+Aa-
    Zalo

    Không lùi bước trước khó khăn chồng chất

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Các cơ quan chức năng và chuyên môn đều đang nỗ lực chạy đua với thời gian truy vết người liên quan.

    Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Các cơ quan chức năng và chuyên môn đều đang nỗ lực chạy đua với thời gian truy vết người liên quan ca bệnh, khoanh vùng ca nhiễm nhanh, kịp thời để sớm khống chế mức độ lây lan của dịch bệnh. Đặc biệt, việc đối phó với biến chủng mới lần này gặp nhiều khó khăn hơn, do đó, các địa phương đều nâng cao mức độ phòng, chống dịch.

    Biến chủng Covid-19 từ Nam Phi có độc tính cực mạnh

    Ngày 23/12, Việt Nam ghi nhận 1 ca mắc Covid-19 biến chủng Nam Phi. Bệnh nhân (BN) là chuyên gia nhập cảnh nhiễm biến thể mới của virus SARS- CoV-2 được ghi nhận tại Nam Phi. Bệnh nhân được cách ly ngay khi nhập cảnh tại Hà Nội và lấy mẫu xét nghiệm. Hiện BN đang điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

    Nhận định về biến chủng này với phóng viên tạp chí Đời sống và Pháp luật, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) cho biết, chủng virus SARS-CoV-2 xuất xứ từ Nam Phi được các nước khuyến cáo có tính độc lực mạnh hơn biến thể xuất xứ từ Anh.

    Người dân phường Thạnh Khôi, Hải Dương chuẩn bị 1 tấn bắp cải để ứng phó tình huống khẩn cấp.

    Mặc dù tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa khuyến cáo về biến thể virus SARS-CoV-2 ở Nam Phi có độc tính, tính chất như thế nào so với biến thể từ Anh, nhưng theo khuyến cáo của Nam Phi thì virus SARS-CoV-2 xuất xứ tại đây có độc lực mạnh hơn, lây lan nhanh hơn và còn có thể gây ra những biểu hiện bệnh nặng hơn.

    “Biểu hiện bệnh cũng như thời gian ủ bệnh thì các chuyên gia y tế đang nghiên cứu và chúng ta nên chờ thông tin công bố chính tức từ WHO”, ông Phu cho hay.

    PGS.TS Trần Đắc Phu đặc biệt khuyến cáo, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của chính quyền các cấp thì người dân phải tự nâng cao ý thức phòng dịch cho bản thân: "Với tốc độ lây lan rất nhanh của biến thể mới, thì vai trò của mỗi người dân là vô cùng quan trọng. Mỗi người dân tự ý thức phòng dịch cho bản thân, cũng là phòng dịch lây lan cho gia đình và cộng đồng. Phải thuộc lòng thông điệp 5K của bộ Y tế là: Khẩu trang - Khử khuẩn -

    Theo thông tin từ bộ Y tế, liên quan đến biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, tổ chức Y tế thế giới thông tin, biến thể phát hiện đầu tiên tại Anh đã xuất hiện ở 70 quốc gia. Trong thời gian ngắn sau đó đã lan thêm 10 quốc gia. Còn với biến thể từ Nam Phi cũng đã lan ra hơn 30 nước, tuần qua thêm 8 quốc gia mới. Chủng biến thể này cũng đã được khuyến cáo có khả năng lây lan nhanh hơn các chủng đã được biết từ đầu dịch.

    Tính đến hiện tại, Nam Phi đã ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 trong bối cảnh biến chủng virus có tên 501.V2 đang lây lan nhanh tại quốc gia này. Ca nhiễm toàn quốc vượt 1 triệu ngay khi Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa kêu gọi cơ quan phụ trách chống Covid-19 của quốc gia họp khẩn cấp. Theo các chuyên gia, biến chủng SARS-CoV-2 ở Nam Phi, có tên 501.V2, dễ lây lan hơn và đã xuất hiện ở nhiều cụm dịch đang tái bùng phát. Ngoài ra, biến thể mới nhất phát hiện từ Brazil đã lan ra 8 quốc gia trong 2 tuần qua.

