Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler cho biết, Mỹ không còn bất kỳ phản đối nào liên quan đến việc Ankara sử dụng hệ thống phòng không tên lửa S-400 mua từ Nga.
"Trong các cuộc họp gần đây với Mỹ, chúng tôi đã từ chối những gì họ muốn từ chúng tôi liên quan tới hệ thống S-400. Bây giờ, Mỹ không có bất cứ phản đối nào về vấn đề này", ông Yasar Guler nói.
Ông cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mất khoảng 12 giờ để triển khai hệ thống S-400 đến một khu vực và lắp đặt để nó sẵn sàng tác chiến.
Ông Guler đồng thời khẳng định Washington cũng đã thay đổi quan điểm về bán tiêm kích F-35A cho Ankara.
"Mỹ đã chế tạo 6 chiến đấu cơ tàng hình F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ nhưng từ chối bàn giao. Họ đã thay đổi quan điểm và tuyên bố có thể chuyển hàng sau khi nhìn thấy chúng ta phát triển tiêm kích KAAN. Chúng tôi đã gửi lại đề xuất mua phi cơ F-35", Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho hay.
Giới chức Mỹ hiện chưa bình luận về thông tin.
Thổ Nhĩ Kỳ từng bị Mỹ loại khỏi chương trình tiêm kích tàng hình F-35 sau khi mua hệ thống phòng không S-400 của Nga vào năm 2019. Lầu Năm Góc cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ vận hành đồng thời cả S-400 và F-35 có thể khiến mẫu chiến đấu cơ của Mỹ bị lộ thông số kỹ thuật, ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực tác chiến.
Trước đó, hồi tháng 7, các quan chức cấp cao của Mỹ bất ngờ đề xuất với Thổ Nhĩ Kỳ chuyển giao hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất cho Mỹ hoặc chuyển nó đến khu vực do Washington kiểm soát tại Căn cứ Không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại, Mỹ sẽ xem xét khôi phục sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào chương trình máy bay chiến đấu F-35.
Song Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov sau đó đã bác bỏ khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chuyển giao hệ thống phòng không S-400 cho Mỹ.
Vị quan chức chỉ rõ rằng trong thỏa thuận mua S-400 năm 2017 có một điều khoản cấm Thổ Nhĩ Kỳ bán hoặc chuyển giao hệ thống này cho bất kỳ bên thứ ba nào mà không có sự chấp thuận của Moscow.
Ông Lavrov nhấn mạnh việc để mua các loại vũ khí của Nga, bên mua phải khai rõ ai là người sử dụng cuối cùng. Vì vậy, nếu chuyển giao hoặc sửa đổi việc sử dụng hệ thống phòng thủ này theo bất kỳ cách nào cho bên thứ ba, Thổ Nhĩ Kỳ cần có sự cho phép từ Nga, nhà cung cấp ban đầu. Điều kiện này nhằm duy trì quyền kiểm soát của Moscow đối với công nghệ quốc phòng mà nước này xuất khẩu, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các thỏa thuận thương mại vũ khí quốc tế.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO, song thường có hành động đi ngược lại với lợi ích chung của liên minh do Mỹ dẫn đầu. Ngoài hợp đồng S-400, Thổ Nhĩ Kỳ cũng trì hoãn phê duyệt Thụy Điển gia nhập NATO trong thời gian dài, khiến Washington đình chỉ thương vụ bán thêm tiêm kích hạng nhẹ F-16 cho Ankara.
Thương vụ chỉ được quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 2, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận cho Thụy Điển trở thành thành viên NATO.