Phóng viên có cuộc trao đổi với Luật sư Bae Yong Jae về các vấn đề pháp lý liên quan đến quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp hiện nay.
PV:Việc một số Ban Quản lý các khu công nghiệp không cho phép doanh nghiệp nước ngoài chuyển nhượng/cho thuê lại quyền sử dụng đất đã thuê từ Ban Quản lý các khu công nghiệp có vi phạm pháp luật hay không, thưa Luật sư?
Ông Bae Yong Jae – Giám đốc công ty luật TNHH Widus: Tôi cho rằng nếu Ban quản lý không cho phép những doanh nghiệp nước ngoài đã thanh toán toàn bộ phí thuê đất trong một lần cho toàn bộ thời gian thuê chuyển nhượng/ cho thuê lại quyền sử dụng đất thì sẽ vi phạm Luật đất đai và xâm hại đến quyền tài sản của các doanh nghiệp.
Bởi, theo như mục a khoản 2 điều 174 và mục a khoản 2 điều 185 của Luật đất đai có nêu rõ, các doanh nghiệp đã thanh toán toàn bộ phí thuê đất trong một lần cho toàn bộ thời gian thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Hơn nữa, nếu như đối chiếu với các quy định tại khoản 2 điều 501 của Bộ luật dân sự; khoản 7 điều 166 và khoản 1 điều 167 của Luật đất đai; khoản 3,4 điều 5 và điều 9 của Luật đầu tư thì hành vi hạn chế, ngăn cản việc thực hiện quyền tài sản như quyền sử dụng đất là vi phạm pháp luật.
Ông Bae Yong Jae - Giám đốc công ty luật TNHH Widus. |
PV:Xin ông cho biết, Ban Quản lý các khu công nghiệp có quyền yêu cầu doanh nghiệp hoàn trả lại một phần diện tích đất đang trong thời hạn thuê hay không?
Ông Bae Yong Jae – Giám đốc công ty luật TNHH Widus: Ban Quản lý các khu công nghiệp chỉ có thể yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài hoàn trả đất trong thời hạn thuê đối với trường hợp người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai quy định tại các điểm a, b, c, d, e, g và i khoản 1 Điều 64 của Luật đất đai năm 2013, gốm:
- Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm;
- Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất;
- Đất được giao, cho thuê không đúng đói tượng hoặc không đúng thẩm quyền;
- Đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho; ...
PV:Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa Hợp đồng thuê đất và pháp luật về đất đai thì Hợp đồng có vô hiệu không (Trên thực tế, Hợp đồng quy định khi chuyển nhượng thì phải được sự đồng ý của cả Ban Quản lý các khu công nghiệp, nếu không thì không được chuyển nhượng) ?
Ông Bae Yong Jae – Giám đốc công ty luật TNHH Widus: Điều 123 của Bộ luật dân sự quy định: “Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.”
Khoản 10 Điều 12 Luật đất đai 2013 liệt kê hành vi bị nghiêm cấm đó là “Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật”.
Không chỉ vậy, khoản 2 điều 501 của Bộ luật dân sự cũng quy định rõ:” Nội dung của hợp đồng về quyền sử dụng đất không được trái với quy định về mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Bộ luật dân sự, khoản 1 điều 163 có quy định: “Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản.”. Ngoài ra, nếu xét các quy định tại điều 166, 167, 174, 175, 185 của Luật đất đai thì có thể thấy rằng việc bảo vệ quyền tài sản như quyền sử dụng đất từ lâu đã chiếm một vị trí trong hệ thống đạo đức xã hội của xã hội Việt Nam. Theo đó, nếu như trong hợp đồng có điều khoản chứa nội dung được cho là xâm phạm đến nội dung bản chất của quyền sử dụng đất thì nội dung đó phải bị cho là vô hiệu.
PV:Trân trọng cám ơn Luật sư./.