    Sự cảnh báo cần lưu ý

    Chiều 1/2, tại cuộc họp ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.Hà Nội, Phó Giám đốc sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, tính đến thời điểm hiện tại TP ghi nhận 19 ca dương tính với Covid-19. 1 ca liên quan đến ổ dịch ở Quảng Ninh, 18 ca còn lại liên quan đến Hải Dương. Trong số 19 ca này, số F1 là hơn 412, số F2 là 2008 ca, con số này sẽ tiếp tục thay đổi.

    Ông Hạnh cũng cho hay, theo tính toán của cơ quan chuyên môn bộ Y tế, nếu chúng ta không sớm phát hiện được hết các trường hợp F0, nếu để lọt một trường hợp thì từ nay đến 7/2 có thể sẽ có tới hàng trăm F0 ngoài cộng đồng.

    Dẫn chứng việc trước đây, ở Đà Nẵng 75-80 nghìn mẫu chỉ có 2-3 trường hợp dương tính, nhưng Hà Nội hiện nay khoảng 14 nghìn mẫu đã có 5 trường hợp dương tính, ông Hạnh cho biết, rất nhiều trường hợp F1 đã trở thành F0, điển hình như trường hợp 2 mẹ con ở Nam Từ Liêm có con học tại trường ĐH FPT, hay trường hợp bệnh nhân tên Minh lây cho 8 người khác.

    “Dịch bệnh Covid-19 lần này lây nhiễm rất nhanh, hoàn toàn khác trước và rất nghiêm trọng; diễn biến đi lại của các bệnh nhân rất phức tạp khi sắp Tết... Vì vậy, ông Hạnh đề xuất nâng cao thêm một mức công tác phòng, chống dịch. Các quận, huyện cần tăng cường truy vết, đồng thời đi từng ngõ gõ từng nhà rà soát hết lại các trường hợp đi về từ Hải Dương, Quảng Ninh, phải được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly một cách nghiêm túc”, ông Hạnh nhấn mạnh.

    Về việc thông tin các ca mắc mới còn chậm, Giám đốc sở Y tế Nguyễn Khắc Hiến nhận lỗi và cho biết: “Số người đi về từ vùng dịch hiện xác định là khoảng 15.000 mới xét nghiệm được 10.000, chúng tôi đang yêu cầu bóc tách để trả kết quả nhanh hơn”.

    Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các đơn vị phải nhanh chóng trả lời sớm nhất về việc thẩm quyền ký ban hành lệnh cách ly hay việc thanh toán vận chuyển rác thải liên quan khu cách ly..., không để địa phương bối rối, trong bối cảnh chống dịch, mọi việc phải nhanh hơn.

    Phó Chủ tịch UBND TP nêu, tình hình lây lan dịch bệnh nhanh trong cộng đồng đã rõ bởi: Chủng virus mới có tỉ lệ lây lan trong tiếp xúc rất cao; thời gian tiếp xúc đến phát bệnh ngắn; trong cộng đồng có khả năng còn mầm bệnh. Trước tình hình thực tế, TP đã kịp thời yêu cầu các mức độ cao hơn để phòng chống dịch bệnh như đóng cửa bar, karaoke, vũ trường, các nhà hàng phải có vách ngăn... Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo: “Từ 0h ngày 2/2, quán game, internet đóng cửa”.

    Tại buổi làm việc của đoàn công tác thuộc bộ Y tế với UBND TP.Hà Nội về công tác chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã đề nghị: "Thủ đô Hà Nội phải thay đổi chiến thuật, phong tỏa khu vực có ca nhiễm rộng hơn. Đeo khẩu trang bắt buộc toàn thành phố, không đeo phải xử phạt nghiêm. Lấy mẫu và xét nghiệm thật nhanh. Cân nhắc ở các quận, huyện có thể thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ về việc giãn cách ở mức độ nhẹ".

    “Tết này chưa vui lắm thì Tết sau vui hơn, quan trọng là sức khoẻ"

    Từ 6h sáng 1/2, trung tâm Y tế TP.Hải Dương đã trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm đối với những người dân sống xung quanh khu vực có bệnh nhân dương tính với Covid-19 tại khu dân cư Trần Nội, phường Thạch Khôi (TP.Hải Dương). Đây là ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại TP.Hải Dương. Bệnh nhân là Đ.V.V. sinh sống tại cụm khu 2, phường Trần Nội có lịch trình di chuyển phức tạp, dày đặc. Trước khi phát hiện dương tính, anh V. có đến viếng 2 đám tang trên địa bàn khu dân cư Trần Nội, phường Thạch Khôi.

    Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở phường Thạch Khôi, Hải Dương.

    Ngay từ chiều 31/1, toàn bộ 20 hộ dân tại Khu 2 và khu dân cư Trần Nội đều đã được cách ly, phong tỏa 21 ngày. Bà Lê Thanh Hường - Trạm trưởng trạm Y tế phường Thạch Khôi, cho biết, ngay từ khi nhận thông tin vào đêm 30/1, cơ quan chức năng đã thông báo qua loa truyền thanh tới toàn bộ người dân trên địa bàn. Tiến hành truy vết và xác định gần 700 trường hợp liên quan đến trường hợp nói trên.

    “Chiều 31/1, chúng tôi đã tiếp nhận quyết định vùng cách ly y tế 21 ngày đối với 20 hộ dân tại khu 2 và khu dân cư Trần Nội. Từ ngày 28/1, chúng tôi gần như túc trực 24/24h tại trạm Y tế phường nên mọi công tác đều chủ động, nhanh chóng và không gặp quá nhiều khó khăn. Dự kiến, toàn bộ mẫu xét nghiệm sẽ được lấy xong ngay trong ngày hôm nay”, bà Hường nói.

    Khu dân cư Trần Nội có khoảng 300 nhân khẩu do đó công tác đảm bảo an toàn theo phương châm 4 tại chỗ được đề cao. Theo chia sẻ của ông Đào Văn Hiển - Phó Bí thư thường trực UBND phường Thạch Khôi, người dân đã sẵn sàng cho việc cách ly 21 ngày với phương châm 4 tại chỗ.

    Về công tác lập chốt cách ly, các lực lượng cựu chiến binh, công an, dân quân, cán bộ phường đã phối hợp chặt chẽ với gần 80 thành viên tại khu vực phường nhằm đảm bảo an toàn tối đa. “Hiện nay, chúng tôi đã chuẩn bị 1 tấn bắp cải, hàng trăm kg gạo và các nhu yếu phẩm cần thiết để sử dụng trong tình huống khẩn cấp. Người dân Thạch Khôi xác định Tết này chưa vui lắm thì Tết sau vui hơn, nhưng tính mạng, sức khỏe là quan trọng hơn cả”, ông Hiển nói.

    Theo ghi nhận, hầu hết người dân phường Thạch Khôi đều chấp hành tốt các quy định về cách ly y tế. Bà Vũ Thị Tuyết (60 tuổi, người dân khu dân cư Trần Nội) cho biết, từ khi biết tin, mọi người đã chủ động thực hiện các biện pháp an toàn y tế cho chính mình như sát khuẩn tay và đeo khẩu trang y tế.

    “Hai ngày qua, cứ 3 tiếng, chúng tôi lại vệ sinh nhà cửa một lần. Các nhu yếu phẩm tạm thời vẫn có thể xoay xở. Hàng xóm, láng giềng đều sẵn sàng chia sẻ với phương châm cùng nhau chung sức chống dịch. Hôm nay, trong làng có đám tang nhưng mọi người đều chia sẻ động viên qua điện thoại để đảm bảo an toàn”, bà Tuyết chia sẻ.

    Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng bộ Y tế báo cáo Chính phủ về tình hình và các giải pháp lớn khi mà thời gian qua chúng ta đã thực hiện "những chủ trương như tăng cường lực lượng, khoanh ổ dịch, truy vết, xét nghiệm diện rộng, dừng một số hoạt động, kiểm tra, đôn đốc quyết liệt...". Hiện nay, mặc dù còn có diễn biến phức tạp nhưng tình hình cơ bản được kiểm soát. Tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng đề nghị thảo luận cả việc sớm đưa vắc-xin ngừa Covid-19 đến người dân trong quý I này.

    Lê Liên - Thu Huyền

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 4(20)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khong-lui-buoc-truoc-kho-khan-chong-chat-a355008.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan