Đó là đề đạt của Luật sư Lê Đình Vinh tại cuộc họp giữa Hiệp hội, doanh nghiệp xi măng với cơ quan chức năng ngày 4/5 vừa qua về cách thức áp dụng pháp luật để tính thuế xuất khẩu đối với mặt hàng xi măng khi quy định pháp luật chưa rõ ràng.
Về mặt pháp lý, hiện nay, chưa có quy định pháp luật nào quy định rõ ràng mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng xi măng. Chỉ có quy định chung chung tại Luật số 107/2016/QH13 và Nghị định số 122/2016/NĐ-CP như sau: “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm nếu có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” có mức thuế suất thuế xuất khẩu 5%.
Cùng quan điểm với Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung và các doanh nghiệp, Luật sư Lê Đình Vinh cũng cho rằng pháp luật hiện hành chưa định nghĩa về khái niệm “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm” nên không có căn cứ để xác định xi măng có thuộc nhóm này hay không. Theo Hiệp hội và các doanh nghiệp, về mặt khoa học, xi măng là thành phẩm, không phải là “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm” nên không thuộc đối tượng phải chịu thuế xuất khẩu.
Luật sư Lê Đình Vinh. |
“Tôi chưa bàn về vấn đề thẩm quyền giải thích, hướng dẫn pháp luật đúng sai hay về ý nghĩa Công văn 9744/TCHQ-TXNK, tuy nhiên khi văn bản pháp luật ở dạng khung, chưa quy định rõ khiến gây ra nhiều cách hiểu, đơn vị áp dụng pháp luật, giải thích pháp luật phải giải thích theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Đối tượng chịu ảnh hưởng đây là các doanh nghiệp, lẽ ra nếu pháp luật mập mờ chưa rõ thì Tổng Cục Hải quan phải giải thích theo phương thức có lợi”, Luật sư Lê Đình Vinh cho biết.Trái với ý kiến của một số Bộ ngành, theo Luật sư Lê Đình Vinh Nghị định 122/2016/NĐ-CP và Công văn số 9744/TCHQ-TXNK có vấn đề rất lớn.
Cũng theo Luật sư Lê Đình Vinh, thay vì giải thích theo hướng có lợi cho người dân, doanh nghiệp, Tổng Cục Hải quan lại giải thích theo hướng bất lợi, từ chỗ xi măng không thuộc đối tượng chịu thuế, Tổng Cục Hải quan lại cho xi măng là đối tượng chịu thuế.
“Tôi không kiến nghị dừng hay không dừng áp thuế xuất khẩu đối với xi măng, đó là việc của cơ quan ban hành chính sách. Tôi kiến nghị Tổng Cục Hải quan cần phải xem xét lại thấu đáo về mặt khái niệm, bản chất của Công văn 9744/TCHQ-TXNK”, Luật sư Vinh cho biết thêm.
Như đã đưa tin trước đó, tại cuộc họp ngày 4/5 vừa qua tại trụ sở Báo Đời sống & Pháp luật, biện luận lại quan điểm của một số Bộ, ngành cho rằng Công văn số 9744/TCHQ-TXNK là văn bản hướng dẫn, giải thích pháp luật, Luật sư Lê Đình Vinh đánh giá hiện nay chưa có quy định pháp luật nào định nghĩa minh định rõ ràng đâu là văn bản hướng dẫn đâu là văn bản giải thích.