+Aa-
    Zalo

    Giải mã "nước cờ" của ông Trump khi tuyên bố tăng thuế với loạt quốc gia ngay ngày đầu nhậm chức

    (ĐS&PL) - Một quan chức cho biết tuyên bố tăng thuế của ông Trump là "phát súng cảnh báo sớm" nhằm buộc các đồng minh và đối thủ phải ngồi vào bàn đàm phán.

    Ngày 25/11, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra thông báo bất ngờ về mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, cũng như thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa Trung Quốc cho đến khi các nước này kiểm soát chặt chẽ các loại thuốc gây nghiện như fentanyl và vấn đề người di cư qua biên giới.

    Đề xuất của ông Trump có thể gây ra những tác động lớn đối với thương mại quốc tế, dù trước đây ông từng đưa ra những lời đe dọa tương tự nhưng không thực hiện. 

    Ngay sau thông báo của ông Trump, các đồng tiền như đô la Canada, peso Mexico, euro, bảng Anh, won Hàn Quốc, đô la Úc… đều giảm giá so với đô la Mỹ.

    Hầu hết các chỉ số chứng khoán chính tại châu Á đều giảm, trong đó chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản dẫn đầu với mức giảm 1,59% tính đến (14h ngày 26/11, giờ địa phương).

    Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty

    Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty

    Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum sau đó cho biết, việc áp thuế sẽ gây ra lạm phát và mất việc làm, đồng thời đề xuất khả năng trả đũa động thái của ông Trump.

    Theo Reuters, tính đến tháng 9, Mexico là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, chiếm 15,8% tổng kim ngạch thương mại, theo sau là Canada với 13,9%. Mỹ cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Mexico.

    "Tôi không loại trừ khả năng ông ấy sẽ áp dụng tăng thuế quan tạm thời để thể hiện với cử tri của mình, những người sẽ rất vui khi thấy Tổng thống đắc cử Donald Trump nhất quán với các cam kết trong chiến dịch tranh cử", bà Viri Rios, một chuyên gia chính sách công của Mexico, phân tích trong báo cáo.

    Theo bà Rios, mức thuế 25% đối với hàng hóa Mexico sẽ khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại 125 tỷ USD trong 10 năm, trong khi khiến GDP của nước này mất từ 0,5 đến 0,74%. Với mức thuế cao như vậy, các công ty Mỹ nhập khẩu hàng hóa Mexico chắc chắn sẽ phải tăng giá.

    "Nạn nhân chính sẽ là người tiêu dùng Mỹ, bởi xét cho cùng, thuế quan ít nhiều sẽ được phản ánh vào giá cả", bà Valeria Moy, tổng giám đốc của công ty phân tích chính sách công IMCO, nói với Guardian.

    Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 26/11 nói rằng ông đã có một cuộc trò chuyện "tốt đẹp" với ông Trump ngay sau bài đăng trên mạng xã hội, nỗ lực xoa dịu nỗi lo về một đòn giáng kinh tế mạnh đối với Canada.

    Nhà lãnh đạo Canada không nói liệu nước này có áp thuế trả đũa hay không, như diễn biến trước đó trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump.

    “Chúng tôi đã nói về cách thức các mối liên hệ chặt chẽ và hiệu quả giữa hai quốc gia diễn ra qua lại như thế nào”, ông Trudeau nói với các phóng viên. “Chúng tôi đã nói về một số thách thức hai bên có thể cùng nhau giải quyết”.

    Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: Reuters

    Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: Reuters

    Nhà kinh tế trưởng Steven Ricchiuto từ Mizuho Securities USA nhận định rằng mức thuế quan mới sẽ gây ra hiệu ứng gợn sóng, đặc biệt là ở Canada và Mexico: "Rất rõ ràng rằng các nước ở mỗi bên biên giới sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng bạn cũng phải hiểu rằng, do hoạt động kinh tế toàn cầu còn yếu, các nhà cung cấp này khó mà không phải gánh chịu một phần chi phí từ thuế quan".

    Một quan chức liên quan đến công tác chuyển giao quyền lực nói với CNN rằng cam kết áp đặt mức thuế quan lớn đối với hàng hóa từ một số quốc gia của ông Trump là "phát súng cảnh báo sớm" nhằm buộc các đồng minh và đối thủ phải ngồi vào bàn đàm phán về các vấn đề nhập cư và thương mại.

    "Tại sao không? Không có gì ngạc nhiên cả. Chúng tôi biết điều gì hiệu quả", quan chức này khẳng định.

    Trong khi đó, ứng viên Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Scott Bessent mô tả thuế quan là một “công cụ hữu ích” để tăng cường vị thế của tổng thống khi đàm phán với các nước khác. 

    Theo CNN, tuyên bố của ông Trump dường như là màn mở đầu cho cuộc chiến thương mại đã được hứa hẹn từ lâu với Trung Quốc và các nước Bắc Mỹ. Đó đồng thời là cách tổng thống đắc cử ngăn chặn dòng người di cư và ma túy vào các cảng và xuyên biên giới, như ông đã hứa trong chiến dịch tranh cử.

    Trong bốn 4 năm tại nhiệm trước đây, ông Trump đã có cách tiếp cận cứng rắn đối với khu vực Mỹ Latin, nơi dòng người di cư đổ vào Mỹ nhiều nhất. Cách tiếp cận đó bao gồm áp dụng các các biện pháp trừng phạt hay đe dọa và áp đặt thuế quan.

    Phân tích của Goldman Sachs cũng mô tả thông báo về thuế quan của ông Trump "gợi nhớ nhiều hơn đến chính quyền đầu tiên của ông".

    Khi đó, thuế quan là một chiến thuật đàm phán và chính ông Trump sau đó không áp dụng một số mức thuế mà ông đe dọa do đã đạt được mục tiêu.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/giai-ma-nuoc-co-cua-ong-trump-khi-tuyen-bo-tang-thue-voi-loat-quoc-gia-ngay-ngay-au-nham-chuc-a484928.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan