, quan sát của nhóm PV còn cho thấy, vào những khung giờ nhất định trong ngày, luôn có một thanh niên tự nhận là người của “ban quản lý” đi vòng quanh hồ để thu tiền của những người đi câu (cần thủ). Thời gian thu buổi sáng vào khoảng 8h-8h30, buổi chiều 13h-13h30 và 15h30-16h, buổi tối khoảng 20h30 và 23h-24h.
Giá vé cho mỗi ca (5h-6h/ca) là 150.000 đồng/vé, tất nhiên, số tiền thu không được thể hiện trên vé, mà trên vé câu này, chỉ có thông tin từ tên người cầm cần, thời gian bắt đầu - kết thúc buổi câu. Thậm chí, trên góc bên trái của vé câu còn in đậm số máy Hotline của “BAN QUẢN LÝ” là: 0935 769 xxx & 093 453 xxxx.
Và nếu căn cứ theo số thứ tự đánh trên vé, mỗi ngày có khoảng 10-20 cần thủ tham gia câu tại hồ Hoàng Cầu, tương đương với số tiền thu lời “bất chính” là 1,5 triệu đến 3 triệu/ngày.
Vậy đơn vị “BAN QUẢN LÝ” này do cơ quan nào cấp phép? Số tiền thu lời “bất chính” được nộp lại cho ai? Đơn vị nào quản lý? Và ai đang là người được hưởng lợi từ số tiền đó?
UBND phường nói khó quản lý, không thuộc thẩm quyền
Trao đổi với phóng viên chiều 19/10, ông Phạm Việt Cừ - Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa cho biết, hồ Hoàng Cầu với chức năng là hồ điều hòa hoàn toàn không được phép nuôi thả cá và thu tiền câu cá.
Tuy nhiên, về việc quản lý hoạt động trái phép này, ông Cừ cho hay: “bên anh không quản lý nên không thể trả lời. Đơn vị quản lý hồ là Công ty TNHH một thành viên thoát nước trực thuộc sở Xây dựng”.
Còn về vấn đề xuất hiện một “BAN QUẢN LÝ” đứng ra tổ chức thả cá và thu tiền trái phép ở khu vực hồ Hoàng Cầu, ông Cừ khẳng định: “Làm gì có ban quản lý nào vì làm gì có trụ sở”. Ông Cừ cho rằng, nếu có phải bắt được quả tang thì mới có thể mời công an phường giải quyết.
Hơn nữa, theo ông Cừ, đặc thù vị trí địa lý của hồ Hoàng Cầu trải rộng trên 3 phường Ô Chợ Dừa, Thành Công và Trung Liệt nên rất khó khăn trong việc quản lý.
"Các đối tượng hoạt động ở phường nào thì phường đó xử lý, nhưng, về phân cấp, thì hiện tại công ty thoát nước giữ vai trò chính. Vì thế, nếu có sai phạm thì công ty thoát nước sẽ đề nghị phía công an phường kết hợp để giải quyết”, ông Cừ cho hay.
Ngoài ra, vị Phó Chủ tịch phường Ô chợ dừa cho biết thêm, phường sẽ tổ chức một cuộc họp với bên Công ty thoát nước và công an các phường sở tại để làm rõ vấn đề nêu trên.
Trao đổi với PV vào ngày 24/10, đại diện Công ty TNHH một thành viên thoát nước khẳng định, chưa có buổi họp nào giữa công ty và UBND phường Ô Chợ Dừa.
Như vậy, hàng ngày, hồ Hoàng Cầu đang là công cụ thu lợi bất chính cho “nhóm lợi ích” nào? Đơn vị nào đứng sau thao túng “BAN QUẢN LÝ” biến hồ điều hòa thành hồ câu dịch vụ? Phía cơ quan chức năng sẽ xử lý sai phạm trên như thế nào?
Báo ĐS&PL sẽ thông tin đến độc giả trong kỳ tiếp theo...