Hàng loạt hồ điều hòa như hồ Hoàng Cầu, hồ Ngọc Khánh, hồ Trung Văn... bất chấp lệnh cấm của UBND TP Hà Nội, ngang nhiên thả cá, kinh doanh câu cá với mức giá từ 30.000 đến 450.000 đồng/cần để thu lời bất chính.
Sau hàng loạt vụ cá chết trắng trên các hồ Hoàng Cầu, hồ Linh Đàm và đặc biệt là hồ Tây những năm 2016 và 2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản số 8866/VP-ĐT ngày 19/9/2017 về xử lý việc nuôi, thả cá trên các hồ nội thành Hà Nội.
Theo đó, Thành phố nghiêm cấm nuôi cá, câu cá, đánh lưới và các hoạt động đánh bắt tự phát khác tại các hồ do UBND TP quản lý và hiện đang xử lý nước bằng chế phẩm Redoxy-3C. Thế nhưng, sau khi văn bản trên được ban hành thì những hành vi bị cấm ở trên không những vẫn tồn tại mà còn biến tướng theo xu hướng xấu.
Cụ thể, dạo một vòng quanh các hồ lớn ở Hà Nội không khó để nhận thấy hình ảnh các “cần thủ” (người câu cá) vây quanh hồ, ngồi thả cần câu cá. Loại lưỡi câu ưa thích của những “cần thủ” này là loại “lưỡi lục” gồm 4 hay 6 lưỡi câu, khi quăng cần thì lưỡi câu này sẽ văng mạnh ra đằng sau người câu trước khi đi ra phía trước và rơi xuống hồ.
Cách sử dụng cần câu như vậy sẽ rất nguy hiểm cho người dân đi dạo đằng sau những cần thủ này. Đặc biệt là các hồ nằm trong những công viên cây xanh với nhiều người dân qua lại như hồ Thành Công, hồ Trung Văn và hồ Thủ Lệ - nơi đông du khách thăm quan.
Anh Lý Văn Sáng – một người dân quanh khu vực hồ Thành Công cho biết: “ Tôi rất sợ khi đi dạo quanh hồ, mỗi khi thấy họ quăng cần đều phải tránh xa, sợ va vào mặt. Nhiều người còn không dám đi lại gần bờ kè hồ, phải đi thật sát phần đường phía trên hồ vì sợ bất chợt trúng phải lưới câu”.
Các cần thủ vung cần, thả mồi tại hồ Thành Công. |
Tệ hơn nữa, trước khi câu, nhiều cần thủ còn ném cả một cục thính lớn cỡ 2-3 bát bán phở xuống hồ, gọi là tạo ổ cho cá vào. Các loại thính được ném xuống hồ có thể là thính tự say rang, hoặc thính được làm sẵn, đóng gói trong các bao bì có in chữ Trung Quốc… và tình trạng này diễn ra hết ngày này qua ngày khác…
Điều đó khiến dư luận băn khoăn đặt câu hỏi về những loại mồi câu không rõ nguồn gốc này có ảnh hưởng đến chất lượng nước hồ như thế nào? Rồi sau khi câu xong, những loại rác tồn đọng đơn vị nào sẽ đứng ra xử lý hay vứt bừa bãi quanh hồ? Liệu những "cần thủ" có đủ ý thức để dọn dẹp trước khi ra về?
Ngoài ra, theo tìm hiểu của Phóng viên (PV), tất cả các hồ trên đều có “chủ hồ” hay “thầu hồ” đứng ra tổ chức thu tiền những người đi câu và giá thu ở mỗi hồ là khác nhau.
Điển hình như: hồ Trung Văn thu 100.000 đồng/cần máy và 30.000 đồng/cần đơn; hồ Hoàng Cầu thu 150.000 đồng/cần cho một ca câu (khoảng 5h đồng hồ); hồ Ngọc Khánh là 300.000 đồng/cần; hồ Thành Công và hồ Thủ Lệ đều từ 250.000 – 450.000 đồng/cần...
Vé câu tại Hồ Hoàng Cầu |
Chia sẻ với nhóm PV, một "cần thủ" tại hồ Hoàng Cầu cho hay, việc thu phí câu đắt hay rẻ sẽ do lượng cá trong các hồ nhiều hay ít, các chủ hồ có thường xuyên thả cá thêm vào hồ hay không. Nếu càng liên tục thả cá xuống hồ thì phí câu càng cao.
Thậm chí, để chứng minh lời nói của mình, "cần thủ" này còn chỉ cho nhóm PV một trang Facebook cá nhân được cho là của chủ hồ câu công viên Thủ Lệ. Lướt qua facebook này, PV không khỏi giật mình khi những thông tin về lịch thả thêm cá, thả cá loại gì xuống hồ đều được chủ nhân facebook này quay trực tiếp một cách công khai, không giấu diếm.
Việc hồ điều hòa bị biến thành hồ câu dịch vụ khiến chức năng điều hòa mực nước, chất lượng nước hồ có còn được đảm bảo?
Và quan trọng nhất, việc thả cá, cho câu cá thu tiền diễn ra như thế nào? Ai đứng ra tổ chức những dịch vụ này? Trên địa bàn Hà Nội có bao nhiêu hồ điều hòa đã bị biến tướng thành công cụ kiếm tiền bất chính cho những cá nhân tự xưng là “chủ hồ”? Trước những hành vi công khai này các cơ quan chức năng sẽ xử lý như thế nào?
Những câu hỏi này nhóm PV sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc ở những kỳ tiếp theo…
Nhóm PV